Thứ trưởng Bộ Công Thương: Dự báo tiếp tục khó khăn cung ứng điện tại miền Bắc trong tháng 7

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ vào chiều 4/7, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết hệ thống điện miền Bắc trong tháng 7 vẫn còn nhiều khó khăn.
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, trả lời tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ. Ảnh: VGP
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, trả lời tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ. Ảnh: VGP

Chiều 4/7, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ (VPCP) tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ, cung cấp thông tin về tình hình kinh tế-xã hội tháng 6 và nửa đầu năm 2023. Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ, cho biết: Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khái quát 1/2 chặng đường năm 2023 của nước ta với nhiều khó khăn, thách thức, nổi lên 6 "cơn gió ngược":

Một là tăng trưởng thế giới suy giảm, lạm phát đang ở mức cao, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn;

Hai là hậu quả Covid-19 còn kéo dài;

Ba là cạnh tranh địa chiến lược, chủ nghĩa bảo hộ, sự phân tách, phân mảnh, thiếu liên kết chặt chẽ, chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy cục bộ;

Bốn là các cuộc xung đột đe dọa an ninh lương thực, năng lượng toàn cầu;

Năm là các nước đang phát triển có khả năng thích ứng, sức chống chịu hạn chế trước những cú sốc từ bên ngoài;

Sáu là biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh phức tạp, khó lường, gây hậu quả nặng nề.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã bám sát và tập trung chỉ đạo các bộ, các ngành, các địa phương triển khai quyết liệt Nghị quyết Đảng lần thứ XIII, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội. Nhìn chung, các nhiệm vụ, giải pháp đề ra khá đồng bộ, toàn diện, đúng và trúng, sát thực tiễn. 

Trong đó, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy; các cân đối lớn của nền kinh tế, an sinh xã hội, đời sống nhân dân được bảo đảm; chính trị - xã hội ổn định…

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, trả lời về vấn đề tình trạng cắt điện luân phiên, nguy cơ thiếu điện trong thời gian tới nếu như nền kinh tế tiếp tục phục hồi và nhu cầu sử dụng điện tăng cao, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết: Tình hình sản xuất và cung ứng điện toàn hệ thống trong 4 tháng đầu năm 2023 đã được thực hiện tốt, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu điện cho sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân cả nước.

Tuy nhiên, tình hình cung cấp điện từ tháng 5 và tháng 6 gặp nhiều khó khăn do thời tiết nắng nóng kéo dài, nhu cầu tiêu thụ điện tăng, tình hình thủy văn không thuận lợi, lưu lượng nước về các hồ thủy điện thấp, cùng với các khó khăn trong vận hành, sửa chữa các nhà máy điện đã ảnh hưởng đến tình hình cung ứng điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã phải thực hiện tiết giảm điện tại một số địa phương, đặc biệt là các địa phương khu vực phía Bắc.

Cuối tháng 6, lưu lượng nước về các hồ thủy điện có cải thiện, mực nước các hồ đã được nâng lên, một số tổ máy nhiệt điện gặp sự cố đã được khắc phục vận hành trở lại, đồng thời với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt và kịp thời của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương, hệ thống điện miền Bắc đã cơ bản đáp ứng nhu cầu phụ tải.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết: Công tác vận hành hệ thống điện trong tháng 7 dự kiến còn khó khăn, đặc biệt là hệ thống điện miền Bắc khi thời tiết được dự báo còn xảy ra các đợt nắng nóng trong khi mực nước các hồ thủy điện có cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp.

Chính vì vậy, Bộ Công Thương thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam: phải bám sát và cập nhật liên tục diễn biến thực tế của phụ tải điện, các điều kiện vận hành hệ thống điện và thị trường điện, đảm bảo vận hành và cung cấp điện an toàn, ổn định và tin cậy cho hệ thống điện quốc gia trong năm 2023.

Chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó với các tình huống khó khăn trong hệ thống điện; Phối hợp với khách hàng sử dụng điện, đặc biệt là các khách hàng sử dụng điện lớn chuẩn bị kịch bản, kế hoạch thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải điện trong trường hợp cần thiết nhằm đảm bảo an ninh hệ thống điện.

Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ, cung cấp thông tin tới báo chí tại Họp báo. Ảnh: VGP
Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ, cung cấp thông tin tới báo chí tại Họp báo. Ảnh: VGP

Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng nêu 4 giải pháp để đảm bảo cung ứng điện:

Một là phải cung cấp đủ nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện, tăng khả năng hạn chế tối đa sự cố và nhanh chóng khắc phục các sự cố nếu có.

Thứ hai là vận hành hợp lý nguồn thủy điện.

Thứ ba, làm tốt công tác tiết kiệm điện, dặc biệt vai trò của các UBND, đầu mối là các Sở Công Thương.

Thứ tư, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án nguồn và lưới điện.

Ông Đỗ Thắng Hải khẳng định: "Trên tính toán cập nhật và các giải pháp nêu trên, chúng tôi cho rằng từ nay đến cuối năm 2023, cơ bản sẽ không thiếu điện để phục vụ sản xuất và sinh hoạt trên cả nước".

(Theo Phụ Nữ Việt Nam)

PV

Tỷ giá USD hôm nay 5/7: Tỷ giá trung tâm tăng 9 đồng

Tỷ giá USD hôm nay 5/7: Tỷ giá trung tâm tăng 9 đồng

Sáng 5/7, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.813 VND/USD, tăng 9 đồng so với hôm qua. Tại các ngân hàng thương mại, giá USD giảm ở cả hai chiều mua và bán.