Thị trường biệt thự, nhà phố ở Hà Nội sôi động hơn TP.HCM, vì sao?

Các thống kê về thị trường bất động sản trong quý đầu tiên của năm 2021 cho thấy các giao dịch ở phân khúc biệt thự, nhà phố ở Hà Nội tăng mạnh trong khi thị trường TP.HCM lại khá im ắng.

Hà Nội “bùng nổ”, TP.HCM im ắng

Theo thống kê của Savills, trong quý 1/2021, tổng nguồn cung mới của phân khúc biệt thự, nhà phố tại Hà Nội là 942 căn, tăng 396% theo quý và 39% cùng kỳ năm ngoái.

20210413152523-5428.jpg
Một góc Hà Nội nhìn từ sông Hồng. Ảnh Internet

Trong khi đó tại thị trường TP.HCM, theo DKRA Vietnam, trong cũng trong quý 1 năm nay, có đến 5 dự án mở bán (bao gồm 4 dự án mới và 1 dự án thuộc giai đoạn tiếp theo của dự án trước đó) nhưng chỉ cung cấp ra thị trường 346 căn, giảm 10% so với quý trước và giảm 57% so với cùng kỳ năm trước.

Không chỉ thấp hơn về nguồn cung, tỷ lệ tiêu thụ của phân khúc này ở TP.HCM cũng giảm mạnh so với quý trước và thấp hơn thị trường Hà Nội hơn 20%.

Cụ thể, tỷ lệ tiêu thụ của thị trường TP.HCM chỉ đạt 57% (tương đương 197 căn), giảm 26% so với quý 4/2020 và giảm 45% so với cùng kỳ năm 2020. Và nơi tiêu thụ nhiều nhất vẫn là thị trường “truyền thống” là Khu Đông khi chiếm đến 55% lượng tiêu thụ mới toàn thị trường.

Trong khi đó tại Hà Nội, giao dịch ở phân khúc này tăng đến 83% theo quý và 232% theo năm khi có đến 934 căn được bán. Không giống TP.HCM, nguồn cung ở thị trường này chủ yếu đến từ những khu vực mới. Cụ thể, huyện Hoài Đức dẫn đầu lượng giao dịch với 56% thị phần, tiếp theo đó là quận Hà Đông với 24%.

Khu vực phía Tây chiếm tới 80% lượng giao dịch, tỷ lệ hấp thụ ở mức 47%, tăng 14 % theo quý và 26% theo năm. Và nguồn cung này chủ yếu đến từ 4 dự án mới và hầu hết đến từ 3 dự án tại Huyện Hoài Đức bao gồm Hà Đô Charm Villas, An Lạc Green Symphony và Hinode Royal Park, chiếm đến 83% nguồn cung mới.

Không chỉ tăng về số lượng, mặt bằng giá của phân khúc này cũng khá ấn tượng. Theo đó, giá sơ cấp trung bình của biệt thự đạt 4.463 USD/m2, tăng 4% theo quý và 12% theo năm.

Giá trung bình của nhà liền kề là 4.664 USD/m2, giảm 3% theo quý và tăng 14% theo năm. Và nhà phố thương mại, giá trung bình khoảng 7.860 USD/m2, giảm 2% theo quý và tăng 26% theo năm.

Nguyên nhân vì sao?

Sở dĩ phân khúc biệt thự, nhà phố ở thị trường TP.HCM im ắng, theo ông Võ Hồng Thắng, Trưởng phòng kinh doanh của DKRA là do dịch COVID-19 tái bùng phát và lịch nghỉ tết Âm lịch kéo dài khiến nguồn cung và lượng tiêu thụ giảm so với quý trước.

Ngoài ra, nguồn cung có xu hướng dịch chuyển ra những địa phương giáp ranh TP.HCM như Đồng Nai, Bình Dương... nơi có quỹ đất dồi dào, cơ sở hạ tầng kết nối thuận tiện và mức giá bán còn tương đối thấp.

Trong khi đó, theo ông Matthew Powell, Giám Đốc, Savills Hà Nội, thị trường biệt thự, nhà liền kề thu hút được sự quan tâm đặc biệt từ người mua bất chấp sự ảnh hưởng của dịch bệnh là do nguồn cung mới (phần lớn ở phía Tây) đến từ nơi có quỹ đất lớn, cơ sở hạ tầng được cải thiện.

unnamed.jpg
Bất động sản nhà phố, biệt thự ở Hà Nội tăng mạnh.

Ngoài ra, việc nguồn cung lẫn lượng tiêu thụ phân khúc này tăng còn được cho là đến từ các chính sách của chính quyền TP Hà Nội.

Cụ thể, Hà Nội dự kiến sẽ phê duyệt khu đô thị sông Hồng và dự kiến ban hành quy hoạch vào tháng 6. Quy hoạch bao gồm 40km đường sông từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, với 11.000 ha diện tích phát triển trên 55 phường/xã của 13 quận/huyện, với tổng dân số lên đến 320.000 người. Và theo các chuyên gia của Savills, quy hoạch này đã ảnh hưởng mạnh đến thị trường này.

Theo dự kiến, trong năm 2021, Hà Nội sẽ có khoảng 3.600 căn từ 16 dự án sẽ được mở bán, trong đó khu vực huyện Hoài Đức và Đan Phượng, khu vực có quỹ đất lớn và cơ sở hạ tầng cải thiện, sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường này.

Theo tờ trình đồ án, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng có chiều dài khoảng 40km bắt đầu từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, dự kiến phê duyệt vào tháng 6.

Quy hoạch nằm trên địa giới hành chính 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện của Hà Nội, gồm: Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Mê Linh, Đông Anh, Long Biên và Gia Lâm.

Đồ án quy hoạch sông Hồng có diện tích nghiên cứu khoảng 11.000ha, trong đó đất bãi sông chiếm 50% tổng diện tích (khoảng 5.480ha), sông Hồng chiếm 3.600ha.

Theo đề xuất, có 5 khu vực được nghiên cứu xây dựng với tỷ lệ 5% (khoảng 1.590ha) gồm: Thượng Cát - Liên Mạc, Hoàng Mai - Thanh Trì, Chu Phan - Tráng Việt, Đông Dư - Bát Tràng, Kim Lan - Văn Đức; riêng khu vực Tàm Xá - Xuân Canh nghiên cứu xây dựng với tỷ lệ 15% (khoảng 408ha).

Theo định hướng, các bãi sông này sẽ xây khu đô thị mới hiện đại, khu nhà ở sinh thái chất lượng cao, công trình công cộng đô thị phục vụ dân cư hai bên bờ sông và nội đô. Vì là bãi sông nên các công trình được thiết kế chịu lũ với tầng một sử dụng đỗ xe, công cộng...

Hà Nội lập đồ án quy hoạch khu đô thị sông Hồng

NGUYỄN MINH