Sáng nay (20/8), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập”. Hội nghị nhằm tìm ra lời giải cho những thách thức đối với thị trường lao động trong thời gian qua.
Hội nghị diễn ra dưới hình thức trực tiếp tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, kết nối đến đầu cầu 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tham dự Hội nghị tại đầu cầu Hà Nội có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, LĐ-TB&XH, VHTT&DL, GD&ĐT, Công an, Ngân hàng Nhà nước..., Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đại diện một số doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, và đại diện một số tổ chức, chuyên gia quốc tế.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính |
Tại Hội nghị, lãnh đạo Bộ LĐTB&XH sẽ trình bày Báo cáo tình hình thị trường lao động thời gian qua; nhận diện những thuận lợi, cơ hội, khó khăn, thách thức hiện nay để đề xuất các giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường lao động nhanh, hiệu quả để làm cơ sở phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam.
Hội nghị cũng sẽ lắng nghe những kiến nghị từ cộng đồng DN do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trình bày, đề cập đến bối cảnh chịu tác động kép bởi đại dịch COVID-19 và cách mạng công nghiệp lần thứ tư khiến thị trường lao động Việt nam đang có nhiều thay đổi mạnh mẽ. Trong đó, hai thách thức nổi lên là: thiếu hụt lao động có kỹ năng và các thay đổi về yêu cầu kỹ năng đối với người lao động dưới tác động của việc thay đổi công nghệ, chuyển đổi số và tự động hóa khiến cho yêu cầu về kỹ năng của người lao động cũng thay đổi nhanh hơn, chu kỳ thay đổi cũng ngắn hơn.
Tại Hội nghị, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng kiến nghị những giải pháp để phát triển thị trường lao động, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cần hết sức chú trọng chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Bởi lẽ, con người luôn phải là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển.
Hội nghị cũng là dịp để các địa phương, doanh nghiệp, chuyên gia trong nước và quốc tế "hiến kế" phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập.
Theo Bộ LĐTB&XH, thị trường lao động Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc cả về quy mô và chất lượng, từng bước hiện đại, đầy đủ và hội nhập quốc tế. Theo đó, khuôn khổ thể chế, chính sách ngày càng hoàn thiện; quy mô và chất lượng cung lao động tăng lên; cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực thu nhập, tiền lương của người lao động được cải thiện, năng suất lao động và tính cạnh tranh của lực lượng lao động được nâng lên.
Cụ thể, quy mô lực lượng lao động ngày càng tăng, nguồn cung được đảm bảo với trên 51,6 triệu người. Chất lượng lao động ngày càng nâng cao, tỉ lệ qua đào tạo tăng qua từng năm, tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 26,2%. Cơ cấu lao động tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng lao động trong khu vực nông nghiệp, tăng tỉ trọng lao động trong khu vực công nghiệp và dịch vụ. Vấn đề giải quyết việc làm được đẩy mạnh, góp phần duy trì tỉ lệ thất nghiệp chung của cả nước luôn dao động trong khoảng 2,2-2,3%.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ rõ, thị trường lao động nước ta còn chưa phát triển kịp với tốc độ và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tính thích ứng, chủ động, linh hoạt kém, nhất là trước những "cú sốc" như đại dịch COVID-19 đã bộc lộ những bất cập như: áp lực giải quyết việc làm cho gần 2 triệu lao động rời khỏi thị trường lao động (phần lớn là lao động tự do, không có trình độ chuyên môn kỹ thuật); tình trạng khan hiếm lao động cục bộ ở một số ngành, lĩnh vực, địa bàn còn tồn tại; chưa có giải pháp để nâng tầm, khai thác và thu hút lao động tại chỗ hiệu quả; tiềm ẩn nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu hụt lao động cho giai đoạn phục hồi và phát triển; sự thiếu hụt các kỹ năng của người lao động để duy trì việc làm hoặc chuyển đổi 2 nghề, thích ứng với tình hình sau đại dịch; thiếu cơ sở dữ liệu điện tử trong quản lý lao động, nhu cầu kỹ năng tương lai.
Phát biểu mở đầu Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Lao động là một yếu tố đầu vào cơ bản của mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và của cả nền kinh tế. Theo K. Marx, cơ sở của giá trị hàng hóa là lao động; hàng hóa là sản phẩm của lao động. Được hình thành và phát triển trong nền kinh tế thị trường, thị trường lao động có vị trí rất quan trọng; hoạt động hiệu quả của thị trường lao động góp phần bảo đảm ổn định kinh tế, chính trị, xã hội.
Cùng với xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm phát triển thị trường lao động, xác định phát triển nguồn nhân lực là một trong ba khâu đột phá chiến lược. Đồng thời xác định lao động - việc làm là một trong những nội dung rất quan trọng trong chiến lược phát triển KTXH.
