Ngày chủ nhật, bọn trẻ đã được gửi về ngoại từ hôm qua, anh định rủ nàng lên phố ăn sáng uống cà phê nhân trời thu đang đẹp. “Anh đợi tí 9h em hẹn ship đồ qua nhà, nhận xong thì mình đi nhé”. Thấy anh có vẻ hẫng, nàng xoa dịu: “Em mua rẻ được mấy lọ nước giặt giá rẻ lắm. Tiết kiệm, anh ạ”.
Anh không nói nữa, đã quá quen với kiểu tiết kiệm ấy của vợ. Cứ rảnh là nàng lượn các trang bán hàng online trên Facebook, các app bán hàng, và cả các hội nhóm chuyên bán đồ lặt vặt. Cứ thấy quảng cáo khuyến mãi, là nàng mua.
Nhìn vào giá thì rất hấp dẫn, ảnh quảng cáo thì đẹp tuyệt vời. Nhưng nào có được như thế. Đồ gia dụng, nàng mua về cái giá để giày dép có mấy chục nghìn. Mở ra là mấy thanh nhựa lắp ghép, vừa ọp ẹp vừa bé tí, cuối cùng đành vứt chỏng chơ ở hành lang để mấy đôi giày dép cũ. Cái tủ quần áo cho phòng bọn trẻ, quảng cáo nào 5 tầng, nào bánh xe mà có hơn trăm nghìn bạc, cuối cùng là loại tủ vải tráng nylon nồng mùi nhựa, dùng vài hôm trẻ con kêu mùi nhức cả đầu, lại phải đem cho bà hàng bún dưới nhà. Chảo chống dính Chín Mươi Chín Nghìn (và chỉ có đúng Chín Mươi Chín cái không mua nhanh là hết), về dùng 2 lần đã bong tróc, anh phải bảo nàng bỏ đi, sợ ăn lấy cái độc vào người. Giày dép, nàng mua mỗi lần 3-4 đôi, toàn “hàng hiệu”. Hiệu gì rẻ bằng 1/3, 1/4 hàng chính hãng. Mua về không ưng kiểu thì cũng sớm thất vọng về chất lượng.
Lâu lâu anh lại phải bảo nàng đem cho để bớt chật tủ giày. Kinh hãi nhất là đồ ăn. Ngon thì cũng có lúc ngon lúc không, nhưng bao giờ cũng rất nhiều. Là bởi vì “một công ship đồ thì mua cho bõ”. Nàng mua một lúc chục cái bánh chưng, khi thì mấy lọ măng muối, lúc lại dăm cân miến dong. Mua thì bắt chồng con ăn, mà ăn nhiều đến phát ngấy. Vụ bơ vừa rồi, nàng thấy rẻ mua 1 lúc 10kg để chật tủ lạnh. Thế là nửa tháng giời ba bố con ăn sáng với sinh tố bơ và ăn tối bằng salad bơ trộn tôm đông lạnh (tôm ấy nàng mua siêu thị 2 gói to, thì được khuyến mãi... 1 gói nhỏ, tổng cộng 2,5kg).
Thực sự là ác mộng!
Tranh: "Trà ở ngoài vườn" - Thắm Poong |
Anh lựa lời nói với vợ nhiều lần, nhưng nàng nghe ậm ừ, rồi đâu lại vào đó. Cái lý do tiết kiệm nó vẫn quá ư hợp lý. Còn bọn trẻ thì chả nhịn mãi như thế, chúng nó không dám thái độ với mẹ, mà chỉ đơn giản là không dùng.
Quần áo online rẻ tiền toàn nylon chúng không mặc, đồ ăn thì chúng chỉ ăn bữa đầu, tái diễn mãi thì chúng thà ăn mỳ tôm. 9 rưỡi ship hàng mới đến, nàng chạy xuống lấy rồi xách lên một hộp to. “Lại cái gì thế em?” - anh hỏi trong sợ hãi, nếu lại thêm 1 yến bơ hay dưa hấu thì chắc chết... “Máy đánh giày, anh ạ. Rẻ lắm có 599 nghìn (thế là Sáu Trăm chứ gì nữa, anh nghĩ thầm). Anh hay đi giày da, em mua cái này để ở cửa, rất tiện”.
Cái máy chỉ có 2 loại xi đen và trắng, thành ra các loại giày da màu và thể thao là chịu chết. Mà giày da đen thì vợ chồng mỗi người có 1 đôi, giày da trắng mình nàng có 2 đôi, năm thì mười họa mới dùng đến. Anh nhìn nàng thở dài. “Em này, cái máy đánh giày rồi sẽ lại sớm vứt xó thôi...”. “Sao lại vứt xó” - nàng vội gắt - “anh sẽ thấy...”. “Anh thấy nhiều rồi, và em ạ, đấy là lãng phí. Em nghĩ lại xem, tất cả những món online em đã mua, nếu gộp lại sẽ thành một món tiền khá đấy. Đủ để em mua một cái máy rửa bát xịn, hoặc là một cái xe đạp điện cho con vào cấp 3 đi học”.
Nàng im lặng, có thể là nhẩm tính, và thừa nhận anh nói đúng. Nhưng anh cũng không muốn vợ phải suy nghĩ nhiều, nên đứng dậy mặc áo khoác và cười. “Thôi đóng bộ vào rồi ta lên phố cà phê em. Rẻ không quan trọng bằng hữu ích, không quan trọng bằng cảm giác thoải mái khi sử dụng. Em sẽ không muốn mình uống cà phê tan ở nhà, đúng không?”.
Nàng nhìn anh và cười, trước khi đứng dậy, nàng mở điện thoại xoá hết mấy app bán hàng vẫn ngày ngày cần mẫn gửi quảng cáo.
10 cách tiêu dùng thông minh giúp bạn tiết kiệm được bộn tiền
Một số mẹo vặt tiêu dùng sau sẽ giúp bạn định hướng được món hàng nào cần mua, nhằm tránh lãng phí và tận dụng triệt để khả năng sử dụng.