Trong năm 2022, các TCTD dự kiến nới lỏng nhẹ tiêu chuẩn tín dụng tổng thể của đơn vị mình và áp dụng với hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên. Trong khi đó, vẫn tiếp tục thắt chặt mạnh hơn với lĩnh vực cho vay có rủi ro cao như đầu tư kinh doanh chứng khoán, đầu tư kinh doanh bất động sản và sử dụng thẻ tín dụng.
Các TCTD cho biết cơ sở để dự kiến nới lỏng nhẹ tiêu chuẩn tín dụng trong 6 tháng đầu năm 2022 tiếp tục là kỳ vọng về các yếu tố “Triển vọng kinh tế vĩ mô” khả quan, “Chính sách và định hướng của Chính phủ, NHNN” cùng với “năng lực tài chính của TCTD” được cải thiện. Ở khía cạnh khác, mức độ rủi ro tín dụng tiếp tục được các TCTD dự báo tăng trong 6 tháng đầu năm 2022 nhưng tốc độ tăng thấp hơn cùng kỳ năm ngoái và được kỳ vọng giảm nhẹ trong cả năm 2022 so với năm 2021.
Trong đó, rủi ro tín dụng của một số lĩnh vực như “cho vay phục vụ nhu cầu đời sống”, “đầu tư công nghiệp hỗ trợ”; “cho vay đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp”; “đầu tư ngành vận tải, kho bãi”; “kinh doanh xuất nhập khẩu” và rủi ro tín dụng nội tệ được kỳ vọng điều chỉnh giảm.
Lợi nhuận của ngành ngân hàng vẫn duy trì đà tăng trưởng tích cực trong năm 2022, thậm chí có thể cao hơn mức trung bình thị trường, trong khi nợ xấu vẫn là thách thức lớn nhất trong năm với rủi ro khó đo lường. Bất chấp những rủi ro về thị trường quốc tế và sự xuất hiện các biến chủng COVID-19, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng lợi nhuận của ngành ngân hàng sẽ vẫn duy trì đà tăng trưởng tích cực trong năm 2022, thậm chí có thể cao hơn mức trung bình thị trường.
Theo kết quả cuộc điều tra xu hướng tín dụng tháng 12/2021 do Vụ Dự báo, Thống kê Ngân hàng Nhà nước (NHNN), để thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, mặc dù mặt bằng rủi ro được nhận định tăng mạnh hơn trong 6 tháng cuối năm 2021 nhưng các tổ chức tín dụng (TCTD) cho biết đã giảm đáng kể xu hướng thắt chặt tiêu chuẩn tín dụng so với nửa đầu năm đối với cả nhóm khách hàng doanh nghiệp và cá nhân.
Cụ thể, trong 6 tháng cuối năm 2021, các TCTD một mặt thu hẹp chênh lệch giữa lãi suất cho vay và chi phí vốn bình quân, giảm phí phi lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Mặt khác, các TCTD thắt chặt hơn yêu cầu về tài sản bảo đảm, các điều khoản bổ sung trong hợp đồng tín dụng, yêu cầu điểm xếp hạng tín nhiệm tối thiểu của khách hàng và hạn mức tín dụng đối với khách hàng để đảm bảo an toàn tín dụng.
Tuy nhiên, các TCTD cũng đã nới lỏng hơn đối với khách hàng cá nhân. Trong đó, các điều kiện và điều khoản cho vay được được nới lỏng’ đối với cho vay tiêu dùng, giữ nguyên đối với cho vay bất động sản để ở và thắt chặt’ đối với sử dụng thẻ tín dụng. Xu hướng này dự kiến tiếp tục diễn ra trong 6 tháng đầu năm 2022. Đặc biệt, bên cạnh việc tiếp tục thu hẹp chênh lệch lãi suất biên, các TCTD dự kiến gia tăng quy mô khoản vay hoặc hạn mức tín dụng tối đa để hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh.
Tăng vốn điều lệ là một trong những động lực chính làm tăng năng lực và sức cạnh tranh của ngành ngân hàng trong thời gian tới. Trước diễn biến thị trường thuận lợi, nhiều ngân hàng đã lên kế hoạch tăng vốn khủng trong năm 2022. Trong đó phải kể đến VPBank với tham vọng tăng vốn điều lệ lên 75.000 tỷ đồng, từ mức 45.058 tỷ đồng hiện tại, để trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống.
Trong năm, đường đua tăng vốn điều lệ sẽ còn "nóng" bởi nhóm quốc doanh khi Vietcombank vẫn còn kế hoạch phát hành gần 308 triệu cổ phiếu riêng lẻ, tương đương 6,5% vốn điều lệ cho tối đa 99 nhà đầu tư, nâng vốn điều lệ lên hơn 50.401 tỷ đồng. BIDV cũng sẽ phát hành thêm 341,5 triệu cổ phiếu mới với tỷ lệ 8,5% theo hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ.
Trong khi đó, VietinBank còn đặt tham vọng lớn hơn với kế hoạch đưa vốn điều lệ đến cuối năm lên mức 54.134 tỷ đồng. Theo kế hoạch đã được ĐHĐCĐ thông qua, VietinBank sẽ tiếp tục chia cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 17,8% đối với trường hợp chưa hoàn thành tăng vốn điều lệ từ cổ tức 2017, 2018 và 12,6% đối với trường hợp đã hoàn thành. Bước vào năm 2022, nhiều ngân hàng tư nhân cũng lên kế hoạch phát hành riêng lẻ/phát hành ra công chúng và thông thường sẽ tạo ra những biến động lên giá cổ phiếu khi các thông tin cụ thể được công bố.
Trong năm tới, các chuyên gia cũng kỳ vọng ngành ngân hàng sẽ chuyển mình nhờ quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ. Nhiều ngân hàng đang dần hình thành hệ sinh thái ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm với các sản phẩm tài chính công nghệ 4.0 giúp gia tăng giá trị thặng dư
Thêm vào đó, quy mô và năng lực tài chính của các ngân hàng cũng đang được đẩy mạnh nhờ lợi nhuận tích lũy cùng quá trình tăng vốn, phát hành cho đối tác chiến lược.
Tổng Hợp