Dù chưa có số liệu chính thức, nhiều nông dân tại Nigeria ước tính gần 1 triệu con heo đã bị mang đi tiêu huỷ. Hiện tại, dịch tả heo châu Phi đã lan tới khoảng 9 trong tổng số 36 bang của Nigeria, theo The Guardian.
Cá biệt là tại trang trại nuôi heo Oke-Aro, đã phải tiến hành tiêu hủy tới 500.000 con heo bị nhiễm bệnh. Một người làm công tác chăn nuôi tại đây cho biết, lần đầu tiên tình hình dịch bệnh trở nên mất kiểm soát như vậy.
Ảnh minh họa. |
Dịch tả heo thường xuyên xuất hiện ở châu Phi, với hơn 60 đợt bùng phát chỉ từ trong giai đoạn 2016 - 2019. Điều này gây thiệt hại tới ngành chăn nuôi nói chung và cả đời sống của các công nhân hay chủ trang trại nuôi heo nói riêng.
Cụ thể, theo ước tính chưa chính thức khoảng 20.000 người mất đi việc làm, thiệt hại nếu quy ra tiền có thể lên tới hơn 50 triệu USD. Theo các chuyên gia nhận định ngành chăn nuôi heo của nước này cần ít nhất hơn 2 năm mới có thể hồi phục như cũ, nguồn tin từ Báo Công An.
Ngoài ra, dịch tả heo châu Phi cũng từng "tàn phá" ngành chăn nuôi heo của Trung Quốc, sau khi nó "xóa sổ" 1/3 đàn heo của nước này. Loại virus này vô hại với người nhưng gây tử vong cho heo và chưa có thuốc chữa hay vắc xin.
Đáng chú ý, dịch tả bùng phát cùng thời điểm dịch COVID-19 toàn cầu đang diễn biến phức tạp tại Nigeria. Hiện tại, nước này ghi nhận 17.148 ca nhiễm và 455 ca tử vong vì virus SARS-CoV-2 dẫn số liệu từ Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Nigeria.
“Nhiều nông dân chăn nuôi heo sẽ không thể phục hồi trong vòng 2 năm tới. Có những người phải từ bỏ ngành chăn nuôi. Giờ đây, chúng tôi không biết tương lai sẽ ra sao”, ông Ayo Omirin, một nông dân của hợp tác xã Oke-Aro, đã mất khoảng 600 - 800 con heo trong đợt dịch chia sẻ.
Trong những năm gần đây, ngành chăn nuôi heo đã trở nên khá phổ biến tại Nigeria. Đối với nhiều hộ gia đình có thu nhập thấp, đây là một con đường thoát nghèo đầy tiềm năng.
Tổng số đàn heo tại Nigeria tăng từ 2 triệu con vào năm 1984 lên 7 triệu con vào năm 2009, theo số liệu của Viện Nghiên cứu Thú y Quốc gia (NVRI). Ở thời điểm hiện tại, con số này có thể đã tăng gấp đôi.
Dù chính phủ Nigeria đang thực hiện một số giải pháp nhằm ngăn chặn khủng hoảng, người nông dân vẫn cho rằng việc phục hồi và bù đắp tổn thất là một nhiệm vụ khó khăn, theo Zing.
Virus tả heo châu Phi không gây hại cho người song có nguy cơ gây tử vong cao ở heo. Hiện thế giới vẫn chưa điều chế được vắcxin chống lại chủng virus này. Nigeria cũng không thực hiện tốt việc đảm bảo vệ sinh tại các trang trại và lò mổ, không có hệ thống cơ sở dữ liệu để quản lý các bệnh thú y.