Cựu Giám đốc kinh doanh Citibank Châu Á -Thái Bình Dương làm Chủ tịch ví MoMo

Chủ tịch HĐQT MoMo là người Ấn Độ, chuyên gia lâu năm về tài chính ngân hàng lẫn Fintech, và đã ngồi ghế Chủ tịch ví điện tử này từ tháng 4/2020.

Ông Anthony Thomas đã đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT ví điện tử MoMo 8 tháng, bắt đầu từ tháng 4/2020. Ví MoMo cho biết việc bổ sung ông Anthony vào ví trị cấp cao với kỳ vọng sẽ có những bước tiến mới trên hành trình trở thành Super App (siêu ứng dụng) đầu tiên và số 1 tại Việt Nam. Đồng thời củng cố vị thế dẫn đầu thị trường trong nước trong nhiều năm liên tiếp.

"Việc tuyển chọn những lãnh đạo người Ấn Độ đang là xu hướng toàn cầu, khi các doanh nghiệp công nghệ tiêu biểu đều được dẫn dắt bởi những CEO gốc Ấn như Google (ông Sundar Pichai), Microsoft (ông Satya Nadella), Mastercard (ông Ajaypal Singh Banga) hay IBM (ông Arvind Krishna)…", CEO MoMo Phạm Thành Đức cho biết.

Tân Chủ tịch HĐQT MoMo người Ấn Độ, từng là CEO ví điện tử lớn nhất Philippines, nhiều năm làm việc tại Citibank. Ảnh: N.Thy
Tân Chủ tịch HĐQT MoMo người Ấn Độ, từng là CEO ví điện tử lớn nhất Philippines, nhiều năm làm việc tại Citibank. Ảnh: N.Thy

Ông Anthony Thomas là chuyên gia về Fintech, với hơn 22 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và thanh toán (Payment). 

Trước khi giữ vị trí cao nhất tại MoMo, ông Anthony Thomas là CEO của ví điện tử lớn nhất Philippines -GCash. Ông có 17 năm làm việc tại và đảm nhận nhiều vị trí lãnh đạo quan trọng cho Citibank’s Global Consumer Group tại nhiều quốc gia, bao gồm Ấn Độ, Châu Mỹ, Hàn Quốc cũng như Philippines.

Chuyên gia này đã làm việc tại Citibank suốt 17 năm và kinh qua nhiều vị trí quan trọng của ngân hàng đa quốc gia lớn nhất thế giới này, là Giám đốc bộ phận Kinh doanh & Phân phối Ngân hàng Bán lẻ, Châu Á Thái Bình Dương với hơn 600 chi nhánh...

Dàn lãnh đạo trụ cột của Ví điện tử MoMo còn bà Manisha Shah, hiện là Phó Tổng giám đốc cấp cao phụ trách tài chính, nhân sự cũng là người gốc Ấn. Bà Manisha từng làm việc tại JP Morgan, Morgan Stanley, TVS & Sons, Vodafone và World Bank trước khi gia nhập MoMo năm 2018.

Hiện bà Manisha Shah là "nữ tướng" đầu tiên và duy nhất trong Ban điều hành của MoMo, cũng là lãnh đạo người nước ngoài đầu tiên của MoMo có bằng BA từ Đại học Colgate và MBA cấp bởi Harvard Business School.

Ví điện tử MoMo hơn 20 triệu khách hàng với hơn 30.000 đối tác kinh doanh trong các lĩnh vực. Ảnh: N.Thy
Ví điện tử MoMo hơn 20 triệu khách hàng với hơn 30.000 đối tác kinh doanh trong các lĩnh vực. Ảnh: N.Thy

Một nhân sự cấp cao khác được MoMo chiêu mộ gần đây là ông Nguyễn Vũ Đức, đồng sáng lập và từng là CEO của GoViet (nay là Gojek Việt Nam). Ông Đức cũng chính là người đã đưa Uber về Việt Nam và triển khai thành công Uber tại TP.HCM năm 2014. Hiện ông Nguyễn Vũ Đức đang là Phó Tổng giám đốc đơn vị hợp tác Ngân hàng và Chuyển tiền P2P, phát triển mạng lưới của MoMo.

CEO của MoMo hiện là ông Phạm Thành Đức, gia nhập MoMo từ năm 2013. Ông Đức có hơn 20 năm kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực như viễn thông, bán lẻ, thương mại điện tử, thanh toán trên điện thoại… và từng giữ nhiều chức vụ quản lý cấp cao tại FPT.  Ông Đức được vinh danh TOP40 cá nhân có đóng góp lớn cho ngành Thương mại điện tử khu vực Đông Nam Á.

CEO của MoMo còn có ông Nguyễn Mạnh Tường - đồng sáng lập ví điện tử này. Trước khi khởi nghiệp với MoMo, ông Tường có thời gian làm việc cho Cisco Systems (Mỹ). Tại MoMo, ông Tường đóng vai trò linh hồn chiến lược, phát triển kinh doanh và công nghệ sản phẩm.

Một nhân vật chủ chốt khác là ông Nguyễn Bá Diệp - đồng sáng lập MoMo và đang là Phó Chủ tịch. Ông Diệp cũng là thành viên sáng lập, kiêm Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Fintech Việt Nam và là Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam – TP.HCM (VNISA).

Ví MoMo điện tử MoMo (viết tắt của Mobile Money) ra mắt năm 2010, là công ty tiên phong trong lĩnh vực thanh toán di động tại Việt Nam. Ví điện tử này vừa công bố chiến lược trở thành siêu ứng dụng (Super App) đầu tiên tại Đông Nam Á. 

MoMo hiện có hơn 20 triệu khách hàng với hơn 30.000 đối tác kinh doanh trong các lĩnh vực tài chính tiêu dùng, bảo hiểm, chuyển tiền, thanh toán, giải trí, thương mại điện tử, mua sắm, vận tải và dịch vụ ăn uống... Các tổ chức tài chính đang đầu tư vào ví điện tử này gồm Goldman Sachs, Standard Chartered Private Equity (SCPE) và Warburg Pincus.

H.LINH

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương