Trước đó cùng ngày, Thượng viện Mỹ nhất trí thông qua đạo luật cấm tất cả các mặt hàng nhập khẩu từ Tân Cương của Trung Quốc.
Một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ cho biết, Bộ Thương mại cũng sẽ bổ sung Học viện Khoa học Quân y Trung Quốc và 11 viện nghiên cứu của Trung Quốc vào danh sách các công ty và tổ chức bị hạn chế tiếp cận hàng xuất khẩu.
Động thái trên được đưa ra sau lệnh cấm đầu tư của Mỹ đối với công ty phát triển phần mềm nhận diện khuôn mặt SenseTime của Trung Quốc, trong bối cảnh quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington chưa có dấu hiệu cải thiện, dù lãnh đạo hai nước mới có cuộc gặp trực tuyến.
Ngày 16/12, Bộ Tài chính Mỹ thông báo bổ sung 8 công ty Trung Quốc, trong đó có hãng sản xuất máy bay không người lái DJI, vào danh sách các công ty liên hợp công nghiệp quốc phòng, theo đó sẽ cấm đầu tư vào các công ty này. Thông báo cho biết danh sách các công ty bị đưa danh sách đen gồm: Công ty Công nghệ Cloudwalk, Công ty Công nghiệp thông tin Dawning, Công ty Công nghệ Leon, Công ty TNHH Công nghệ Megvii, Công ty TNHH công nghệ Netposa, Công ty Công nghệ SZ DJI, Công ty Thông tin Xiamen Meiya Pico và Công ty TNHH Yitu.
Quyết định của Bộ Tài chính Mỹ sẽ dẫn đến việc các nhà đầu tư Mỹ không được phép mua hoặc bán một số chứng khoán giao dịch công khai của những công ty này.
Giới phân tích nhận định cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung theo hình thức trực tuyến giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tối 15/11 (giờ Mỹ) đã giúp hạ nhiệt căng thẳng trong quan hệ song phương, nhưng chưa tạo ra cú hích đủ lớn để xử lý tranh chấp dai dẳng về thương mại giữa hai nước. Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, cuộc chiến được Tổng thống Donald Trump khởi xướng năm 2018, đã khiến người tiêu dùng ở cả hai nước phải chịu thiệt khi mua hàng hóa từ bên còn lại. Leo thang trừng phạt thuế nhập khẩu cũng đã tạo ra những đứt gãy trong chuỗi cung hàng hóa, ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp và người tiêu dùng trên toàn thế giới.
Nhưng tại cuộc hội đàm thượng đỉnh vừa qua, nhóm vấn đề kinh tế bị xếp sau những chủ đề địa chính trị trong nghị trình thảo luận. Ông Biden chỉ đề thập thoảng qua “chính sách kinh tế, thương mại bất bình đẳng” của Trung Quốc gây hại đến người lao động Mỹ. Ông dành phần lớn thời gian còn lại để đề cập đến vấn đề Tân Cương, Tây Tạng, Hong Kong, Đài Loan và quản trị hiệu quả cạnh tranh, không để quan hệ Mỹ-Trung rơi vào xung đột với hệ quả không mong đợi cho cả hai bên. Theo chuyên gia phân tích chuyên về Trung Quốc Joe Mazur tại hãng tư vấn Trivium China, Nhà Trắng hiểu rằng Bắc Kinh sẽ không xê dịch chính sách trong những vấn đề mang tính cốt lõi vốn là nguyên nhân tạo căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung. Vì thế, Mỹ đang tìm kiếm những điểm có thể hỗ trợ hợp tác hạn chế với Trung Quốc, đồng thời tăng cường hợp tác với đồng minh, đối tác trên thế giới.
Tổng Hợp