Thị trường địa ốc cuối năm khó có gọi là bùng nổ giao dịch

Trong quý 4/2021 thị trường BĐS có thể sôi động và phục hồi hơn so với quý 3 nhưng khó gọi là bùng nổ giao dịch.

Sức mua chung trong quý 4 về cơ bản tương tự hoặc tăng nhẹ so với quý 3, nhưng vẫn suy giảm so với quý 1 hoặc cùng kỳ năm 2020. Nguyên nhân do người mua bị ảnh hưởng về thu nhập, một số khác cũng đang thận trọng quan sát. Thị trường thứ cấp chưa tích cực nên cũng tác động đến sức mua của thị trường sơ cấp.

Vùng TP.HCM vẫn bị tắt hạ tầng trọng yếu, những ưu tiên về hạ tầng cần phải dài hạn (10 năm tới) mới tác động mạnh tới thị trường. Ngoài vấn đề về nguồn cung và sức cầu, giá cả, một số các dự báo về xu hướng chung của thị trường như khẩu vị mua BĐS, sản phẩm, vị trí, hình thức đầu tư,… cũng rất đáng chú ý.

Hai tháng 7-8 vừa qua, mặt bằng giá của thị trường bất động sản không hề xuống thấp, thậm chí còn tăng cả khi mức độ quan tâm của khách hàng giảm mạnh. Lý giải về điều này, các chuyên gia cho rằng mức độ quan tâm của thị trường hiện tại không đồng nghĩa với việc nền kinh tế đang gặp khủng hoảng mà chỉ ảnh hưởng từ các lệnh giãn cách khi khách hàng và nhà đầu tư không thể đi xem trực tiếp sản phẩm để đưa ra quyết định.

TP.HCM là thị trường chịu tác động mạnh nhất trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, ảnh hưởng rõ nhất là gần như toàn bộ thị trường BĐS tại thành phố này cùng các địa phương liền kề phía Nam đều phải tạm ngưng giao dịch. Lượng tin đăng bán chung cư, nhà phố, đất nền ở TP.HCM trong quý 3 vừa qua giảm kỷ lục, lần lượt giảm 78%, 86%, 87%, nhu cầu tìm mua những sản phẩm thuộc các phân khúc này cũng giảm lần lượt 41%, 55%, 62%.

Chưa kể, tình trạng thiếu hụt nguồn cung dự báo sẽ khiến thị trường dậy sóng khi xã hội quay trở lại cuộc sống bình thường mới vì nhu cầu của khách hàng đã bị nén chặt suốt thời gian vừa qua. Tiến độ thi công chậm cùng quá trình cấp phép xây dựng bị siết chặt khiến thị trường ngày càng hiếm các dự án chất lượng với đầy đủ pháp lý. Và theo đúng quy luật cung-cầu, khi cán cân cầu nặng hơn, việc mặt bằng giá bị đẩy lên là xu hướng tất yếu.

Trong quý 4/2021, phân khúc đất nền các tỉnh giáp ranh TP.HCM vẫn là dòng sản phẩm được ưu tiên hàng đầu. Trong khi phân khúc căn hộ, đặc biệt căn hộ tầm trung sẽ luôn được những người có kế hoạch mua nhà tìm kiếm và lựa chọn.  Tuy nhiên, nguồn cung mới ở phân khúc căn hộ có thể tiếp tục hạn chế, chủ yếu là những dự án đã có sự chuẩn bị từ trước.

Giám đốc R&D Công ty CP DKRA Việt Nam dự báo, "Dự báo nguồn cung mới quý 4, toàn bộ khu vực TP.HCM và vùng phụ cận có thể có 3.500 - 4.500 căn hộ được đưa ra thị trường. Trong đó, TP.HCM và Bình Dương vẫn dẫn đầu với khoảng 2.000 - 3.500 căn, tùy điều kiện thị trường mà các chủ đầu tư đưa ra lượng hàng phù hợp. Dự kiến, nguồn cung căn hộ của TP.HCM và vùng phụ cận cả năm 2021 tương đương 55% so với năm 2020".

Theo TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế thẳng thắn: "Tôi không đồng ý với nhận định thị trường BĐS sẽ bùng lên, phục hồi mạnh như lò xo bị nén ngay sau dịch Covid-19. Phải biết rằng, thị trường càng đóng băng lâu, càng dễ vỡ vụn. Vì vậy, nếu không có các chính sách hợp lý để hỗ trợ, thị trường sẽ khó hồi phục".

Với thị trường TP.HCM, dù suy giảm giao dịch nhà đất mạnh trong quý 3 vừa qua, TP.HCM vẫn là thị trường ghi nhận mức độ quan tâm tìm kiếm BĐS cao nhất cả nước. Trong bối cảnh hiện tại, TP.HCM cơ bản đã không chế được dịch bệnh và phần nào hướng đến mục tiêu phủ 99% vaccine toàn dân. Nếu những thành quả chống dịch của thành phố được duy trì, việc mở cửa lại nền kinh tế thuận lợi, dự báo TP.HCM có thể phục hồi hoàn toàn nhu cầu giao dịch nhà đất trong thời điểm tháng 11/2021 tới đây.

Báo cáo thị trường bất động sản trong quý 3 năm 2021 của Bộ Xây dựng cho biết, thị trường không có nguồn cung dự án mới, lượng giao dịch bất động sản giảm mạnh so với quý 2. Theo thống kê sơ bộ, số lượng nhà ở đủ điều kiện bán ra thị trường đạt khoảng 20.000 căn, tương đương khoảng 60-70% so với quý II. Tỷ lệ hấp thụ các sản phẩm nhà ở chỉ đạt 40% lượng chào bán trên thị trường. Riêng với phân khúc đất nền, tỉ lệ này cao hơn, đạt khoảng 50%.

Do nhiều địa phương thực hiện giãn cách lượng giao dịch bất động sản thành công hầu như không đáng kể. Tuy nhiên, giá giao dịch, căn hộ chung cư đều vẫn giữ giá hoặc tăng nhẹ khoảng 1-2% còn giá nhà ở riêng lẻ, đất nền lại giảm, cũng với tỷ lệ từ 1-2%. Giá mặt bằng thương mại cho thuê, căn hộ, nhà ở cho thuê mặt bằng giảm chung khoảng 2-3%. Tỷ lệ mặt bằng trống tăng mạnh.

Tĩnh Kiên

(Tổng Hợp)