Tại sao TP.HCM không thể quay về thời 'Zero COVID-19'?

Theo ông James Trauer, chuyên gia về mô hình dự báo dịch tễ học tại Đại học Monash, Australia, TP.HCM khó quay về mô hình "Zero COVID-19", thay vào đó cần tiếp tục phủ vaccine và ứng phó việc có ca nhiễm khi mở cửa lại.

Ông James Trauer chia sẻ trên zing.vn, biến chủng Delta lây lan rất nhanh khiến mô hình "Zero COVID-19" của nhiều quốc gia rơi tình trạng nan giải.

Ông cho rằng trong quá trình mở cửa, thay vì chú ý về mặt thời gian, chính quyền cần lưu ý tỷ lệ bao phủ vaccine và hệ số lây nhiễm trong cộng đồng.

Giáo sư James Trauer nhận định TP.HCM sẽ không thể kỳ vọng bóc tách toàn bộ ca nhiễm ra khỏi cộng đồng được.

Do đó, ông cho rằng lối thoát duy nhất cho TP.HCM nằm ở việc tiêm vaccine và miễn dịch tự nhiên. Trong lúc đợi vaccine bổ sung, chuyên gia nói điều quan trọng là TP.HCM phải duy trì giãn cách xã hội cho tới khi vaccine được phân phối tới tất cả người dân, cộng với hai tuần để cơ thể sinh miễn dịch.

dien-bien-phu-1185-1625802544.jpg
TP.HCM rất khó trở về mô hình mô hình "Zero COVID-19".

Nếu nguồn cung vaccine khan hiếm, thì cần ưu tiên bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất. Vì thế, nhóm người cao tuổi chính là nhóm cần có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất, và cứ thế ưu tiên theo thứ tự giảm dần.

Ngoài ra, ông Trauer cho rằng thay vì suy nghĩ về mặt thời gian giãn cách, tốt hơn là nên tìm cách mở rộng phạm vi bao phủ vaccine. Vào thời điểm ban hành các quy định hạn chế, chính quyền nên cân nhắc tỷ lệ dân số được tiêm chủng.

Ngoài chủng ngừa, ông nghĩ rằng cách tiếp cận tốt nhất là thắt chặt các biện pháp đến mức dịch bệnh được kiểm soát, dựa vào thước đo hệ số R. Hệ số R là hệ số lây nhiễm trong cộng đồng, chỉ ra một người bị nhiễm có thể lây cho bao nhiêu người khác.

Sau đó, nếu các trường hợp mắc không tăng thêm, chính quyền có thể dần dần nới lỏng các hoạt động an toàn nhất như hoạt động ngoài trời, nhà trẻ, trường tiểu học.

Bộ Y tế vẫn chưa trả lời đề xuất của TP.HCM xin rút ngắn thời gian tiêm giữa 2 mũi vaccine AstraZeneca từ 8-12 tuần xuống còn 6 tuần. Nên hiện tại TP.HCM vẫn thực hiện tiêm chủng theo hướng dẫn, ý kiến chỉ đạo của Bộ Y tế.

Trước đó, nhằm đẩy nhanh tiến độ bao phủ mũi 2 vaccine phòng COVID-19, sớm đạt miễn dịch cộng đồng, ngày 13/9, Sở Y tế TP.HCM đề nghị Bộ Y tế có ý kiến chỉ đạo về việc có thể rút ngắn khoảng cách tiêm giữa 2 mũi vaccine AstraZeneca từ 8 đến 12 tuần xuống tối thiểu 6 tuần.

HẢI MY