Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam , Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 của tôm Việt Nam, chiếm 10,7% tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam đi các thị trường. Mặc dù không tăng mạnh, nhưng xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hàn Quốc tăng trưởng dương trong cả 2 quý đầu năm nay. Trong quý II/2020, xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc đạt 91,2 triệu USD, tăng 4,9%.
Việt Nam là nguồn cung tôm lớn nhất cho Hàn Quốc chiếm thị phần lớn gần 52% trong khi các đối thủ khác (Thái Lan 11%, Ecuador 10%, Trung Quốc 5,3%). Trên thị trường Hàn Quốc , Việt Nam phải cạnh tranh về giá với tôm Trung Quốc, Ấn Độ và Ecuador. Tuy nhiên, Việt Nam có lợi thế được miễn thuế nhập khẩu tôm vào Hàn Quốc trong khi Ecuador chịu thuế 20%, Thái Lan 10%, Trung Quốc 15%, Ấn Độ 10% đối với sản phẩm tôm HS 030617.
Cơ hội xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hàn Quốc. |
Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu đạt 162,7 triệu USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Nửa đầu tháng 7/2020, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hàn Quốc tăng 15% so với cùng kỳ năm 2019. Lũy kế từ đầu năm tới 15/7/2020, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hàn Quốc đạt trên 179 triệu USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hàn Quốc nhập khẩu ít tôm sú từ Việt Nam. Xuất khẩu tôm sú Việt Nam sang thị trường này chỉ chiếm 4,9% trong tổng cơ cấu xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hàn Quốc, tôm chân trắng chiếm 83%, còn lại tôm biển chiếm 12,1%.
Xuất khẩu tôm chân trắng và tôm sú Việt Nam sang Hàn Quốc đều tăng trong đó giá trị xuất khẩu tôm sú tăng mạnh hơn 24,8%, giá trị xuất khẩu tôm chân trắng chỉ tăng 1,9%. xuất khẩu tôm sú chế biến sang Hàn Quốc tăng mạnh gần 62%. Trong tổng các sản phẩm tôm xuất khẩu sang Hàn Quốc, xuất khẩu tôm khô sang Hàn Quốc tăng mạnh nhất 194%.
Các sản phẩm tôm chính của Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc gồm tôm PDTO, tôm chân trắng sushi đông lạnh, tôm chân trắng hấp đông lạnh, tôm chân trắng thịt PD, tôm xẻ bướm, tôm sú tẩm bột...
Việt Nam được miễn thuế tôm nhập khẩu vào Hàn Quốc với hạn ngạch 10.000 tấn/năm, đến 2020 là 15.000 tấn/năm, nhưng hiện tại Việt Nam mới tận dụng được 2.500 tấn/năm. Để nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi mà VKFTA mang lại, các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao ý thức chủ động tiếp cận thông tin về VKFTA để lựa chọn các ưu đãi phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp.
Nhập khẩu tôm của Hàn Quốc, T1-T6/2019/2020 (Nguồn: ITC, GT: nghìn USD) | |||
Nguồn cung | T1-T6/2019 | T1-T6/2020 | Tăng, giảm (%) |
TG | 298.152 | 274.966 | -8 |
Việt Nam | 157.330 | 143.025 | -9 |
Thái Lan | 27.650 | 30.348 | 10 |
Peru | 6.726 | 18.018 | 168 |
Ecuador | 37.689 | 26.080 | -31 |
Malaysia | 21.195 | 19.103 | -10 |
Trung Quốc | 14.477 | 13.952 | -4 |
Argentina | 11.221 | 9.067 | -19 |
Ấn Độ | 7.404 | 5.731 | -23 |
Saudi Arabia | 4.922 | 1.874 | -62 |
Colombia | 779 | 1.914 | 146 |
Indonesia | 1.125 | 1.230 |
COVID-19 tái bùng phát trở lại trên toàn thế giới, Hàn Quốc cũng không ngoại lệ, tuy nhiên Hàn Quốc đã chứng tỏ có khả năng kiểm soát dịch bệnh khá tốt, nên tình hình dịch bệnh tại đây không quá căng thẳng. Dự kiến, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này trong quý III vẫn tăng trưởng dương, xuất khẩu cả năm nay sẽ tăng khoảng 5% so với năm ngoái.
Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu tôm đứng thứ 8 trên thế giới. nhập khẩu tôm vào Hàn Quốc tăng trưởng ổn định qua các năm, chiếm tỷ trọng khoảng 2,6% tổng nhập khẩu tôm toàn thế giới.