Sau Grab, đến lượt Gojek tăng giá cước

Gojek vừa tăng 8-10% giá cước dịch vụ xe ôm công nghệ, giao đồ ăn, giao hàng tại Hà Nội và TP HCM từ ngày 12/12.

Trong lúc Grab và các đối tác tài xế vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về việc tăng mức chiết khấu thuế VAT thì mới đây, hãng xe công nghệ Gojek cũng đưa ra thông báo điều chỉnh giá cước và mức chiết khấu mới để tuân thủ Nghị định 126. Theo đó, giá các dịch vụ của Gojek sẽ tăng khoảng 8,3-10% so với giá dịch vụ ban đầu.

Tại Hà Nội, giá cước 2km đầu tiên cho dịch vụ xe ôm (GoRide) tăng từ 12.000 đồng lên 13.000 đồng/km. Sau 2km đầu tiên, giá cước sẽ tăng thêm 400 đồng so với ban đầu, lên mức 4.400 đồng/km. Bên cạnh đó, phụ phí ban đêm tăng từ 8.000 đồng lên 10.000 đồng/đơn hàng. Các mức tăng này tương đương khoảng 8,3-10% giá ban đầu, cao hơn đáng kể so với mức 5-6% của Grab.

Giá cước các dịch vụ GoRide và GoSend mới tại Hà Nội. Ảnh chụp màn hình
Giá cước các dịch vụ GoRide và GoSend mới tại Hà Nội. Ảnh chụp màn hình
Giá cước dịch vụ GoFood mới tại Hà Nội. Ảnh chụp màn hình
Giá cước dịch vụ GoFood mới tại Hà Nội. Ảnh chụp màn hình

Tương tự, tại TP.HCM, Gojek cũng tăng giá cước 2km đầu tiên từ 10.000 đồng lên 11.000 đồng. Mỗi km tiếp theo (sau 2km đầu tiên), tăng giá từ 3.600 đồng lên 4.000 đồng/km.

Giá cước dịch vụ GoRide và GoSend mới tại TP.HCM. Ảnh chụp màn hình
Giá cước dịch vụ GoRide và GoSend mới tại TP.HCM. Ảnh chụp màn hình
Giá cước dịch vụ GoFood mới tại TP.HCM. Ảnh chụp màn hình
Giá cước dịch vụ GoFood mới tại TP.HCM. Ảnh chụp màn hình

Ngoài ra, giá các dịch vụ giao hàng (GoSend) và giao đồ ăn (GoFood) tại Hà Nội và TP.HCM đều tăng như nhau. Với GoSend, giá cước tăng từ 4.000 đồng lên 5.000 đồng/km (sau 2km đầu tiên). Với GoFood, thay vì giá cước 14.000 đồng cho 5km đầu tiên, Gojek tăng lên thành 15.000 đồng cho 3km đầu tiên. Giá mỗi km sau đó tăng từ 4.000 đồng lên 5.000 đồng.

Gojek thông báo, tỷ lệ khấu trừ dành cho đối tác tài xế trên toàn bộ doanh thu từ chuyến xe cũng sẽ được điều chỉnh tương ứng.

Theo đó, phần thuế giá trị gia tăng VAT (10%) sẽ được khấu trừ trên tổng doanh thu từ chuyến xe sau khi đã trừ đi phí nền tảng. Mức phí dịch vụ 20% vẫn không đổi và tính trên doanh thu đã trừ thuế. Mỗi cuốc xe của Gojek sẽ nộp 10% VAT trước khi chia sẻ doanh thu từ ngày 12/12.

Với cách tính toán này, thu nhập thực nhận của tài xế vẫn không đổi sau khi Gojek áp dụng mức giá mới, vì hãng xe này tăng giá mạnh.

Sau Grab, đến lượt Gojek tăng giá cước
Gojek tính toán việc thay đổi cước phí bù thuế VAT nhưng không làm giảm thu nhập thực của tài xế. Ảnh chụp màn hình
Gojek tính toán việc thay đổi cước phí bù thuế VAT nhưng không làm giảm thu nhập thực của tài xế. Ảnh chụp màn hình

Gojek tính toán, sau khi tăng giá, tỷ lệ khấu trừ trên mỗi chuyến xe của tài xế là hơn 27,2%. Con số này tương đương với mức Grab đang áp dụng.

Trước Gojek, Grab cũng điều chỉnh tăng giá cước một số dịch vụ 5-6% từ 5/12. Với dịch vụ xe ôm công nghệ GrabBike, giá cước mỗi km (sau 2 km đầu tiên) tăng từ 3.400 đồng lên 4.000 đồng. Còn giá cước tính theo thời gian di chuyển (sau 2 km đầu tiên) tăng từ 300 lên 350 đồng mỗi phút. Tỷ lệ chiết khấu tính trên doanh thu cuốc xe đối với đối tác tài xế GrabBike cũng tăng từ 20% lên 27,273%

Các tài xế Grab cho rằng, sau khi áp dụng giá cước, tỷ lệ khấu trừ mới, thu nhập của họ sụt giảm. Họ đề xuất Grab thực hiện như chính sách cũ trước ngày 5/12. Tuy nhiên, đại diện Grab cho biết sẽ không thay đổi tỷ lệ khấu trừ hiện tại để tuân thủ quy định mới.

NHẬT SANG

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương