Thụy Điển mở cuộc điều tra vụ đường ống dẫn dầu bị rò rỉ ở biển Baltic theo hướng 'phá hoại'

Cơ quan an ninh của Thụy Điển (SAPO) hôm thứ Tư (28/9) cho biết sẽ điều tra các rò rỉ không rõ nguyên nhân của 2 đường ống Nord Stream ở Biển Baltic và gọi chúng là sự phá hoại.

SAPO đã tiếp nhận cuộc điều tra từ cảnh sát vì "nó có thể liên quan đến một tội phạm nghiêm trọng mà ít nhất một phần có thể nhắm vào lợi ích của Thụy Điển", báo cáo cho biết.

Thụy Điển mở cuộc điều tra vụ đường ống dẫn dầu bị rò rỉ ở biển Baltic theo hướng 'phá hoại' - Ảnh 1.

Bọt khí đốt từ điểm rò rỉ trên đường ống Nord Stream 2 nổi trên bề mặt biển Baltic. Ảnh: Reuters

Cơ quan này cho biết thêm rằng "không thể loại trừ việc có một thế lực nước ngoài đứng đằng sau".

Trong các tuyên bố riêng biệt, SAPO và Cơ quan Công tố Thụy Điển cho biết cuộc điều tra hiện đang hướng vào "hành vi phá hoại trầm trọng" có thể xảy ra.

Hôm thứ Hai, rò rỉ đã xảy ra ở đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2 nằm ở ngoài khơi biển Baltic.

Các trung tâm địa chấn trong khu vực hôm thứ Ba cho biết, họ đã ghi nhận được các vụ nổ trong khu vực trước khi các rò rỉ trên được phát hiện.

Moscow và Washington đều phủ nhận hôm thứ Tư rằng họ có liên quan đến vụ việc.

Người đứng đầu EU Ursula Von der Leyen hôm thứ Ba cho biết "sự phá hoại" đã gây ra rò rỉ. Bà đe dọa sẽ có "phản ứng mạnh mẽ nhất có thể" đối với bất kỳ sự cố ý làm gián đoạn cơ sở hạ tầng năng lượng của châu Âu.

EU không nêu tên thủ phạm tiềm năng hoặc gợi ý lý do cho vụ việc.

Giám đốc chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell hôm thứ Tư cho biết: "Bất kỳ sự cố ý nào làm gián đoạn cơ sở hạ tầng năng lượng của châu Âu là hoàn toàn không thể chấp nhận được và sẽ được đáp lại bằng một phản ứng thống nhất và mạnh mẽ".

Thụy Điển mở cuộc điều tra vụ đường ống dẫn dầu bị rò rỉ ở biển Baltic theo hướng 'phá hoại' - Ảnh 2.

Đồ họa hiển thị tuyến đường Nord Stream 2 để đưa khí đốt của Nga đến Đức dưới Biển Baltic. Nguồn: France Médias Monde

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ triệu tập một cuộc họp vào thứ Sáu (30/9) theo yêu cầu của Nga để thảo luận về thiệt hại. Phái bộ Liên hợp quốc của Pháp, cơ quan giữ chức chủ tịch của hội đồng 15 thành viên vào tháng 9, cho biết cuộc họp sẽ giải quyết các đường ống Nord Stream mà Nga và các đối tác châu Âu đã chi hàng tỷ USD để xây dựng.

Cảnh sát Copenhagen mở cuộc điều tra

Đường ống Nord Stream 1 và 2 đã trở thành tâm điểm của căng thẳng địa chính trị trong những tháng gần đây khi Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt cho châu để trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây sau khi Moscow tấn công Ukraina.

Trong khi các đường ống - được vận hành bởi một công ty do tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga nắm phần lớn cổ phần - hiện không hoạt động, cả hai đều vẫn chứa khí đốt.

Theo nhà chức trách Đan Mạch, tình trạng rò rỉ sẽ tiếp tục cho đến khi khí trong các đường ống cạn kiệt, dự kiến sẽ xảy ra vào Chủ nhật.

Theo người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Đan Mạch, Kristoffer Böttzauw, hơn một nửa lượng khí đốt trong đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 và Nord Stream 2 đã thoát ra ngoài.

Cảnh sát Đan Mạch cũng đã mở một cuộc điều tra về vấn đề này và đang hợp tác với các cơ quan cảnh sát ở Thụy Điển và Đức, cảnh sát trưởng Copenhagen Anne Tonnes cho biết trong một cuộc họp báo.

Cơ quan Năng lượng châu Âu cho biết, các đường ống chứa tổng cộng 778 triệu mét khối khí đốt tự nhiên, tương ứng với 32% lượng khí thải CO2 tương đương hàng năm của Đan Mạch.

Đức nói phải gồng lên vì "không thể tưởng tượng" sau khi rò rỉ khí đốt

Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser hôm thứ Tư cho biết nước này phải chuẩn bị cho những mối đe dọa "không thể tưởng tượng được" trước đây đối với an ninh năng lượng của mình sau vụ rò rỉ đường ống nghiêm trọng mà EU cho là phá hoại.

Thụy Điển mở cuộc điều tra vụ đường ống dẫn dầu bị rò rỉ ở biển Baltic theo hướng 'phá hoại' - Ảnh 3.

Cơ sở thuộc đường ống Nord Stream 2 ở Lubmin, Đức. Ảnh: Reuters

Bà Nancy Faeser cho biết nền kinh tế hàng đầu của châu Âu cần phải nâng cao cảnh giác để giải quyết những rủi ro như vậy trước những thiệt hại đối với các liên kết năng lượng từ Nord Stream 1 và 2 giữa Đức và Nga.

Bà nói: "Chúng tôi phải thích ứng với những kịch bản mà trước đây không thể tưởng tượng được".

Bà Faeser cũng kêu gọi một cuộc điều tra nhanh chóng về "hành động phá hoại có thể xảy ra" đối với các đường ống bên dưới Biển Baltic gần với Đan Mạch và Thụy Điển để xác định ai là "những kẻ chịu trách nhiệm".

"Bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng là ưu tiên hàng đầu", bà nói và cho biết thêm rằng Berlin "trong nhiều tháng" đã cho rằng có một "mối đe dọa đối với cơ sở hạ tầng năng lượng".

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht cho biết "sự cố đáng lo ngại" nhấn mạnh tầm quan trọng của việc "hiện đại hóa" hạm đội của hải quân Đức nhằm hợp tác với các quốc gia đối tác để giám sát trên Baltic.

Một phát ngôn viên của chính phủ cho biết Đức, quốc gia này cho đến gần đây vẫn phụ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga, sẽ chờ một cuộc điều tra đầy đủ về vụ việc trước khi đưa ra kết luận.

(Nguồn: Frace 24/AFP, AP và Reuters)

N.MINH