Thị trường bất động sản sẽ bùng nổ khi các nút thắt pháp lý được tháo gỡ

Nhiều chính sách đang được các cơ quan chức năng đẩy mạnh tiến độ sửa đổi, bổ sung và trình phê duyệt để trợ lực cho thị trường. Đây sẽ là tín hiệu tích cực cho cả chủ đầu tư lẫn khách hàng trong thời gian tới.

Bộ Xây dựng đang đề xuất sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản nhằm hoàn thiện pháp luật về kinh doanh bất động sản, cũng như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động này. Theo đó, ngay trong năm 2021, sẽ có 2 văn bản pháp lý được ban hành và được cho là sẽ có tác động lớn đến thị trường, đó là Nghị định hướng dẫn Luật Kinh doanh bất động sản và Nghị định về hệ thống thông tin thị trường bất động sản.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, việc vẫn có hàng chục nghìn giao dịch bất động sản được thực hiện thời gian qua phần nào cho thấy sức đề kháng mạnh mẽ của ngành địa ốc trước cơn bão Covid-19. Đề cao tính thanh khoản - yếu tố thể hiện sức hấp dẫn của lĩnh vực bất động sản, ông Đính cho biết, trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, bất động sản Việt Nam vẫn là thị trường đầy tiềm năng khi một dự án nhà ở chỉ cần trung bình 1,5 năm là được hấp thụ hết, trong khi ở các nước trong khu vực con số này là 5 năm.

“Ngay trong cao điểm chống dịch, các hoạt động của thị trường vẫn được duy trì và thực tế là sau mỗi đợt dịch luôn có sự trỗi dậy mạnh mẽ nhờ sức cầu lớn. Đây chính là kháng thể chung của cả ngành bất động sản Việt Nam và kháng thể này sẽ còn duy trì trong thời gian tới”, ông Đính nhấn mạnh.

Ngay sau khi TP.HCM và một số tỉnh lân cận bắt đầu nới lỏng giãn cách, nhiều chủ dự án bất động sản đã nhanh chóng tung hàng ra thị trường với nhiều chương trình ưu đãi để kích cầu trong quý kinh doanh cao điểm cuối năm. Khó khăn của dịch bệnh khiến không ít người chỉ nhìn thấy phần nổi màu xám của thị trường, trong khi nhiều nhà đầu tư có kinh nghiệm đều thấy sự tích cực vẫn âm thầm diễn ra. Bên cạnh dòng tiền ngắn hạn đổ vào chứng khoán, bất động sản vẫn là kênh sinh lời tốt nhất được các nhà đầu tư có nguồn vốn vừa và lớn lựa chọn.

Chiến lược sống cùng Covid-19 của Việt Nam đã tạo nên sự thay đổi căn bản đối với nền kinh tế và là tiền đề quan trọng cho sự phục hồi của thị trường. Nhiều tổ chức quốc tế dự báo Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng GDP 6,5% trở lên vào năm 2022, cho thấy kỳ vọng trong ngắn hạn là rất tốt.

Giai đoạn 2019-2021, bên cạnh tác động tiêu cực từ Covid-19, thị trường địa ốc còn đối mặt với nhiều vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách như tắc nghẽn đầu ra dự án do quá trình rà soát lại và thắt chặt cấp phép dự án mới, về chủ trương công nhận chủ đầu tư, xác định giá trị nộp ngân sách cho các dự án nhà ở có thực hiện đấu thầu (m3)… Về vấn đề này, đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, nhiều chính sách đang được các cơ quan chức năng đẩy mạnh tiến độ sửa đổi, bổ sung và trình phê duyệt để trợ lực cho thị trường. Đây sẽ là tín hiệu tích cực cho cả chủ đầu tư lẫn khách hàng trong thời gian tới.

Theo báo cáo Bộ Xây dựng, sau gần 10 năm thực hiện "Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia", đến nay việc phát triển nhà ở đã đạt được một số kết quả. Cụ thể đến năm 2020, diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn quốc đạt 24,4 m2. Tại khu vực đô thị đạt 25,1 m2 sàn/người (tăng thêm 3,8 m2 sàn/người so với năm 2011). Tại khu vực nông thôn năm 2020 đạt 24 m2 sàn/người (tăng 6,2 m2 sàn/người so với năm 2011).

Cả nước đã hoàn thành khoảng 260 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp, tương ứng khoảng 110.000 căn, tương đương 5,5 triệu m2 nhà ở. Có hơn 270 dự án đang được triển khai, tương đương khoảng 256.000 căn, với tổng diện tích khoảng 12,8 triệu m2 nhà ở. Đề cập tới Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2040, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết sẽ đặt ra một số mục tiêu cơ bản. Cụ thể như phấn đấu phát triển và cải tạo sửa chữa nhà ở trong giai đoạn 2021-2030 đạt 1,032 tỷ m2, tương ứng với khoảng 11,9 triệu căn nhà.

Đến năm 2025, diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn quốc phấn đấu đạt khoảng 27 m2 sàn/người, đến năm 2030, diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn quốc phấn đấu đạt khoảng 30 m2 sàn/người.

Cương Nguyễn

(Tổng Hợp)