Trường hợp này được ThS.1
BS. Nguyễn Văn Hải, Trưởng khoa Tim mạch - Tim mạch can thiệp, BVĐK Hồng Ngọc chia sẻ. Theo đó, bệnh nhân là một nam thanh niên khoảng 30 tuổi làm nghề lái xe, có bệnh tăng huyết áp nhưng lại không đi khám bệnh bao giờ. Hôm xảy ra sự việc, nam thanh niên đi uống rượu, mới uống được 1 chai rượu khoảng 500ml, dù vẫn chưa say nhưng sau khi về nhà khoảng 30 phút thì xuất hiện đau ngực dữ dội.
Bệnh nhân nhập viện vào giờ thứ 2 của nhồi máu cơ tim, các bác sĩ mới vừa làm điện tim xong, đang chuẩn bị để giải thích bệnh lý với gia đình thì bệnh nhân xuất hiện ngừng tim, rung thất. May mắn là bệnh nhân đã được sốc điện kịp thời và ngay lập tức được đưa lên phòng can thiệp. Khi chụp mạch máu thì phát hiện bệnh nhân bị tắc ngay đoạn đầu của động mạch liên thất trước - mạch quan trọng nhất của quả tim. Sau khi tái thông thì bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, sức khỏe ổn định và ra viện sau 2 ngày.
Đó là một ca rất điển hình trong lối sống của người trẻ, có các thói quen như thức khuya, hút thuốc, uống nhiều bia rượu... là những nguy cơ thúc đẩy nhồi máu cơ tim nói riêng và bệnh tim mạch nói chung.
"Từ trước tới nay, bệnh tim mạch được coi là bệnh của người cao tuổi bởi nhóm đối tượng này có nhiều các yếu tố nguy cơ hơn như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid, hút thuốc lá nhiều năm... Nam giới trên 60 tuổi và nữ giới trên 55 mới bắt đầu có những biến cố về tim mạch. Tuy nhiên, gần đây các bệnh tim mạch, đặc biệt là nhồi máu cơ tim trẻ hóa và ngày càng tăng và người ta nghiên cứu rằng ngoài những yếu tố nguy cơ truyền thống kể trên, người trẻ hiện nay có những yếu tố nguy cơ hiện đại hàng đầu về tim mạch, ví dụ như nhịp sống quá căng thẳng, thức khuya nhiều, béo phì, ít vận động và hút thuốc lá...", BS. Hải cho biết.
ThS. BS. Nguyễn Văn Hải đã tiếp nhận nhiều trường hợp bị bệnh tim mạch, đặc biệt là nhồi máu cơ tim khi tuổi đời còn rất trẻ |
Được biết, bệnh lý tim mạch và động mạch vành là một trong những bệnh lý phức tạp nhất, với tỷ lệ tử vong cao, nguy cơ để lại di chứng nghiêm trọng. Theo TS. Phạm Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch học, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, trên thế giới, số lương các ca tử vong do bệnh tim mạch qua các năm không những không giảm mà thậm chí còn tăng lên. Số ca tử vong do nó gây ra gấp 3 lần số ca tử vong do các bệnh gây tử vong nhiều như lao, sốt rét, ung thư vú cộng lại. Nghiên cứu cho thấy cứ 10 người chết thì có 4 người chết do bệnh tim mạch.
Theo Bộ Y tế, mỗi năm nước ta có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% trong số các ca tử vong, vượt xa bệnh lý ung thư, tiểu đường… Ghi nhận tại BVĐK Hồng Ngọc nhiều bệnh nhân dưới 40 tuổi bị nhồi máu cơ tim cấp, cho thấy bệnh không chỉ là vấn đề của tuổi già mà còn của tất cả các lứa tuổi.
Việc cần làm ngay để ngăn ngừa bệnh tim mạch
Để phòng ngừa bệnh tim mạch, các bác sĩ khuyến cáo mọi người nên hạn chế tối đa các yếu tố nguy cơ, đồng thời đi khám sức khỏe định kỳ, tầm soát bệnh khi có các dấu hiệu cảnh báo. Bên cạnh đó, việc lựa chọn những tiến bộ khoa học trong lĩnh vực y học về tim mạch cũng là một trong những cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa bệnh tim mạch cũng như bảo vệ sức khỏe của chúng ta. Dẫn chứng cho điều này, TS. Hùng cho biết thêm: Các nghiên cứu quốc tế cho thấy tuổi thọ trung bình của người dân ở các nước trên thế giới đều tăng lên chủ yếu là nhờ vào sự cải thiện, tiến bộ về khả năng chữa trị các bệnh tim mạch.
