Tháng 11, đón nhiều lễ hội đậm đà bản sắc Việt

Cuối năm, nhiều tỉnh thành ở Việt Nam tổ chức những lễ hội truyền thống đặc sắc nhằm thu hút đông đảo du khách khắp mọi miền đất nước.

Lễ hội đường phố Sapa

Đầu tháng 11 này, du khách có thể đến Tây Bắc để hòa mình vào lễ hội đường phố Sapa lần đầu tiên được tổ chức nhằm kỷ niệm 110 năm du lịch Sapa.

Đây là lễ hội nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 110 năm du lịch Sa Pa, sẽ diễn ra vào ngày 1/11 tại thị trấn Sa Pa, Lào Cai. Khi hòa mình vào lễ hội đường phố, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những màn trình diễn nghệ thuật mang đậm văn hóa phong tục tạp quán của đồng bào dân tộc Mông, Dao, Tày, Giáy… theo nhiều chủ đề như “Rừng hoa Sa Pa”, “Sa Pa - rượu”, “Sa Pa - thuốc”, “Âm vang điệu khèn đón bạn”, “Vũ hội khèn Mông”, “Văn hóa ruộng bậc thang”…

Tháng 11, đón nhiều lễ hội đậm đà bản sắc Việt

Với chủ đề “ Sapa rực rỡ sắc màu”, lễ hội lần này quy tụ hàng trăm nghệ nhân, diễn viên tham gia với quy mô lớn và nhiều hoạt động đặc sắc, mới lạ.

Du lịch Sapa trong thời gian diễn ra lễ hội, du khách sẽ được đắm mình trong thế giới của những loài hoa đặc trưng xứ Tây Bắc như đỗ quyên, hoa mận, phong lan,… lắng nghe tiếng khèn, tiếng trống truyền thống, đậm đà bản sắc Sapa và cùng hòa mình vào không khí náo nhiệt của những chàng trai, cô gái trong bộ trang phục truyền thống diễu hành trên các con phố.

Mặc khác, đến Sapa mùa này du khách còn có cơ hội ngắm nhìn sương mù bao phủ khắp các sườn núi cùng những cánh đồng tam giác mạch, hoa đào đang e ấp những nụ hoa đầu tiên tạo ra một khung cảnh vô cùng lãng mạn.

Tết Trùng thập

Tết Trùng Thập còn gọi nôm na là tết Cơm mới, tết Thường tân, diễn ra hàng năm vào ngày 10/10 âm lịch, tức ngày 12/11. Ngày này, các nhà lấy gạo mới làm bánh dày, thổi cơm và luộc gà dâng cúng gia tiên và thần, Phật mừng được mùa.

Một số nơi ăn tết này vào rằm tháng 10, nên còn gọi là Tết Hạ nguyên. Theo sách "Cổ Dược Lễ", vào ngày 10/10 âm lịch, các cây thuốc mới tụ được khí âm dương, kết được sắc tứ thời, dùng thật tốt. Vì vậy, các thầy thuốc rất coi trọng ngày tết này.

Lễ hội Ok Om Bok ở Nam bộ

Hàng năm cứ vào ngày 14 và 15 tháng 10 âm lịch, đồng bào Khmer Nam bộ lại tưng bừng tổ chức Lễ hội Ok Om Bok còn gọi là lễ Cúng Trăng hay “Đút cốm dẹp".

Lễ hội Ok Om Bok, còn gọi là lễ Cúng Trăng, một lễ hội truyền thống lâu đời, có ý nghĩa sâu sắc trong đời sống tinh thần của đồng bào Khmer, được diễn ra vào ngày rằm tháng 10 âm lịch hàng năm (nhằm vào tháng 11 dương lịch năm nay). Lễ hội được tổ chức rộng rãi trên toàn khu vực Nam bộ, nhưng đặc sắc và nhộn nhịp nhất là Sóc Trăng và Trà Vinh– nơi có cộng đồng người Khmer tập trung sinh sống nhiều nhất.

