"Thịt họ dùng đã 6 tháng tuổi, bột thì phân nửa" - Chuỗi nhà hàng bán đồ sốt dẻo, đang lên ở Trung Quốc bất ngờ hứng "gạch đá"?

Những người sành ăn Trung Quốc đang tranh cãi nảy lửa về một thương hiệu nổi tiếng và từ lâu đã đi cùng khẩu hiệu "đồ ăn mới làm".

 “Yuan ji yun jiao” là gì?

“Yuan ji yun jiao” (Hán Việt: Viên ký vân giảo) là thương hiệu sủi cảo (còn gọi là bánh tai, bánh chẻo) thủ công hương vị Quảng Đông hiện đang nổi tiếng tại Trung Quốc. Đây là một trong 3 thương hiệu thuộc Yuanji Food Group, 1 doanh nghiệp đã hoạt động trên thị trường được 1 thập kỷ.

Theo trang web của Yuanji Food Group, hiện nay doanh nghiệp này đã có gần 3.000 cửa hàng trực thuộc và nhượng quyền trên 149 đô thị cỡ lớn và vừa ở Trung Quốc.

Bên cạnh việc bán hàng trực tiếp, Yuanji Food Group cho biết đã hình thành mô hình bán hàng trực tuyến với 6 trung tâm điều hành, 4 nhà máy hiện đại, 7 kho cỡ lớn, tất cả đem lại  việc làm cho 17.200 người Trung Quốc.

Theo Sohu, lý do “Yuan ji yun jiao” và các thương hiệu của Yuanji Food Group “vượt sóng” tại thị trường thực phẩm khốc liệt như Trung Quốc phần lớn liên quan đến khái niệm "sủi cảo mới làm" và tuyên bố “mặt hàng nào trên kệ quá 2 giờ sẽ bị loại bỏ”.

Các thợ làm bánh của “Yuan ji yun jiao” đang làm sủi cảo.
Các thợ làm bánh của “Yuan ji yun jiao” đang làm sủi cảo.

“Yuan ji yun jiao” cũng đã yêu cầu các thợ làm bánh phải “trình diễn” ngay trước mặt thực khách - thứ đem lại khác biệt với các món ăn nhanh khác.

Ngoài ra để tạo “cảm giác giản dị” cho thực khách, Yuanji Food Group cũng yêu cầu các bên nhượng quyền phải chọn đặt cửa hàng tại những chợ, siêu thị lớn, các khu đông dân cư.

"Thịt họ dùng đã 6 tháng tuổi, vỏ bột thì phân nửa"

Nhưng những “chiêu trò” kể trên không giúp ích gì cho Yuanji Food Group nói chung và “Yuan ji yun jiao” nói riêng trước các chỉ trích hiện tại. Mọi việc bắt đầu sau khi một thực khách dùng bữa tại “Yuan ji yun jiao” và đã bình luận trên Internet rằng vỏ và nhân sủi cảo đều được làm từ sản phẩm đông lạnh.

Tiếp theo là những bức ảnh được cư dân mạng Trung Quốc đăng tải, cho thấy hạn sử dụng của vỏ bột sủi cảo dùng trong sản phẩm của “Yuan ji yun jiao” có hạn dùng là 3 tháng, còn nhân thịt là 6 tháng. Thực tế này khác xa những gì mà Yuanji Food Group muốn khách hàng ghi nhớ - đó là sủi cảo “mới được làm bằng tay và nấu ngay”.

Một số cư dân mạng Trung Quốc thậm chí còn nói đùa rằng những thứ mà thợ bánh của “Yuan ji yun jiao” đem lại cho thực khách “chủ yếu là xúc cảm”.

Sủi cảo “Yuan ji yun jiao” có phải là thực phẩm chế biến sẵn? Các thợ làm bánh có phải là diễn viên hay không? Liệu sủi cảo “Yuan ji yun jiao” có được coi là thực phẩm chế biến sẵn hay không? Đây là các câu hỏi được đặt ra và trở thành nguyên nhân của các cuộc tranh luận ở Trung Quốc.

Hình minh họa.
Hình minh họa.