Với sự phát triển của y học hiện đại, hiện nay có nhiều những phương pháp điều trị bằng xâm lấn cho bệnh tim mạch như nong và đặt stent động mạch vành, đặt máy tạo nhịp, thay van động mạch chủ và sửa van hai lá qua đường ông thông… Tuy nhiên, với nhóm bệnh nhân có nguy cơ chảy máu cao, nguy cơ tái hẹp trong stent, huyết khối trong stent cao, đặc biệt người có bệnh cao tuổi có nhiều bệnh nền (tăng huyết áp, béo phì, đái đường, bệnh lý gan thận…) thì nong bóng phủ thuốc đang là giải pháp được đánh giá cao.
Tại Hội nghị quốc tế "Những tiến bộ trong can thiệp tim mạch", PGS. TS. BS Lee Joo Myung, Viện Tim mạch Đột quỵ, Trung tâm Y tế Samsung, Trường Y khoa Đại học Sungkyunkwan (Seoul, Hàn Quốc) cho biết: Thông thường sau can thiệp, bệnh nhân phải sử dụng đồng thời 2 nhóm thuốc kháng kết tập tiểu cầu trong thời gian tối thiểu là 1 năm nên dễ gây ra tình trạng chảy máu nặng, đặc biệt nghiêm trọng với những bệnh nhân có nguy cơ chảy máu cao. Nong bóng phủ thuốc (DEB) là xu hướng mới trong điều trị hẹp mạch. Bóng phủ một lớp thuốc chống tái hẹp, khi sử dụng, lớp thuốc sẽ được giải phóng một cách tối ưu theo chu vi mạch vành. Bóng phủ thuốc không cần khung giá đỡ kim loại, không để lại thiết bị nào trong lòng mạch. Vì vậy, quá trình nội mạc hoá diễn ra nhanh hơn và góp phần làm giảm hai nguy cơ huyết khối cấp trong lòng stent và chỉ cần dùng một liều thuốc chống đông máu ngắn hạn sau thủ thuật, giảm nguy cơ chảy máu.
Dẫn chứng một cách trực quan, ThS. BS Nguyễn Văn Hải, Trưởng khoa Tim mạch can thiệp, BVĐK Hồng Ngọc (từng theo học tại Viện Tim mạch Đột quỵ, Trung tâm Y tế Samsung Hàn Quốc) đã trực tiếp thực hiện ca can thiệp (được phát sóng trực tiếp tại hội nghị) ứng dụng kỹ thuật nong bóng phủ thuốc cho bệnh nhân 65 tuổi, hẹp mạch 90% có nguy cơ chảy máu cao. Trong ca can thiệp, BS. Hải cũng kết hợp ứng dụng phần mềm vFFR - đo phân suất dự trữ lưu lượng vành không xâm lấn, lần đầu tiên triển khai tại miền Bắc. Phần mềm vFFR được sử dụng để thay thế phương pháp đo phân suất dự trữ lưu lượng vành FFR xâm lấn truyền thống, giúp bác sĩ kiểm tra chính xác vị trí mạch tổn thương mà không cần đặt thiết bị vào cơ thể, không xâm lấn, tiết kiệm thời gian cho bệnh nhân.
ThS. BS. Nguyễn Văn Hải kết hợp công nghệ vFFR trong can thiệp tim mạch - lần đầu được triển khai ở miền Bắc |
BS. Hải chia sẻ: “Với việc cung cấp các hình ảnh chụp mạch vành và huyết áp, phần mềm vFFR sẽ tái tạo mô hình 3D của các động mạch, sau đó tự động phân tích lưu lượng dòng máu qua các đoạn hẹp của động mạch vành dưới dạng báo cáo các chỉ số chi tiết để hiển thị trên màn hình. Từ đó, nó giúp bác sĩ có dữ liệu đánh giá đầy đủ, toàn diện để đưa ra phương án điều trị tối ưu nhất, cũng giúp bệnh nhân tiết kiệm chi phí và rút ngắn thời gian điều trị. Sự kết hợp của kỹ thuật nong bóng phủ thuốc và vFFR được coi là những bước tiến mới trong can thiệp tim mạch tại Việt Nam, hiệu quả với đối tượng có nguy cơ chảy máu cao, theo kịp xu hướng điều trị ít xâm lấn hiện nay”.
Cũng trong hội nghị, GS. TS. BS Ying-Hwa Chen, Giáo sư Y khoa, Đại học Quốc gia Yang-Ming Chiao-Tung, Giám đốc Bệnh Tim cấu trúc, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Cựu chiến binh Đài Bắc (Trung Quốc) đã chia sẻ chiến lược sử dụng kỹ thuật Cusp Overlab để giảm thiểu rối loạn dẫn truyền sau thay van động mạch chủ qua ống thông (TAVR) với van tự giãn nở giúp hạn chế được nhiều nguy cơ biến chứng, nhất là biến chứng rối loạn dẫn truyền thường gặp. Đây là kỹ thuật mới lần đầu tiên được trình bày tại Việt Nam.
3 bất thường sau khi uống nước có thể cảnh báo "sợi dây" sức khỏe ngắn dần, nhất định phải lưu ý
Chỉ thông qua một số biểu hiện sau khi uống nước có thể nhận biết các vấn đề về sức khỏe.