Sau dịch COVID-19 Trung Quốc giảm thuế nhập khẩu thủy sản

Giao thương của Trung Quốc tê liệt do dịch Covid-19 nên Trung Quốc đưa ra chính sách mới thúc đẩy nhập khẩu bằng cách giảm thuế cho các sản phẩm nhập khẩu.

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu tôm đứng thứ 3 trên thế giới, chiếm 7,5% tổng nhập khẩu tôm của toàn thế giới năm 2018. Năm 2018, Trung Quốc vươn lên vị trí 3 thế giới về nhập khẩu tôm từ vị trí thứ 6 những năm trước đó. Năm 2019, Trung Quốc vượt Mỹ trở thành nước nhập khẩu tôm lớn nhất thế giới về khối lượng.

Nhu cầu nhập khẩu tôm để tiêu thụ trong nước và chế biến tái xuất khẩu của Trung Quốc những năm gần đây liên tục tăng. Tôm luôn là sản phẩm được quan tâm nhiều nhất trong các hội chợ triển lãm về thủy sản ở Trung Quốc.

Năm 2019, nhập khẩu tôm của Trung Quốc tăng mạnh so với các năm trước đó. Ngành nuôi tôm nội địa của Trung Quốc sụt giảm do dịch bệnh trong khi tiêu thụ trong nước tăng. Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, năm 2019, nhập khẩu tôm của Trung Quốc đã tăng gần gấp 3 lần, đạt 718.000 tấn, vượt Mỹ trở thành nước nhập khẩu tôm lớn nhất thế giới về khối lượng. Giá trị nhập khẩu đạt 4,44 tỷ USD.

Sau dịch Trung Quốc giảm thuế nhập khẩu thủy sản.
Sau dịch Trung Quốc giảm thuế nhập khẩu thủy sản.

Năm 2019, nhập khẩu trực tiếp tôm nước ấm của Trung Quốc (chủ yếu là tôm nuôi) tăng mạnh nhất, tăng 237% đạt 649.000 tấn. nhập khẩu tôm nước lạnh tăng 6% đạt 56.000 tấn. Tôm nước lạnh nhập khẩu vào Trung Quốc chủ yếu là tôm pandalus Borealis khai thác ở phía bắc Đại Tây Dương.

Ecuador và Ấn Độ là các nguồn cung cấp tôm nước ấm lớn nhất cho Trung Quốc, chiếm gần ¾ tổng nhập khẩu mặt hàng này của Trung Quốc năm 2019. Việt Nam đứng thứ 4 về cung cấp tôm nước ấm cho Trung Quốc, chiếm 5,4% tổng khối lượng nhập khẩu tôm vào Trung Quốc.

Năm 2019, khối lượng nhập khẩu tôm vào Trung Quốc từ Ecuador đạt 322.636 tấn, tăng 324% so với năm 2018 trong khi giá trị nhập khẩu tăng 285% đạt 1,85 tỷ USD.

nhập khẩu tôm đông lạnh vào Trung Quốc từ Ấn Độ tăng 346% đạt 155.027 tấn trong khi giá trị nhập khẩu tăng 337% đạt 904 triệu USD. Hầu hết tôm Ấn Độ được bỏ đầu ở Ấn Độ trước khi được chế biến thêm tại các nhà máy Trung Quốc.

Năm 2019, giá nhập khẩu trung bình tôm nước ấm đông lạnh từ các nguồn cung cho Trung Quốc đều giảm so với năm 2018. Giá nhập khẩu trung bình mặt hàng này từ Việt Nam đạt 7,3 USD/kg, giảm 23% so với 2018. Giá nhập khẩu từ Ecuador và Ấn Độ lần lượt đạt 5,73 và 5,83 USD/kg, giảm lần lượt 9% và 2%.

Năm 2019, nguồn cung tôm nước lạnh lớn nhất của Trung Quốc là Canada (27.529 tấn), tiếp đó Greenland (15.400 tấn), Nga (3.877 tấn) và Đan Mạch (3.007 tấn).

Quý I/2020, nhập khẩu tôm của Trung Quốc dự kiến giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19 bùng phát tại Vũ Hán, Trung Quốc cuối tháng 12/2019. nhập khẩu tôm vào Trung Quốc từ Ecuador, Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan 2 tháng đầu năm 2020 đều đồng loạt giảm. Nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc giảm do các nhà hàng đóng cửa, người dân hạn chế đi lại, khách du lịch vắng bóng; lưu thông, vận chuyển hàng hóa, tiếp nhận nhập cảng bị đình trệ.

Mặc dù rất khó dự đoán về diễn biến tiếp theo của dịch Covid-19, nhưng sau đợt dịch này, dự kiến nhu cầu thủy sản của Trung Quốc trong đó có tôm sẽ tăng vì nguồn cung thịt gà, thịt lợn giảm. Tiêu thụ và nhập khẩu mặt hàng tươi, sống sẽ sụt giảm do cảnh báo về những nguy cơ dịch bệnh từ động vật sống, tạo cơ hội cho các sản phẩm tôm chế biến sẵn, sản phẩm đông lạnh, đáp ứng nhu cầu thương mại điện tử, mua hàng online của các hộ gia đình và các điểm bán lẻ tại thị trường trong nước. Dịch Covid 19, cúm gia cầm, dịch tả lợn, nạn châu chấu sẽ khiến cho sản xuất nông nghiệp của Trung Quốc sụt giảm, mức sống của người dân giảm, chi tiêu cho thực phẩm cao cấp sẽ hạn chế, tạo cơ hội cho phân khúc sản phẩm giá phải chăng như tôm chân trắng đông lạnh.

Giao thương của Trung Quốc tê liệt do dịch Covid-19 nên Trung Quốc đưa ra chính sách mới thúc đẩy nhập khẩu bằng cách giảm thuế cho các sản phẩm nhập khẩu, bao gồm cả thủy sản, cũng tạo điều kiện cho nhập khẩu tôm vào Trung Quốc tăng sau đợt dịch bệnh này.

VIÊN VIÊN

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương