Hoạt động chuyển nhượng bất động sản vẫn tồn tại song song 2 loại hợp đồng chuyển nhượng, khiến cho thị trường không phản ánh đúng bản chất của các sản phẩm bất động sản được giao dịch, và gây thất thu lớn cho nguồn ngân sách nhà nước.
Cũng còn không ít trường hợp hợp đồng chuyển nhượng nhà ở, công trình xây dựng hoàn thành trong tương lai giữa bên thứ 2, thứ 3 mà giá trị hợp đồng chỉ ngang bằng giá mua của chủ đầu tư hoặc khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất, người nộp thuế sẵn sàng khai báo giá bán thấp hơn giá của chủ đầu tư .
Thời gian tới, cơ quan thuế sẽ chủ động phối hợp cung cấp cơ sở dữ liệu mà người nộp thuế đã kê khai thuế trong trường hợp có phát sinh biến động về giá cao hơn giá UBND đã ban hành (bao gồm cả hệ số điều chỉnh giá đất) cho cơ quan tài nguyên môi trường để cơ quan này phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát và kịp thời tham mưu cho UBND cấp tỉnh quyết định ban hành Bảng giá đất cũng như hệ số điều chỉnh giá đất sát với giá giao dịch thực tế trên thị trường theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Bộ tài chính và Tổng cục thuế cũng chỉ đạo ngành thuế không gây khó khăn, phức tạp cho người nộp thuế trong quá trình xử lý hồ sơ chuyển nhượng BĐS, đồng thời chỉ đạo các cơ quan quản lý thực hiện các hồ sơ chuyển nhượng BĐS theo quy định về trình tự, thủ tục xử lý hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính và quy trình làm việc trực tiếp với người nộp thuế .
Về lâu dài, ngành thuế sẽ tham mưu cho các cơ quan chức năng sửa đổi luật và chính sách để hoàn thiện cơ sở pháp lý về quản lý đối với hoạt động chuyển nhượng BĐS.
Đặc biệt, đối với các trường hợp cố tình vi phạm về thuế khi chuyển nhượng BĐS, Tổng Cục thuế đề nghị các đơn vị liên quan cần chuyển hồ sơ sang cho cơ quan điều tra để xác minh, xử lý, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS...
Ngành thuế cho rằng những điều ở trên khiến cho thị trường không phản ánh đúng bản chất của các sản phẩm BĐS được giao dịch, và gây thất thu lớn cho nguồn ngân sách nhà nước. Ngành thuế đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, khuyến cáo người nộp thuế cần trung thực trong việc nộp thuế, khai giá thực tế để bảo vệ quyền lợi của bản thân.
Đặc biệt, Bộ Tài chính đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Bộ Công an; Bộ tư pháp để triển khai đồng bộ các giải pháp chống thất thu trong hoạt động này.
Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế yêu cầu cơ quan thuế tăng cường phối hợp với các cơ quan, ban ngành địa phương trong quản lý đối với hoạt động chuyển nhượng BĐS, đặc biệt tăng cường việc xử lý hình sự đối với hành vi trốn thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS.
Theo thống kê của Tổng Cục thuế (Bộ Tài chính), trong 3 tháng đầu năm, số tiền thu được từ cá nhân của hoạt động chuyển nhượng bất động sản (BĐS) đạt 8.209 tỷ đồng; tăng 63% so với 3 tháng đầu năm 2021 (tương ứng tăng 3.200 tỷ đồng).
Tuy nhiên, Tổng Cục thuế cho biết, trên thực tế, hoạt động chuyển nhượng BĐS vẫn tồn tại song song 2 loại hợp đồng chuyển nhượng. Cụ thể, đó là hợp đồng có chứng chỉ thực hiện theo quy định của pháp luật với giá nhà đất khai thấp hơn nhiều so với giá chuyển nhượng thực tế, hợp đồng này phục vụ việc các bên giao dịch để làm thủ tục đăng ký biến động; và thứ hai là hợp đồng viết tay do hai bên tự ký ghi theo giá thực tế khi giao dịch để phòng khi có tranh chấp.
Thậm chí, còn có hiện tượng nhiều trường hợp hồ sơ mới trúng đấu giá đất, vừa có giấy chứng nhận đã làm hợp đồng bán lại với giá thấp hơn nhiều so với giá của người đấu giá trước đó, hoặc bằng giá của UBND ban hành.
Tổng Hợp