Dữ liệu ngành cho thấy chính phủ Trung Quốc đã trợ cấp hơn 12,1 tỷ nhân dân tệ (1,75 tỷ USD) cho 190 công ty bán dẫn niêm yết trong nước vào năm 2022, khi Bắc Kinh tìm cách chống lại các lệnh trừng phạt leo thang của Mỹ nhắm vào ngành sản xuất chip tiên tiến.
10 doanh nghiệp nhận lớn nhất đã nhận được 45% số tiền xuất chi, lên tới 5,46 tỷ nhân dân tệ, theo một báo cáo vào ngày 7/5 từ hãng truyền thông Trung Quốc ijiwei, nơi tổng hợp dữ liệu từ Wind, một nhà cung cấp dữ liệu tài chính. Hồ sơ công ty từ 10 công ty hàng đầu xác nhận số tiền trợ cấp.
Báo cáo chỉ bao gồm các công ty niêm yết ở Trung Quốc đại lục, nghĩa là ở Thượng Hải hoặc Thâm Quyến. Nhiều công ty chưa niêm yết khác cũng đã nhận được sự hỗ trợ của chính phủ, bao gồm thông qua các khoản vay và đầu tư trực tiếp.
Nhà điều hành xưởng đúc lớn nhất của Trung Quốc, Tập đoàn Sản xuất Chất bán dẫn Quốc tế (SMIC), cũng là doanh ngiệp nhận trợ cấp lớn nhất trong năm với 1,95 tỷ nhân dân tệ.
Theo SCMP, công ty duy nhất khác được trao hơn 1 tỷ nhân dân tệ là Sanan Optoelectronics, một nhà sản xuất chip LED có trụ sở tại thành phố Hạ Môn, đã nhận được 1,03 tỷ nhân dân tệ.
Công ty đóng gói chip Tianshui Huatian Technology có trụ sở tại Thiểm Tây đứng thứ ba với khoản trợ cấp 467,1 triệu nhân dân tệ.
Trong số 10 công ty nhận hàng đầu khác có Wingtech Technology, nhà cung cấp của Apple chuyên phát triển và sản xuất chip và thiết bị đầu cuối di động; Naura Technology, nhà sản xuất thiết bị chip có trụ sở tại Bắc Kinh và là nhà cung cấp cho Công ty Công nghệ Bộ nhớ Yangtze (YMTC) bị Mỹ trừng phạt; và Loongson Technology, một nhà thiết kế CPU hàng đầu. Mỗi công ty được trợ cấp từ 100 triệu nhân dân tệ đến 400 triệu nhân dân tệ.
Tuy nhiên, số tiền trợ cấp rất khác nhau tùy thuộc vào công ty, với những công ty xếp hạng cuối nhận được khoảng 200.000 nhân dân tệ trong năm (chưa đến 30.000 USD).
Những con số cho thấy các công ty đã được hưởng lợi như thế nào từ nỗ lực tăng cường khả năng tự cung tự cấp chất bán dẫn của Trung Quốc trong bối cảnh cuộc chiến công nghệ ngày càng leo thang với Mỹ.
Tháng 10 năm ngoái, Cục Công nghiệp và An ninh Mỹ, đã mở rộng phạm vi các quy tắc kiểm soát xuất khẩu của mình để hạn chế hơn nữa quyền tiếp cận của các nhà sản xuất chip Trung Quốc đối với các công cụ, phần mềm và nhân tài Mỹ, nhằm hạn chế khả năng sản xuất chip tiên tiến của Trung Quốc. Trong đó, bao gồm các hạn chế đối với chip logic ở cấp độ 16 nanomet trở lên và bộ nhớ 3D NAND có 128 lớp trở lên.
Hai tháng sau, Bộ Thương mại Mỹ đã bổ sung hơn 30 công ty chip Trung Quốc, bao gồm cả YMTC, vào cái gọi là Danh sách Thực thể, hạn chế xuất khẩu các sản phẩm và dịch vụ của Mỹ sang Trung Quốc mà không có sự chấp thuận của Washington.
Kể từ cuối năm ngoái, một số chính quyền thành phố ở Trung Quốc, bao gồm Thành Đô ở phía tây nam tỉnh Tứ Xuyên, Nam Kinh và Tô Châu ở phía đông tỉnh Giang Tô, cũng như Quảng Châu và Thâm Quyến ở phía nam tỉnh Quảng Đông đã đáp lại lời kêu gọi của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp mạch tích hợp của đất nước bằng cách dành hàng triệu hoặc hàng tỷ nhân dân tệ trợ cấp.
Riêng Tô Châu hứa sẽ thúc đẩy sự phát triển của 10 "công ty đổi mới hàng đầu" và bổ sung thêm 3 công ty niêm yết vào hệ sinh thái bán dẫn địa phương trong năm nay.
Trong khi đó, một số công ty chưa niêm yết và đã niêm yết tại Hồng Kông đã nhận được hỗ trợ tài chính đáng kể từ chính quyền địa phương và trung ương.
Vào cuối tháng 2, YMTC, nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu của Trung Quốc, đã nhận được 7 tỷ USD khoản tài trợ mới từ một nhóm các nhà đầu tư do nhà nước hậu thuẫn, bao gồm Quỹ đầu tư công nghiệp mạch tích hợp quốc gia, được gọi là "Quỹ lớn".
Hua Hong Semiconductor, công ty sản xuất chip lớn thứ hai của Trung Quốc, được niêm yết tại Hồng Kông, cũng nhận được sự hỗ trợ của nhà nước cho nhà máy chế tạo tấm wafer trị giá 6,7 tỷ USD ở phía đông thành phố Vô Tích, theo hồ sơ giao dịch chứng khoán vào tháng 1.