Trong những năm qua, thị trường lao động ở Việt Nam đã có những bước phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, ngày càng hội nhập, từng bước tiệm cận với thị trường lao động khu vực và thế giới. Tuy nhiên, thị trường lao động Việt Nam vẫn còn manh mún, chưa chuyên nghiệp, thiếu tính linh hoạt, chưa thật bền vững; công tác nghiên cứu, dự báo, khớp nối cung cầu và cập nhật hệ thống thông tin thị trường lao động chưa thực sự hiệu quả và chuyên nghiệp. Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nặng nề tới thị trường lao động trong nước và thị trường xuất khẩu lao động.
Trước tình hình đó, cùng với những giải pháp phòng, chống dịch bệnh, Đảng, Nhà nước đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành và triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách liên quan tới thị trường lao động. Nhờ đó, sau khi chuyển sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", thị trường lao động đã từng bước được phục hồi và phát triển, góp phần quan trọng vào sự khởi sắc của nền kinh tế - xã hội nước ta. Quy mô lực lượng lao động, tỉ lệ tham gia lao động và số người có việc làm tiếp tục tăng . Tỉ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động giảm dần.
Tuy nhiên, phát triển thị trường lao động vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cả trước mắt và lâu dài để đáp ứng yêu cầu phục hồi, phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay. Trên tinh thần đó, Hội nghị hôm nay với chủ đề "Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập" để cùng nhau đánh giá những kết quả đạt được của thị trường lao động trong những năm qua, đồng thời thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức và những vấn đề đang đặt ra hiện nay để có các giải pháp phù hợp phát triển thị trường lao động trong thời gian tới, nhất là chủ động ứng phó với những tình huống đột xuất, bất ngờ, những cú sốc trên thị trường do tác động từ bên ngoài hoặc nội tại nền kinh tế.
Vừa qua, Chính phủ đã tổ chức hội nghị về phát triển thị trường vốn, sau đó đã kiểm soát tình hình tốt hơn và thị trường có chiều hướng lành mạnh hơn, hiệu quả qua, bền vững hơn; tiếp đó, tổ chức hội nghị về thị trường bất động sản, để thị trường có những bước tiến và các bất cập đang dần được khắc phục. Như vậy, Chính phủ ra tuyên bố ổn định và phát triển các loại thị trường – một trong "4 ổn định" trong trọng tâm, chỉ đạo điều hành của Chính phủ hiện nay, theo cách tiếp cận thị trường, rất linh hoạt, phù hợp tình hình.
Việt Nam đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện: (1) Nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN (đầu tư, kinh doanh theo quy luật thị trường, theo quy luật cung-cầu nhưng có sự can thiệp của Nhà nước khi cần thiết). (2) Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; (3) Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Quan điểm xuyên suốt là lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển; phát huy tối đa trí tuệ, tài năng, phẩm chất, đạo đức của con người Việt Nam; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Đây là lĩnh vực rất quan trọng với nhiều vấn đề, nội dung khác nhau cần được thảo luận kỹ lưỡng, do đó để Hội nghị thực chất, hiệu quả, Thủ tướng đề nghị các đại biểu phát huy tinh thần thẳng thắng, cởi mở, xây dựng, cầu thị, phát biểu ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề, trong đó tập trung vào một số nội dung chính sau: (1) Làm thế nào để nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò phát triển thị trường lao động và nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững? (2) Đổi mới và hoàn thiện cơ chế, chính sách về thị trường lao động theo hướng nào để tăng cường quản lý nhà nước và bảo đảm các điều kiện cần thiết cho thị trường lao động phát triển hài hòa, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tế? (3) Những kinh nghiệm trong nước, quốc tế và các giải pháp phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững, hội nhập; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để tăng cường thu hút đầu tư chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa? (4) Giải pháp nào để chủ động ứng phó với những khó khăn, thách thức hiện nay, nhất là những tác động do đại dịch COVID-19 gây ra?
Với nền kinh tế quy mô còn khiêm tốn, nhưng có độ mở lớn, sức chống chịu có hạn, Việt Nam chịu tác động lớn bởi các yếu tố nêu trên, chỉ cần một biến động nhỏ ở bên ngoài có thể tác động lớn đến trong nước. Do đó, chúng ta luôn ở tư thế tích cực, chủ động, linh hoạt ứng phó với các diễn biến mới một cách hiệu quả.
Tuyến đường sắt Trung Quốc - châu Âu rơi vào thế 'tiến thoái lưỡng nan'
Chuyển hàng qua Nga từng chiếm 60% hoạt động kinh doanh của Rail Bridge Cargo, một công ty hậu cần của Châu Âu. Sau đó, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraina và các khách hàng lo lắng, đặc biệt là ở Mỹ, bắt đầu yêu cầu các tuyến vận tải thay thế.