Tháng 11, đón nhiều lễ hội đậm đà bản sắc Việt

Lễ hội Ok Om Bok là lễ hội lớn nhất và được chờ đợi nhiều nhất trong năm của đồng bào Khmer Nam Bộ. Người Khmer làm lễ Cúng Trăng nhằm cầu mong cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, dân làng được hưởng hạnh phúc.

Đối với người Khmer, mặt trăng được xem như một vị thần điều tiết mùa màng, phù hộ cho dân làm kinh tế khá giả trong năm, nên trong ngày này, mọi nhà đều tham gia lễ Cúng Trăng. Lễ hội thường diễn ra tại các tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng…, nơi đồng bào dân tộc người Khmer sinh sống đông đúc.

Vì vậy, trong dịp này, người Khmer thường tập trung tại Ao Bà Om – nơi lễ hội chính diễn ra, để thực hiện các nghi lễ thờ cúng.

Tham gia lễ hội, du khách sẽ được hòa mình vào 2 sự kiện nổi bật là đua ghe Ngo và thả đèn gió. Đua ghe Ngo là môn thể thao không thể thiếu trong lễ Ok Om Bok. Ghe Ngo là một dạng thuyền độc mộc, có sức chứa 40 – 60 người. Và đến trưa ngày rằm, người dân đứng tụ tập 2 bên bờ sông cổ vũ cho các đội đua tạo nên một không khí lễ hội rất náo nhiệt, rộn ràng cả một bến sông.

Cùng góp phần mang đến cho lễ hội một màu sắc đặc trưng, trong lễ Ok Om bok, người dân còn thả những chiến đèn gió lên trời đêm, với mong muốn những điều may mắn, những lời cầu nguyện, ước muốn sẽ đến được với Thần Mặt Trăng.

Lễ Mừng lúa mới ở Tây Nguyên

Theo thông lệ, sau khi thu hoạch xong vụ mùa, đồng bào J’rai (Gia Lai) lại tổ chức Lễ ăn mừng lúa mới – Hội mùa, vào tháng 11 hàng năm. Đây là dịp để bà con buôn làng tổ chức dâng lễ, tạ ơn thần Lúa, thần Nông nghiệp vì đã cho một vụ mùa ấm no. Ban đầu, lễ mừng lúa chỉ diễn ra trong gia đình nhưng bà con dân làng thường tụ tập lại để cùng chia vui.

Phụ nữ thì nhặt rau, làm cơm lam, đàn ông thì nướng thịt, khiến cho không khí trong làng trở nên nhộn nhịp, thể hiện tinh thần đoàn kết của cộng đồng người J’rai. Sau đó, mọi người tụ tập tạ nhà rông để thực hiện các nghi thức thờ cúng quan trọng.

Tháng 11, đón nhiều lễ hội đậm đà bản sắc Việt

Trong ngày vui này, người dân khắp các buôn làng cùng nhau hòa mình trong những điệu nhảy truyền thống bên cạnh tiếng cồng, tiếng chiêng rộn rã, vang vọng cả một góc trời.

Được chứng kiến không gian văn hóa lễ Mừng lúa mới đầy màu sắc của người J’rai sẽ là điều may mắn đối với du khách khi đến thăm vùng đất Gia Lai vào thời điểm này.

Lễ Kathina - đồng bào Khmer Nam bộ 

Lễ Kathina, nghi lễ đậm đà văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer Nam Bộ nói chung và đồng bào Khmer Sóc Trăng nói riêng thường được tổ chức hàng năm nhằm cầu cho dân làng yên ấm, gia đình bình an, cầu cho mưa thuận gió hòa và thành kính dâng những áo cà sa, các vật dụng dành cho chư tăng.

