Người mẹ đơn thân và hành trình nuôi con tự kỷ

Tự kỷ là nỗi đau, là sự khủng hoảng rất lớn cho bất cứ gia đình nào có con mắc phải. Sự vất vả này còn nhân lên bội phần khi người phụ nữ quyết định làm một bà mẹ đơn thân, một mình nuôi con lớn khôn.

 “Cuộc đời tôi không có phút nào nghĩ cho bản thân”

Người ta thường nói: "Một người mẹ luôn nghĩ hai lần – một lần cho mình và một lần cho con." Nhưng với chị Ngô Thu Diễm (TP Hà Nội), có lẽ cả đời chị chưa từng có cơ hội nghĩ cho bản thân. Đứa con trai đầu lòng mắc chứng tự kỷ, con gái nhỏ ra đi vì ung thư máu, hôn nhân đổ vỡ – những cú sốc dồn dập như xé vụn mọi điểm tựa trong cuộc sống.

“Có lúc tôi từng nghĩ đến cái chết. Nhưng rồi tôi tự hỏi: nếu mình không còn, con tôi sẽ sống thế nào? Câu hỏi ấy kéo tôi trở lại”, chị kể.

Từ quyết định buông bỏ cuộc hôn nhân tan vỡ, mang theo con trai ra đi trong hai bàn tay trắng, bắt đầu lại từ đầu, cho đến hành trình gian nan mưu sinh và can thiệp cho con – tất cả đều khởi nguồn từ một điều đơn giản: tình yêu của người mẹ.

Chị Ngô Thu Diễm dạy con trai Hải Đăng vận động tinh
Chị Ngô Thu Diễm dạy con trai Hải Đăng vận động tinh

18 năm kiên trì: “Mỗi tiến bộ nhỏ của con là một phép màu lớn”

Khi Hải Đăng được chẩn đoán tự kỷ, cậu bé gần như không kiểm soát được cảm xúc, thường xuyên tăng động, la hét, đập phá. Cả nhà luôn trong tình trạng “báo động” và đầy thương tích. Nhưng chị Diễm không từ bỏ.

Chị lao vào đọc tài liệu chuyên môn, học hỏi từ các chuyên gia trong và ngoài nước, tiếp cận những phương pháp can thiệp mới nhất. Ngoài giờ chăm con, chị làm đủ việc để kiếm tiền: dạy trẻ đặc biệt, dạy tiếng Anh, bán vé máy bay, chạy tour du lịch online…

“Có những ngày tôi dạy 2-3 ca liên tục, tối về lại làm việc đến khuya. Chỉ cần nhìn con tôi học được thêm một từ, biết viết một chữ, tôi lại như được tiếp thêm năng lượng.”

Và những điều kỳ diệu cũng đến. Hải Đăng dần biết cầm bút, biết học chữ, biết chờ mẹ, thậm chí có ngày tự quay trở về nhà sau khi đi lạc – điều mà trước kia chị Diễm không dám mơ tới.

Chị Ngô Thu Diễm kiên trì suốt 18 năm vì sự tiến bộ của con
Chị Ngô Thu Diễm kiên trì suốt 18 năm vì sự tiến bộ của con

Dù vất vả, chị Diễm nói cuộc sống hiện tại là “bình an”. Mỗi ngày, chị vẫn đưa con đi học, dạy con kỹ năng sống, rồi tranh thủ làm việc, tất bật đến tối muộn. Nhưng trong những vòng quay lặp đi lặp lại đó, có tình yêu thương, có hy vọng, và có cả niềm tin không bao giờ tắt.

“Bây giờ, Hải Đăng đã có thể ở nhà một mình trong thời gian ngắn. Tôi đang tập cho con nấu ăn, tự chăm sóc bản thân, dần tiến tới cuộc sống độc lập.”- chị Diễm chia sẻ với niềm vui khó diễn tả.

Tổn thương – và hành trình chữa lành chính mình

Là một người mẹ đơn thân, nuôi con đặc biệt, tổn thương là điều khó tránh. Chị Diễm cũng có những lúc chạnh lòng, né tránh những cuộc trò chuyện về hạnh phúc gia đình, những đứa trẻ thành đạt, hoặc tình cảm vợ chồng viên mãn.

“Tôi từng khép kín, tránh giao tiếp. Nhưng rồi tôi hiểu, mỗi người có một kiểu hạnh phúc. Tôi cũng có hạnh phúc của riêng mình – đó là con trai tôi.”

Hạnh phúc của của chị Diễm là nhìn con tốt hơn mỗi ngày
Hạnh phúc của của chị Diễm là nhìn con tốt hơn mỗi ngày

Chị tự chữa lành bằng cách chấp nhận thực tại, nuôi hy vọng, và chọn sống vì điều mình có, không phải điều mình mất.

Chị Diễm chia sẻ, bản thân chị không chỉ nuôi dạy con mình, mà còn hỗ trợ can thiệp cho nhiều trẻ đặc biệt khác. Chị hiểu nỗi đau, sự mệt mỏi, cả tuyệt vọng mà nhiều bà mẹ có con tự kỷ đang đối mặt. Nhưng chị cũng tin rằng: “Không có phương pháp cuối cùng. Chỉ có lòng tin và sự kiên trì của người mẹ là không được dừng lại.”

Chị nhắn gửi đến những người mẹ cùng hoàn cảnh: “Hãy học cách hiểu con. Hãy lắng nghe. Hãy thử lại từ đầu, dù đã mệt mỏi bao nhiêu lần. Chỉ cần chúng ta còn ở bên, con sẽ còn cơ hội để tiến bộ.”

Có thể nói, chị Ngô Thu Diễm đã viết lại định nghĩa về nghị lực sống. 18 năm bền bỉ, chị chưa từng buông tay, chưa từng từ bỏ, dù cuộc đời đã lấy đi của chị quá nhiều thứ. Cuộc sống không nhẹ nhàng với chị, nhưng chính chị đã nhẹ nhàng đi qua nó – bằng yêu thương, niềm tin và sự bền bỉ vô điều kiện của một người mẹ.

Hồng Thu

Nghiên cứu củng cố mối liên hệ giữa tiểu đường thai kỳ và nguy cơ tự kỷ ở trẻ

Nghiên cứu củng cố mối liên hệ giữa tiểu đường thai kỳ và nguy cơ tự kỷ ở trẻ

Phân tích dữ liệu cho thấy trẻ có nguy cơ mắc chứng tự kỷ tăng 25% khi có mẹ bị tiểu đường trong thời kỳ mang thai.