TP.HCM tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 10, người ra vào thành phố phải quét mã QR code

Trong cuộc họphôm nay về công tác phòng chống dịch COVID-19 tại TP.HCM, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam thống nhất tinh thần TP.HCM tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 10, đồng thời tăng cường kiểm soát người ra vào thành phố.

Báo cáo tại cuộc họp ngày hôm nay, 5/7, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết, tính từ 6 giờ 4/7 đến 6 giờ 5/7, thành phố ghi nhận 711 ca mắc COVID-19, trong đó, 169 ca tầm soát trong các bệnh viện, 12 ca tầm soát trong cộng đồng. Các ca còn lại phát hiện trong các khu cách ly, khu phong tỏa. 

Giai đoạn trước, các ca phát hiện bên ngoài khu phong tỏa cách ly, tầm soát trong cộng đồng chiếm đến 75%. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây giảm xuống còn 17%. Hơn 80% các ca phát hiện qua việc khám tầm soát bệnh nhân đến các bệnh viện.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo TP.HCM thống nhất thành phố tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 10, trừ các khu vực đang được phong tỏa, đồng thời kiểm soát chặt chẽ người ra vào thành phố để hàng hóa lưu thông, không bị ách tắc.

Người ra vào TP.HCM phải quét mã QR code

TP.HCM khuyến nghị người có việc thật sự cần ra vào thành phố phải thực hiện theo Công điện của Bộ Y tế trong việc thực hiện xét nghiệm. Thành phố sẽ triển khai nhanh các hệ thống kiểm soát người được xét nghiệm trước khi ra vào thành phố.

tphcm.jpg
TP.HCM tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 10. Ảnh: Tiến Lực

Tại các điểm kiểm soát, người ra vào thành phố chỉ cần quét mã QR code. Trong trường hợp có quy định mới liên quan đến việc đi lại, người dân phải được thông báo trước 24 giờ.

Lãnh đạo TP.HCM cũng cho biết đang tích cực phối hợp với các địa phương, cơ quan Trung ương để hoàn thành hướng dẫn cụ thể trong thời gian sớm nhất. 

Bên cạnh đó, TP.HCM đang tích cực triển khai nhiều biện phải đảm bảo an toàn cho Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2021.

Trong vòng 1 giờ khi phát hiện F0, phải truy vết xong các F1

Tại cuộc họp, lãnh đạo thành phố cũng khẳng định thành phố đang đẩy mạnh điều tra dịch tễ, truy vết nhanh F0, cách ly tập trung F1 với thời gian ngắn nhất.  Ngành Y tế đặt mục tiêu trong vòng 1 giờ từ khi phát hiện F0, phải truy vết xong các F1, tiến hành xét nghiệm lặp lại từ 1-3 ngày/lần ở những khu có nguy cơ cao.

xet-nghiem-covid.jpg
Các bệnh viện ở TP.HCM thực hiện đo thân nhiệt, rửa tay bằng dung dịch khử khuẩn phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: Thanh Vũ

 Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết TP.HCM đã thành lập Trung tâm Điều hành xét nghiệm do một Phó Chủ tịch UBND TP phụ trách, nhằm phân bổ lực lượng linh hoạt, giúp các các đơn vị thực hiện xét nghiệm nhanh nhất và đúng thời gian. 

Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP.HCM đã tập huấn cho hơn 100 tổ kiểm tra an toàn các khu công nghiệp. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng tốc độ hoạt động còn chậm. Ông Sơn đề nghị thành phố đôn đốc triển khai các tổ này, để đảm bảo an toàn nhà máy, khu công nghiệp.

Cùng với đó, Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại thành phố và UBND TP.HCM đã thống nhất phương án cách ly trường hợp F1 tại nhà, để tăng cường năng lực tiếp nhận các trường hợp F1 tại khu cách ly tập trung.

Tính từ ngày 27/4 đến trưa 5/7, TP.HCM ghi nhận 6.405 ca mắc COVID-19 mới, đang là ổ dịch lớn nhất trên cả nước.

Theo phân nhóm mức độ diễn biến dịch, các nơi có nguy cơ rất cao gồm huyện Hóc Môn, Bình Chánh, quận 8, Bình Tân, Tân Phú và một phần của TP Thủ Đức (quận Thủ Đức cũ).

Nơi có nguy cơ cao là huyện Củ Chi, quận 1, 4, 5, 12, Bình Thạnh, Tân Bình, Gò Vấp, và một phần của TP Thủ Đức (quận 2 và 9 cũ).

Các nơi có nguy cơ gồm huyện Cần Giờ, quận 7, 10, 11, và Phú Nhuận. 

AN DI