Hàng năm, từ ngày 15/9 - 15/10 Âm lịch, đồng bào Khmer Nam Bộ nói chung và đồng bào Khmer Sóc Trăng nói riêng lại rộn ràng tổ chức lễ Kathina hay còn gọi là lễ Dâng bông, Dâng y cà sa.

Tháng 11, đón nhiều lễ hội đậm đà bản sắc Việt

Đồng bào Khmer tổ chức lễ Kathina nhằm cầu cho phum sóc được bình yên, mỗi gia đình hưởng hạnh phúc, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Đây cũng là dịp để đồng bào Khmer thành kính dâng những áo cà sa, các vật dụng dành cho chư tăng.

Thông thường, Lễ Kathina được tổ chức sau 3 tháng an cư kiết hạ và trước ngày lễ Ok Om Bok cổ truyền. Theo quy định của Phật giáo Nam tông Khmer, các chùa sẽ ấn định một ngày cụ thể rồi thông báo cho Phật tử trong phum sóc biết để tiến hành ngày làm lễ Kathina.

Tại Sóc Trăng, lễ Kathina được tiến hành với nhiều nghi thức đặc biệt và lễ nghi thiêng liêng, làm cho ngày lễ Kathina thực sự là một thắng duyên cho cả Phật tử và Chư tăng. Mỗi năm, vào dịp này sẽ có từ 1-3 gia đình trong phum sóc chung nhau tổ chức lễ Kathina. Dù các phum sóc ấn định ngày tổ chức lễ Kathina không giống nhau nhưng theo truyền thống, ngày lễ Kathina của đồng bào Khmer thường diễn ra trong 2 ngày.

Lễ hội "kéo chày" - Dân tộc Pà Thẻn ở Hà Giang

Đến với Hà Giang những ngày trung tuần của tháng 10 Âm lịch, du khách sẽ được thưởng thức, đắm mình cùng lễ hội "kéo chày" - một lễ hội độc đáo, nguyên sơ và huyền bí của dân tộc Pà Thẻn.

Sau những ngày thu hoạch xong vụ lúa mùa, bà con dân tộc Pà Thẻn chọn ngày tốt, thường là ngày 16/10 Âm lịch hàng năm là ngày tổ chức lễ hội "kéo chày." Theo các già làng dân tộc Pà Thẻn ở xã Tân Bắc (huyện Quang Bình), người thầy cầm chịch ở lễ hội "kéo chày" rất quan trọng. 

Ở lễ hội "kéo chày", những chàng trai Pà Thẻn nào tham gia luôn nhận được sự tin yêu, thán phục và ngưỡng mộ của du khách nói chung và các cô gái Pà Thẻn nói riêng.  Trong lễ hội "kéo chày," các chàng trai Pà Thẻn ai cũng diện áo mới, mặc quần chân què, trang trí thêm hai chiếc khăn vắt chéo qua ngực và dùng thắt lưng màu trắng.

Tháng 11, đón nhiều lễ hội đậm đà bản sắc Việt

Các cô gái Pà Thẻn lại nổi bật hơn trong bộ trang phục màu đỏ tươi, một bộ nữ phục của các cô gái gồm khăn, áo, thắt lưng, váy, tạp dề. Màu chủ đạo trên trang phục của các cô gái Pà Thẻn là màu đỏ, nhưng có phối màu với các màu sáng khác như màu trắng bằng cách ghép vải hoặc dệt thành đường kẻ sọc.

Tham gia lễ “kéo chày”, du khách sẽ không khỏi ngạc nhiên khi chiếc chày do người thầy cầm, xoay và niệm câu “thần chú", khiến nhiều thanh niên không thể kéo chày xuống được, chỉ khi nào có người bịt tay vào đầu trên hoặc dưới của chày thì lúc này chày mới chạm đất và cuộc chơi kết thúc.

