Triều Tiên và Nga gây chấn động với động thái chiến tranh ở Ukraina

Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên đã đến Nga vào hôm nay (29/10) để đàm phán trong bối cảnh cuộc chiến Nga - Ukraina dường như đang có chiều hướng nguy hiểm mới, khi NATO và Hàn Quốc bày tỏ lo ngại rằng quân đội Triều Tiên có thể sớm tham gia vào phe của Nga.

NATO cho biết hôm 28/10 rằng hàng ngàn quân lính Triều Tiên đang tiến về tiền tuyến. Diễn biến này đã khiến Kyiv lo ngại và cho rằng lệnh trừng phạt là không đủ, đồng thời kêu gọi thêm vũ khí và một kế hoạch quốc tế để ngăn chặn quân đội Triều Tiên.

Hàn Quốc, về mặt kỹ thuật vẫn đang trong tình trạng chiến tranh với Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân trong nhiều thập kỷ sau Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, cũng lên án các cuộc triển khai này, trong khi các quan chức ở Seoul đặc biệt lo ngại về những gì Nga có thể cung cấp cho Bình Nhưỡng.

Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui đã đến vùng Viễn Đông của Nga vào hôm nay và trên đường tới Moscow, truyền thông nhà nước Nga đưa tin. Các hãng thông tấn nhà nước Nga cho biết không rõ Choe, người thực hiện chuyến thăm thứ hai trong sáu tuần, sẽ gặp ai tại Moscow.

Điện Kremlin cho biết ông Putin không có kế hoạch gặp bà.

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đã trao đổi với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol vào thứ Ba và cho biết các động thái của Triều Tiên đang đưa cuộc chiến vào giai đoạn chưa từng có.

"Kết luận rất rõ ràng - cuộc chiến này đang trở nên quốc tế hóa, vượt ra ngoài phạm vi hai quốc gia", Zelensky phát biểu trên X.

Triều Tiên và Nga gây chấn động với động thái chiến tranh ở Ukraina- Ảnh 1.

Một người phụ nữ đang kiểm tra thiệt hại của một cửa hàng sau cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Nga, trong bối cảnh Nga tấn công Ukraina, tại Kyiv, Ukraina ngày 29 /10/2024. Ảnh: REUTERS

Theo một tuyên bố từ Văn phòng tổng thống Hàn Quốc, Yoon nói với Zelensky rằng nếu Triều Tiên nhận được viện trợ từ Nga và có thể thu thập được kinh nghiệm và kiến thức quân sự từ việc tham gia vào cuộc chiến, họ sẽ gây ra "mối đe dọa lớn" đối với an ninh của Hàn Quốc.

Hàn Quốc cho biết, họ có thể bắt đầu cung cấp vũ khí cho Ukraina nếu quân đội Triều Tiên tham gia cuộc chiến của Nga. Lầu Năm Góc cũng cho biết vào thứ Hai rằng, họ sẽ không áp đặt các giới hạn mới đối với việc Ukraina sử dụng vũ khí của Mỹ nếu Triều Tiên tham gia cuộc chiến.

Tổng thống Nga Vladimir Putin không phủ nhận sự hiện diện của quân đội Triều Tiên ở nước này.

Vai trò của quân đội Triều Tiên là gì vẫn chưa rõ ràng. Các nhà phân tích cho biết số lượng nhỏ và khả năng hạn chế của họ có thể không mang tính quyết định, nhưng họ có thể củng cố lực lượng Nga bằng cách cung cấp lao động chân tay hoặc bố trí các vị trí phòng thủ.

Các nhà ngoại giao và nhà phân tích phương Tây cho biết, họ cũng có khả năng đóng vai trò chính trị đối với Nga và Triều Tiên, củng cố mối quan hệ với Trung Quốc, quốc gia có mối quan hệ đối tác không mấy dễ chịu với cả hai nước này, đồng thời gửi đi thông điệp tới Washington và các đồng minh của nước này.

Gilbert Rozman, của Diễn đàn Asan, đã viết cho chương trình 38 North có trụ sở tại Mỹ rằng: "Moscow càng có mối quan hệ chặt chẽ với Bình Nhưỡng thì họ càng mong đợi có nhiều đòn bẩy hơn đối với các đồng minh của Mỹ cũng như Trung Quốc".

Ông cho biết Moscow cần một đối tác thù địch với tình trạng hiện tại, cảnh giác với Trung Quốc nhưng không muốn gây hấn với nước này và hữu ích trong việc đáp ứng nhu cầu về vũ khí hoặc lao động.

Một nhà ngoại giao giấu tên cho biết, một vài nghìn quân Triều Tiên sẽ không thay đổi được tiến trình của cuộc chiến, vì vậy đây có thể là nỗ lực của Nga nhằm nhấn mạnh với Mỹ rằng Moscow có thể gây rối loạn như thế nào nếu muốn.

"Việc đưa quân đội Triều Tiên vào một cỗ máy chiến tranh rất phức tạp không phải là điều dễ dàng. Nhưng việc sử dụng sự hiện diện của họ để đe dọa Mỹ và các đồng minh của nước này ở châu Á thì lại khá đơn giản", nhà ngoại giao này cho biết. "Câu hỏi chính là: Nga thực sự đang thay đổi toàn bộ cách tiếp cận hậu Xô Viết của mình đối với Triều Tiên ở mức độ nào?".

Triều Tiên và Nga gây chấn động với động thái chiến tranh ở Ukraina- Ảnh 2.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tham dự lễ chào đón chính thức tại Quảng trường Kim Il Sung ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên ngày 19/6/2024. Ảnh: Sputnik

Huấn luyện lực lượng

Xung đột Ukraina nổ ra khi Nga xâm lược nước láng giềng vào tháng 2/2022 và kể từ đó đã phát triển thành một cuộc chiến tranh tiêu hao chủ yếu diễn ra dọc theo tiền tuyến ở miền Đông Ukraina, với số lượng thương vong lớn ở cả hai bên.

Lầu Năm Góc ước tính 10.000 quân Triều Tiên đã được triển khai tới miền Đông nước Nga để huấn luyện, tăng so với con số ước tính 3.000 quân vào thứ Tư tuần trước.

Các nhà lập pháp Hàn Quốc được cơ quan tình báo nước này thông báo vào thứ Ba rằng quân đội Nga đang cố gắng dạy thuật ngữ quân sự cho binh lính Triều Tiên.

Các nhà lập pháp cho biết Moscow cũng tiếp tục cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho nỗ lực triển khai đội vệ tinh do thám của Triều Tiên.

Theo các quan chức tình báo tại Mỹ, Hàn Quốc và Ukraina, trong nhiều tháng qua, Triều Tiên đã cung cấp cho Nga tên lửa đạn đạo tầm ngắn, đạn pháo và nhiều loại vũ khí khác.

Ông Putin cho biết, việc thực hiện hiệp ước đối tác mà ông đã ký với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vào tháng 6 là trách nhiệm của Nga, theo đó hai nước đồng ý hỗ trợ lẫn nhau nếu một trong hai nước bị tấn công.

Hàn Quốc vẫn chưa thay đổi lập trường chống lại việc cung cấp vũ khí công khai cho Ukraina, nhưng Seoul đã đẩy nhanh kế hoạch chia sẻ thông tin tình báo với NATO và cử một phái đoàn cấp cao đến để báo cáo tóm tắt với các quan chức ở Brussels và Kyiv.

(Nguồn: Reuters)

CHẤN HƯNG