Tổng thống Mỹ: "Nga sẽ phải trả giá rất đắt, cả về ngắn hạn và dài hạn"

Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, các nước phương Tây nhất trí loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu SWIFT

Quyết định này nằm trong số loạt biện pháp trừng phạt tài chính bổ sung được công bố trong tuyên bố chung giữa Mỹ, Ủy ban châu Âu, Pháp, Đức, Italy, Anh và Canada.

Trong tuyên bố chung, Nhà  Trắng và nhóm các cường quốc thế giới "quyết tâm tiếp tục buộc Nga phải trả giá và bị cô lập hơn nữa với hệ thống tài chính toàn cầu cũng như các nền kinh tế của chúng tôi".

"Tôi biết những lệnh trừng phạt này là những lệnh trừng phạt quy mô lớn nhất trong lịch sử, trừng phạt cả về kinh tế và chính trị", Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu. "Nga sẽ phải trả giá rất đắt, cả về ngắn hạn và dài hạn".

Loại các ngân hàng Nga khỏi SWIFT là biện pháp trừng phạt mạnh nhất từng được áp dụng. Ảnh: ITN
Loại các ngân hàng Nga khỏi SWIFT là biện pháp trừng phạt mạnh nhất từng được áp dụng. Ảnh: ITN

Ngày 26/2, một phát ngôn viên chính phủ Đức cho biết: "Điều này nhằm cắt đứt các tổ chức nói trên khỏi dòng tài chính quốc tế và sẽ hạn chế hàng loạt hoạt động toàn cầu của họ".

Bên cạnh đó, các đồng minh phương Tây cũng nhất trí áp dụng biện pháp hạn chế ngăn Ngân hàng Trung ương Nga "sử dụng giao dịch tài chính quốc tế để nâng đỡ đồng rouble". Những người giàu có tại Nga cũng không được phép sử dụng cái gọi là "hệ thống hộ chiếu vàng" để lấy quốc tịch châu Âu cho bản thân và thành viên gia đình

Những ngân hàng Nga chịu ảnh hưởng từ biện pháp trừng phạt tài chính này là các đơn vị "đã bị cộng đồng quốc tế cũng như các tổ chức khác trừng phạt". Hiện Nga chưa đưa ra bất kỳ bình luận gì về thông tin trên.

Ngày 27/2, Thủ tướng Ukraine Denys Shmygal chia sẻ trên Twitter rằng Ukraine rất biết ơn về vòng trừng phạt tài chính mới nhất mà Mỹ và châu Âu áp đặt lên Nga. "Cảm ơn những người bạn của chúng tôi vì cam kết loại bỏ một số ngân hàng Nga khỏi SWIFT", ông nói.

Việc các cường quốc loại các ngân hàng Nga khỏi SWIFT được coi là lựa chọn trừng phạt rất mạnh, khiến các tổ chức này về cơ bản không thể tiếp cận với hệ thống tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, biện pháp này có thể dẫn đến hệ quả tốn kém cho các quốc gia khác, nhất là những nước chịu phụ thuộc vào Nga về năng lượng hay lương thực.

SWIFT được thành lập năm 1973 nhằm thay thế điện tín và hiện được hơn 11.000 tổ chức tài chính trên thế giới sử dụng để gửi tin nhắn và lệnh thanh toán bảo mật. Không có giải pháp thanh toán nào khác được chấp nhận trên toàn cầu, nên SWIFT được coi là hệ thống trọng yếu của nền tài chính thế giới.

Thanh Bình (t/h)