Với dân tộc Pà Thẻn, lễ hội "kéo chày" là tục lệ mang tính chất cộng đồng, là dịp để mọi người cùng nhau vui vẻ, thư giãn sau một ngày mùa bội thu, và cầu mong các thần linh phù hộ mưa thuận gió hòa, cho dân bản được mùa, đời đời no ấm. Năm nay lễ hội diễn ra vào ngày 18/11.

Lễ Kỳ Yên ở đền Nguyễn Tri Phương

Tháng 11, đón nhiều lễ hội đậm đà bản sắc Việt

Lễ Kỳ Yên (cầu an) là một trong những lễ hội chính ở các đình của Đồng Nai. Lễ hội thường tổ chức tại một số đình làng, tôn thờ những người có công với làng xã như những phúc thần của làng mà tiêu biểu là: đình Bình Kính thờ Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, đình Tân Lân thờ Đức ông Trần Thượng Xuyên, đình Tam Hiệp thờ anh hùng kháng pháp Đoàn Văn Cự…

Tại đền thờ Nguyễn Tri Phương, phường Bửu Hòa, Biên Hòa, lễ Kỳ Yên được tổ chức từ 16 đến 17/10 âm lịch, tức 18 đến 19/11. Tại đây sẽ diễn ra lễ cúng Tiền hiền, Hậu hiền, lễ rước thần, dâng lễ vật cúng thần và lễ tống ôn, hát bội, múa.

Lễ hội Miếu Bà

Hàng năm, lễ hội Miếu Bà diễn ra trong ba ngày từ 16 đến 18/10 âm lịch tại Miếu Bà Ngũ Hành trên đường Hoàng Hoa Thám, thành phố Vũng Tàu. Miếu Bà chỉ dành cho nữ giới, ban điều hành cũng do các bà phụ trách.

Ngoài việc cúng tế thần linh người ta còn tổ chức múa lân, các trò chơi dân gian, ban đêm tổ chức hát tuồng. Vào các ngày hội, không khí thường rất sôi động và linh đình nên du khách thập phương về hành hương, chiêm bái rất đông. Năm nay lễ hội diễn ra từ ngày 18 đến 20/11.

Hội đền Nguyễn Trung Trực

Tháng 11, đón nhiều lễ hội đậm đà bản sắc Việt

Đền Nguyễn Trung Trực tọa lạc ở xã Long Kiên, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang thờ vị thủ lĩnh cùng tên của nghĩa quân chống Pháp ở Nam bộ. Hội đền Nguyễn Trung Trực được tổ chức hàng năm vào các ngày từ 18 đến 19/10 âm lịch (tức 20 đến 21/11), để tưởng niệm và ghi nhớ công lao của ông.

Vào ngày hội đền, người ta tổ chức nghi lễ cúng tế và diễn lại trận đánh chìm tàu Hy Vọng của Pháp trên sông Nhật Tảo. Ngoài ra, hội còn tổ chức các sinh hoạt văn hoá truyền thống như đua thuyền, đánh cờ... Trong và sau lễ giỗ vài ngày, nhân dân tự nguyện làm một khu riêng trong đền để nấu cơm chay phục vụ miễn phí tất cả khách đến dự lễ.

Hội làng Nhị Khê

Hội diễn ra tại làng Nhị Khê, xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội, nhằm tưởng nhớ công ơn ông tổ nghề tiện gỗ, sừng của làng - Đoàn Tài. Vào ngày mất của ông tức 25/10 âm lịch hàng năm, thợ tiện ở quanh vùng kéo về rất đông.

Trong ngày hội, dân làng tổ chức tế tổ, cúng tế, dâng lễ vật lên tổ sư, đánh cờ, hát chèo... Năm nay, hội làng Nhị Hà sẽ diễn ra vào ngày 27/11. Không chỉ được tham gia vào ngày hội, đến đây bạn còn được chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật truyền thống kết hợp phong cách hiện đại tinh xảo, đẹp mắt.

DƯƠNG THỤY(t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương