Sở Công thương TP.HCM đã làm việc với các doanh nghiệp này, thậm chí Sở còn đang muốn làm thêm khẩu trang vải kháng khuẩn trong cao điểm mùa dịch bệnh do virus corona (nCoV) gây ra.
Theo báo cáo về công tác ứng phó khẩn cấp, cân đối cung – cầu các mặt hàng thiết yếu do ảnh hưởng hưởng của dịch bệnh nCoV trên địa bàn TPHCM của Sở Công thương TP.HCM, hiện các doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu sản xuất, Sở đã báo cáo Bộ Công thương và được thông tin Bộ đã chỉ đạo hệ thống tham tán thương mại tại các nước có nguồn nguyên liệu là vải không dệt để nhập khẩu nguyên liệu như: Ấn Độ, Malaysia... Sở cho biết, sẽ bám sát thông tin này và giới thiệu kịp thời cho các DN nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất.
Sở cũng được Hội Dệt may Thêu đan TPHCM làm việc với Tổng Công ty X28 (Bộ Quốc Phòng) - doanh nghiệp có khả năng sản xuất 200.000 khẩu trang vải kháng khuẩn/ngày.
Nếu sản xuất đúng năng lực, TPHCM sẽ hạn chế được tình trạng khan hiếm khẩu trang. |
Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM (Saigon Co.op) được giao ký hợp đồng phân phối lượng sản phẩm trên ra thị trường cùng khoảng 5 triệu khẩu trang vải kháng khuẩn đã đăng ký đặt hàng với Tập đoàn Dệt may Việt Nam.
Trước tình hình một bộ phận người tiêu dùng lo ngại nCoV-2019 kéo dài nên có hiện tượng thu gom, tích trữ các mặt hàng lương thực (mì, bún khô, gạo, nước mắm…), Sở Công thương TPHCM cũng đã làm việc với Hội lương thực thực phẩm Thành phố và các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường, nhằm chuẩn bị nguồn hàng hoá.
Các doanh nghiệp đều đã có kế hoạch ứng phó, sẵn sàng cung ứng vượt 30-50% kế hoạch Thành phố giao. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ nguồn nguyên liệu duy trì cung ứng, vượt kế hoạch đến hết năm 2020. Trong đó, một số doanh nghiệp cam kết cung ứng vượt kế hoạch đến hết năm 2021.
Theo đó, các nhóm hàng sẵn sàng cung ứng vượt 30 - 50% như: lương thực: 3.319 tấn/ tháng, dài hạn là 9.959 tấn/3 tháng; trứng gia cầm: 62,4 triệu quả/tháng, 187,1 triệu quả/3 tháng; thực phẩm chế biến: 631,7 tấn/tháng, 1.895 tấn/3 tháng; rau, củ, quả: 6.409 tấn/tháng, 19.227 tấn/3 tháng,…
Tổng lượng hàng các doanh nghiệp bình ổn thị trường đã chuẩn bị bao gồm các mặt hàng như lương thực, trứng gia cầm, đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đồng tình triển khai ngay một số chương trình khuyến mại, giảm giá từ 10 - 15% với các mặt hàng thiết yếu như thịt heo, trứng, mì gói, bún khô,…