Theo nhà phân tích ngành công nghiệp thực phẩm Trung Quốc Zhu Danpeng, sủi cảo “Yuan ji yun jiao” là thực phẩm chế biến sẵn với hạn sử dụng ngắn và được nấu ngay tại chỗ. “Nấu ngay tại chỗ” ở đây có vẻ trái ngược với “thực phẩm chế biến sẵn”, nhưng trong vụ việc sủi cảo “Yuan ji yun jiao”, hai khái niệm này có thể tồn tại cùng lúc.

Trả lời phỏng vấn, một nhân viên tại cửa hàng nhượng quyền “Yuan ji yun jiao” ở quận Triều Dương, Bắc Kinh tiết lộ rằng vỏ sủi cảo và nhân thịt được 4 nhà máy và 7 kho lớn của Yuanji Food Group giao cho các cửa hàng đồng đều như nhau.

Hương vị của nhân được điều chỉnh đồng đều và thứ duy nhất đối tác đưa vào sủi cảo là rau. Người nhân viên cho biết thêm rằng cửa hàng của mình nhận hàng đông lạnh trong vòng 1 ngày sau khi gửi yêu cầu tới nhà máy ở Bắc Kinh.

Xia Yunyang, một nhà phân tích tiêu dùng cao cấp Trung Quốc cũng cho biết rằng “thực phẩm chế biến sẵn” không chỉ giúp tăng cao hiệu suất mà còn cần thiết cho quá trình này.

Vị chuyên gia cho rằng các thực phẩm chế biến sẵn của “Yuan ji yun jiao” thuộc loại “rã đông một lần”, vì vậy họ phải liên tục nhập các lô hàng mới khi nguyên liệu đã hết. Và có khác biệt lớn giữa rã đông nhiều lần và 1 lần.

Hình minh họa.
Hình minh họa.

Thực phẩm chế biến sẵn là gì?

Khi chúng ta nói về thực phẩm chế biến sẵn, nó chính xác là thứ gì? Thực phẩm loại này bắt đầu xuất hiện ở Mỹ từ những năm 1940. Vào những năm 1970, chúng đã được du nhập vào Nhật Bản, Châu Âu… và sau đó là Trung Quốc vào những năm 1980 và 1990.

Tất cả chúng ta đã quen thuộc với khái niệm thực phẩm chế biến sẵn với các món ăn nhanh của McDonald's và KFC... Tất cả các món ăn đều được làm từ các bán thành phẩm và quy trình chế biến sẵn đã được các hãng này tiêu chuẩn hóa.

Chuyên gia Xia Yunyang lưu ý: "Thực phẩm chế biến sẵn rất đa dạng. Chúng bao gồm cả những nguyên liệu đã được rửa sạch và chuẩn bị đưa vào nồi và những thứ chưa rửa. Số lần rã đông là một chỉ số rất quan trọng, vì mỗi lần rã đông có thể làm tăng nguy cơ vi khuẩn phát triển”.

Là mắt xích then chốt trong quá trình công nghiệp hóa thực phẩm, hầu như tất cả các thương hiệu đều không thể loại trừ hoàn toàn việc sử dụng thực phẩm chế biến sẵn.

Ông Xia Yunyang nhấn mạnh: “Ngày nay việc thảo luận xem có nên sử dụng thực phẩm chế biến sẵn hay không là vô nghĩa vì đa phần chúng ta đều đã và đang ăn chúng.

Vấn đề cần bàn trong vụ việc sủi cảo “Yuan ji yun jiao” đó là thực khách cần biết mình đang ăn thứ gì và mức độ chế biến sẵn của nó tới đâu. Điều tối thiểu tôi muốn khi tới một nhà hàng đó là quyền được biết về thứ mình sắp ăn.  Nó giống như việc tôi mua một gói sủi cảo ăn liền và biết nó đến từ đâu”.

Hình minh họa.
Hình minh họa.

Hoài Giang

'Điểm trũng' Đông Nam Á trong chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp Trung Quốc

'Điểm trũng' Đông Nam Á trong chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp Trung Quốc

Sự mở rộng của lĩnh vực công nghệ xanh đang khiến các nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á xích lại Trung Quốc chặt chẽ hơn bao giờ hết.