Tập đoàn Ricons đổi tên nhưng chưa ‘đổi vận’

Tập đoàn Ricons sau đổi tên đã báo cáo tình hình kinh doanh không mấy lạc quan trong quý III/2020 khi doanh thu và lợi nhuận đều sụt giảm.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Ricons vừa công bố báo cáo tài chính. Nhìn chung, ở quý III/2020, tập đoàn này hầu như chỉ nhích từng bước nhỏ trong tình hình kinh doanh.

Biên lợi nhuận gộp chỉ còn 4,8%

Quý thứ ba trong năm, Tập đoàn Ricons có được 1.978 tỷ đồng doanh thu thuần. Mức này giảm 24,3% so với doanh thu cùng kỳ nhưng vẫn tăng trưởng 19,7% so với quý liền trước. Như thường lệ, doanh thu hợp đồng xây dựng chiếm phần lớn, ở kỳ này tăng trưởng lên mức 96,6%. Ngoài ra, Ricons còn đem về hơn 58 tỷ đồng từ hoạt động bán vật liệu xây dựng.

Doanh thu tăng trưởng tốt nhưng giá vốn của Ricons lại bằng tới 95% doanh thu nên biên lợi nhuận gộp kỳ này tuột hẳn về mức 4,8%. Tuy Ricons không phải là doanh nghiệp luôn có biên lợi nhuận tốt nhưng đây là quý ghi nhận biên lãi gộp thấp nhất từ năm 2017 đến nay.

Điểm sáng trong cân đối hoạt động kinh doanh của Ricons trong quý nằm ở việc giảm chi phí thường xuyên. Ricons không tốn một đồng cho chi phí lãi vay nên chi phí tài chính giảm khoảng 3 lần so với cùng kỳ. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng giảm lần lượt 15,5% và 14,8%.

Tổng lại, lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Ricons đạt 54,5 tỷ đồng. Mức này đều giảm so với cùng kỳ và quý trước, lần lượt là 47% và 8,4%.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2020, Ricons thu về 4.722 tỷ đồng doanh thu (giảm 8,9% so với cùng kỳ) và 146 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (giảm 28,8%). So với kế hoạch kinh doanh cả năm, tập đoàn này mới hoàn thành được 63% chỉ tiêu về doanh thu và 58,4% chỉ tiêu về lợi nhuận.

Trong quý III/2020, Ricons chuẩn bị bàn giao nhiều dự án lớn như Swanbay La Maison (Nhơn Trạch, Đồng Nai), khu biệt thự tại Anland Lakeview (Hà Đông, Hà Nội), giai đoạn 1 The Grand Manhattan (quận 1, TP.HCM),…

4 quý liền không vay nợ

Theo kế hoạch ban đầu, HĐQT Ricons đặt mục tiêu nộp hồ sơ đăng ký và niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) ngay trong năm 2020. Tuy nhiên, trong cuộc họp ĐHCĐ bất thường diễn ra vào hồi đầu tháng 10 vừa qua, đại diện tập đoàn này cho biết đã gửi hồ sơ cho đơn vị tư vấn để hoàn tất các thủ tục và nộp hồ sơ lên HOSE, đang trong quá trình xem xét và chờ phê duyệt của Uỷ ban chứng khoán Nhà nước. Dự kiến, cổ phiếu của Ricons sẽ lên sàn sớm nhất vào tháng 1/2021, chậm nhất quý II/2021.

Trước tâm thế thị trường chuẩn bị đón thêm một mã cổ phiếu, các chỉ số tài chính của Tập đoàn Ricons được các nhà đầu tư quan tâm tường tận.

Ricons đang muốn lên sàn để đẩy nhanh tốc độ phát triển của hệ sinh thái Ricons Group. Ảnh: Ricons
Ricons đang muốn lên sàn để đẩy nhanh tốc độ phát triển của hệ sinh thái Ricons Group . Ảnh: Ricons

Đến cuối tháng 9/2020, tổng tài sản của Ricons giảm 7% so với hồi đầu năm, về mức 5.374 tỷ đồng. Trong đó, gây tác động hơn cả là 1.077 tỷ đồng vơi đi của các khoản phải thu ngắn hạn. Ở kỳ này, Ricons không còn khoản phải thu nào từ “bạn cũ” Coteccons và Unicons. Tập đoàn này có 402 tỷ đồng phải thu ngắn hạn của An Gia Phú Thịnh, công ty con của Bất động sản An Gia và hơn 281 tỷ đồng phải thu của Regina Miracle International Hưng Yên.

Trong quý III/2020, Ricons ghi nhận hơn 13 tỷ đồng lãi từ tiền gửi ngân hàng. Khoản này có được nhờ hơn 580 tỷ đồng đang gửi ngân hàng của tập đoàn. Tổng lượng tiền nhàn rỗi của Ricons tăng lên 580,6 tỷ đồng, tăng gần 24% so với hồi đầu năm.

Đến cuối tháng 9/2020, tròn một năm Ricons không có nợ vay. Tổng nợ phải trả giảm 13% so với hồi đầu năm, hiện còn 3.158 tỷ đồng. Ở kỳ báo cáo này, Ricons không có nợ dài hạn.

Vốn chủ sở hữu của Ricons tăng chậm hơn nợ, chỉ tăng được 3,2% so với đầu năm, lên mức 2.215 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ trên vốn đang là 1,4. Ngoài ra, doanh nghiệp này khoản lãi ròng chưa phân phối cuối kỳ là 387,6 tỷ đồng, vượt cả vốn điều lệ của công ty.

Trong ĐHCĐ bất thường 2020 vào đầu tháng 10, Ricons chính thức đổi tên từ Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Ricons thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư xây dựng Ricons. Viết tắt là Ricons Group.

Từ đây, Ricons quyết tâm phát triển hệ sinh thái Ricons Group với các thương hiệu Ricons, Riland, Rihomes, Risa, Rilex, Ricommerce, Quihub và Fritech. Mục tiêu trước mắt là đưa Ricons trở thành nhà thầu xây dựng lớn thứ 3 ở Việt Nam.

Riland hoạt động trong lĩnh vực đầu tư và phát triển bất động sản. Công ty này quản lý nhiều thương hiệu khác như Rilex - dịch vụ cho thuê không gian làm việc (coworking space), RiSA - khối quản lý bất động sản, Ricommerce - khối thương mại và Rihomes - sàn giao dịch bất động sản.

Còn Quihub sẽ cung cấp dịch vụ cho thuê kho mặt bằng nhà xưởng và thuê đất đầu tư các khu công nghiệp. Ngoài ra, “hệ sinh thái” nhà Ri còn có RiHitech chuyên sản xuất máy nước nóng, máy sấy tay, quạt hút, nhà lắp ghép.

Ông Trần Quang Quân, Chủ tịch HĐQT khẳng định: “Mục tiêu của Ricons Group không chỉ là hoàn thiện chuỗi giá trị khép kín ngành xây dựng, mà còn hướng đến giấc mơ về tập đoàn đa ngành hàng đầu Việt Nam trong tương lai”.

TẤT ĐẠT

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương