Lợi nhuận 6 tháng đầu năm tiếp tục tăng mạnh, đi cùng với đó, bộ đệm dự phòng của các nhà băng cũng được đẩy lên mức cao chưa từng có nhằm giúp ngân hàng phòng trừ rủi ro do biến động thị trường trong thời gian tới, đặc biệt là sau khi Thông tư 14 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng kết thúc.
Thống kê tại 26 ngân hàng cho thấy, có tới 18 thành viên tiếp tục gia tăng tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu trong 6 tháng qua. Trong đó cá biệt ghi nhận thành viên có tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên tới hơn 504% như Vietcombank.
Trong số 26 ngân hàng trong nhóm khảo sát nói trên, hiện đã có 10 thành viên có tỷ lệ trích dự phòng bao nợ xấu ở mức trên 100%. Trong chiều dài lịch sử phát triển hệ thống NHTM Việt Nam, quy mô có 10 thành viên đạt tỷ lệ nói trên là chưa từng có, phản ánh sự chủ động hơn của hệ thống trước rủi ro tiềm ẩn.
Theo quy định hiện hành, các NHTM được phép giãn trích lập dự phòng đối với nợ bị ảnh hưởng bởi COVID-19 được cơ cấu lại; tuy nhiên nhiều thành viên đã tiến hành trích lập đủ và là một yếu tố khiến tỷ lệ bao phủ nói trên tăng cao.
Tỷ lệ này càng cao khiến lợi nhuận càng trở nên tương đối, và ngược lại. Ở một khía cạnh khác, ngân hàng có thể "ẩn bớt" một phần lợi nhuận ở đây để tránh công bố mức lợi nhuận quá cao trong bối cảnh nền kinh tế và nhiều doanh nghiệp còn khó khăn sau đại dịch.
Dù chưa công bố báo cáo tài chính hợp nhất, nhưng một "ông lớn" có vốn nhà nước là Agribank cũng đạt kết quả khả quan với 15.080 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế riêng lẻ sau 6 tháng, tăng trưởng tới 59% so với cùng kỳ, cao thứ ba trong hệ thống.
Hai ngân hàng TMCP tư nhân là Techcombank và MB đang lần lượt chiếm vị trí thứ tư và năm trong bảng xếp hạng lợi nhuận, với con số đạt được lần lượt là 14.106 tỷ đồng (tăng trưởng 22%) và 11.896 tỷ đồng (tăng trưởng 49%).
Với mức lợi nhuận 11.607 tỷ đồng và 11.084 tỷ đồng, VietinBank và BIDV bị đẩy xuống vị trí thứ sáu và bảy trong top các ngân hàng có lợi nhuận lợi nhất trong 6 tháng đầu năm nay. Dù vậy, hai ngân hàng cũng đã hoàn thành trên 50% kế hoạch lợi nhuận năm.
Trong khi đó, Ngân hàng Bản Việt cũng đang tiến đến rất gần đích khi hoàn thành được tới 79% kế hoạch năm chỉ trong 6 tháng.
Tương tự, nhiều thành viên khác như Eximbank, LienVietPostBank hay ACB cũng chỉ cần nửa năm để hoàn 2/3 chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Ở chiều ngược lại, một số ngân hàng vẫn còn cách vạch đích khá xa như OCB (mới hoàn thành 24% kế hoạch), VietBank (36%), BacABank (45%)…
Xét về con số tuyệt đối, Vietcombank vẫn đang dẫn đầu hệ thống với mức lợi nhuận ghi nhận trong 6 tháng đầu năm lên tới 17.373 tỷ đồng, tăng trưởng 28% so với cùng kỳ, hoàn thành 57% kế hoạch năm.
Trong khi đó, nhờ ghi nhận khoản thu nhập đột biến thỏa thuận độc quyền với bảo hiểm AIA trong quý 1 đã giúp VPBank - một đại diện từ khối ngân hàng thương mại tư nhân vượt qua một loạt các "ông lớn" để trở thành ngân hàng đạt lợi nhuận cao thứ 2 hệ thống.
Cụ thể, sau 6 tháng, VPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 15.323 tỷ đồng, tăng trưởng tới 70% so với cùng kỳ và hoàn thành 52% kế hoạch năm.
Saigonbank là một ví dụ. Báo cáo tài chính quý 2/2022 mới công bố cho thấy, 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 176 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, thu nhập từ lãi tiếp tục là động lực dẫn dắt tăng trưởng với 499 tỷ đồng (tăng trưởng gần 46%) nhờ tín dụng trong 6 tháng đầu năm tăng trưởng ở mức khá cao (9,7%). Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ và kinh doanh ngoại hối cũng tăng lần lượt tăng 27,7% và 42% so với cùng kỳ.
Với kế hoạch lợi nhuận 190 tỷ đồng cho cả năm 2022, ngân hàng đã hoàn thành tới 93% mục tiêu lợi nhuận của cả năm. Bất chấp những khó khăn lớn vẫn còn tồn tại sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, ngành ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2022 tiếp tục ghi nhận nhiều dấu hiệu khả quan, với nhiều thành viên đều ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng tốt, thậm chí có thành viên đã gần cán đích kế hoạch lợi nhuận năm dù mới chỉ đi qua một nửa quãng đường.
Tổng Hợp