Sau kiểm toán FLC chuyển từ lãi sang lỗ

Tập đoàn FLC vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2021 sau soát xét với tổng tài sản tại cuối quý II giảm hơn 1.191 tỷ (tương đương 3,7%) so với báo cáo tự lập. Tổng tài sản của FLC giảm hơn 1.190 tỷ đồng sau kiểm toán, chuyển từ lãi gộp sang lỗ gộp.

Tập đoàn FLC vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2021 sau soát xét với tổng tài sản tại cuối quý II giảm hơn 1.191 tỷ (tương đương 3,7%) so với báo cáo tự lập. Trong đó, tài sản ngắn hạn giảm 742 tỷ và tài sản dài hạn giảm 449 tỷ.

Theo đó, tài sản ngắn hạn giảm do các khoản phải thu sụt 1.195 tỷ đồng xuống còn 11.394 tỷ trong khi hàng tồn kho tăng thêm 453 tỷ lên gần 2.481 tỷ. Bên phía tài sản hạn, tài sản dở sang sau kiểm toán giảm 453 tỷ đồng trong khi đầu tư tài chính dài hạn và tài sản khác tăng không đăng kể.

Tương ứng bên nguồn vốn, vốn chủ sở hữu của FLC được điều chỉnh tăng nhẹ 2 tỷ trong khi tổng nợ phải trả giảm 1.193 tỷ đồng. Cụ thể, nợ ngắn hạn tăng thêm 716 tỷ, ngược lại nợ dài hạn giảm 1.909 tỷ - chủ yếu do điều chỉnh phải trả dài hạn khác. Trong văn bản giải trình, Tập đoàn FLC không giải thích về những sự điều chỉnh của kiểm toán trong bảng cân đối tài sản nguồn vốn.

Về kết quả kinh doanh, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ nửa đầu năm sau kiểm toán được điều chỉnh tăng gần 413 tỷ đồng (tương đương 11%) so với báo cáo tự lập. Tuy nhiên giá vốn hàng bán điều chỉnh tăng tới 512 tỷ, tương đương 13,9%. Kết quả, FLC chuyển từ lãi gộp 58,5 tỷ thành lỗ gộp 41,2 tỷ trong nửa đầu năm. FLC vẫn có lãi trước thuế nhờ được điều chỉnh doanh thu tài chính tăng thêm 149 tỷ sau soát xét. Tuy nhiên lợi nhuận trước thuế giảm từ 97,3 tỷ xuống còn 96,2 tỷ đồng.

Giải trình về sự chênh lệch này, FLC cho biết là do điều chỉnh một số giao dịch hợp nhất. Trước đó, FLC đã công bố báo cáo tài chính quý II tự lập với doanh thu thuần hợp nhất nửa đầu năm đạt 3.748 tỷ đồng, thấp hơn 42% so với cùng kỳ năm 2020. Doanh thu của FLC sụt giảm mạnh do tập đoàn không còn hợp nhất kết quả của hãng hàng không Bamboo Airways vào báo cáo tài chính. Tại thời điểm 30/6, FLC chỉ còn sở hữu 25,9% cổ phần Bamboo Airways và không còn là công ty mẹ của hãng bay này.

Cùng với doanh thu, giá vốn của FLC cũng giảm mạnh do không còn hợp nhất với Bamboo Airways. Nhờ đó, FLC vẫn ghi nhận lãi gộp 58,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ gộp gần 2.250 tỷ đồng. Mặc dù hoạt động kinh doanh cốt lõi có lãi nhưng khoản lợi nhuận gộp nói trên chỉ tương đương khoảng 1/10 tổng các khoản chi phí tài chính, bán hàng, quản lý doanh nghiệp lên tới gần 580 tỷ đồng trong kỳ.

FLC thoát lỗ nhờ khoản thu hơn 599 tỷ đồng từ hoạt động tài chính, tăng 32% so với với cùng kỳ. Theo đó, lợi nhuận sau thuế của FLC sau nửa đầu năm đạt hơn 65 tỷ đồng, cải thiện rõ rệt so với khoản lỗ ròng 2.970 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Báo cáo tài chính cho thấy doanh thu tài chính của FLC chủ yếu đến từ việc thanh lý các khoản đầu tư với khoản tiền thu về lên tới hơn 410 tỷ đồng. Năm 2020, FLC đặt kế hoạch doanh thu hơn 15.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 880 tỷ đồng. Như vậy, tập đoàn này mới đạt 25% chỉ tiêu doanh thu và 7% chỉ tiêu lợi nhuận sau 2 quý đầu tiên.

Đến ngày 30/6, tổng tài sản của FLC hơn 32.000 tỷ đồng, giảm hơn 15%. Trong đó, lượng tiền mặt của tập đoàn là hơn 132 tỷ đồng, giảm hơn 1.082 tỷ so với cuối năm 2020 (tương đương giảm 89%) và chỉ chiếm 0,4% tổng tài sản.  Cuối tháng 6, FLC nắm giữ gần 265 tỷ đồng chứng khoán kinh doanh, gấp 70 lần so với đầu năm. Trong đó, phần lớn là cổ phiếu HAI của Công ty Cổ phần Nông dược H.A.I. Tuy nhiên, tập đoàn phải trích lập dự phòng tới 160 tỷ đồng cho khoản đầu tư trên.

6 tháng đầu năm, nợ phải trả của FLC giảm gần 2.200 tỷ xuống còn 22.218 tỷ đồng, chiếm 69% tổng nguồn vốn của tập đoàn. Trong đó, vay nợ ngắn hạn của tập đoàn FLC vào cuối tháng 6 giảm hơn một nửa so với đầu năm, về còn gần 2.100 tỷ đồng. Trong khi đó, vay nợ dài hạn tăng 71% lên gần 3.750 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu giảm hơn 3.600 tỷ, xuống 9.814 tỷ đồng do không còn hợp nhất với Bamboo Airways.