Vẫn có thể khởi phát hiện tượng "sốt giá" năm 2022

Bộ Xây dựng vừa công bố báo cáo về tình hình thị trường bất động sản quý IV/2021, trong đó đề cập tới giá nhà ở và một số loại bất động sản khác. Mặc dù nền kinh tế có sự giảm phát do ảnh hưởng của đại dịch nhưng giá bất động sản, nhà ở, đất nền vẫn liên tục tăng từ đầu năm. Vẫn có thể khởi phát hiện tượng "sốt giá" năm 2022.

Theo Bộ Xây dựng, hiện tượng tăng giá đất nền "nóng" cục bộ cũng nhanh chóng hạ nhiệt sau khi Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường có các văn bản chỉ đạo để chính quyền địa phương kịp thời đưa ra các thông báo cảnh báo cũng như công khai các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất trên địa bàn như thông tin quy hoạch sân bay Téc-níc tại Bình Phước, quy hoạch hành chính huyện Thủy Nguyên tại Hải Phòng, điều chỉnh bảng giá đất tại Đà Nẵng...

Tính đến cuối năm 2021, giá căn hộ chung cư đã tăng bình quân khoảng 5-7%; giá nhà ở riêng lẻ trong dự án tăng 15-20%; giá đất nền tăng 20-30% so với thời điểm cuối năm 2020. Đặc biệt theo Bộ Xây dựng, tại thời điểm cuối quý I, đầu quý II/2021 đã xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến, thậm chí "sốt giá" đất nền tại một số địa điểm ở một số địa phương vùng ven Hà Nội.

Bộ Xây dựng cho biết cũng đã có Văn bản số 5370 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu tổng hợp báo cáo tình hình đấu giá đất, đánh giá tình hình, nguy cơ xảy ra bong bóng bất động sản, đồng thời khẩn trương thực hiện các giải pháp để ổn định thị trường. Đến nay, theo báo cáo của các địa phương, hiện tượng tăng giá đất nền đã hạ nhiệt. Nguy cơ xảy ra "bong bóng" bất động sản là khó xảy ra. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng lo ngại đây vẫn có thể là sự khởi phát của hiện tượng "sốt giá" bất động sản trong năm 2022. "Đặc biệt, khi Nhà nước sử dụng các giải pháp kích cầu, hỗ trợ phục hồi kinh tế sau giai đoạn giảm phát cũng có thể tác động làm thị trường bất động sản phát triển nóng nếu không được kiểm soát tốt (kinh nghiệm cho thấy từ gói kích thích kinh tế năm 2008 - 2009)", Bộ Xây dựng nhận định.

Đề cập đến mức đấu giá lên tới hơn 2,4 tỷ đồng/m2 ở Thủ Thiêm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng "chưa bao giờ có chuyện này". Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhận định mức giá này là "bất thường", thậm chí là điển hình làm nhiễu loạn thị trường. Chia sẻ thêm về hiện tượng đấu giá đất Thủ Thiêm bên hành lang Quốc hội, ông Phớc cho hay, giá đất trung bình tại đường Nguyễn Huệ, nơi được ví là "trái tim" của TPHCM có giá khoảng 1,5 tỷ đồng/m2. Trong khi đó, Thủ Thiêm là khu vực mà hạ tầng mới, đang còn xây dựng, hoang vắng thì mức đấu giá lên tới 2,4 tỷ đồng/m2. Mức giá này là theo Bộ trưởng Tài chính là không phù hợp, không thực khi giao dịch đột biến tăng gấp vài lần.

"Cần xem các nhà đầu tư có thực hiện đúng theo cam kết trúng giá hay không, hay bỏ cọc. Bộ Tài chính chỉ kiểm tra những doanh nghiệp này trên thị trường chứng khoán, còn quản lý nhà nước về đất đai là Bộ Tài nguyên môi trường, kể cả vấn đề giá đất. Nhưng chưa thể công khai được", ông Phớc nhấn mạnh.

Đưa ra dự báo về triển vọng năm 2022 đối với ngành xây dựng, chuyên gia SSI nhấn mạnh đến những yếu tố hỗ trợ từ thị trường bất động sản. Bởi nguồn cung của thị trường bất động sản là cơ sở cho những giá trị hợp đồng mới của ngành xây dựng. Theo đó, chuyên gia SSI cho biết sẽ tiếp tục theo dõi việc sửa đổi luật để hỗ trợ thị trường bất động sản nhà ở trong thời gian sắp tới.

Cụ thể như Luật Đất đai sẽ sửa đổi trong năm nay, trước khi hoàn thành vào tháng 5/2023. Các điểm sửa đổi kỳ vọng sẽ có quy định cụ thể về hệ số đền bù giá đất nhằm giải quyết vấn đề giải phóng mặt bằng.

Ngoài ra, theo Luật Đầu tư 2020, các dự án sau đây phải có sự chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ Tướng Chính phủ: Dự án có quy mô sử dụng đất từ 50 ha trở lên hoặc có quy mô dưới 50 ha nhưng quy mô dân số từ 15.000 người trở lên tại khu vực đô thị; dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất từ 100 ha trở lên hoặc có quy mô dưới 100 ha nhưng quy mô dân số từ 10.000 người trở lên tại khu vực không phải là đô thị.

Thị trường đang kỳ vọng những thay đổi về một số quy định về phân cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư cho UBND cấp tỉnh. Ngoài ra, Luật Nhà ở 2014 vẫn chưa quy định về việc công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đối với chủ đầu tư có quyền sử dụng đất 100% là đất nông nghiệp hoặc đất phi nông nghiệp không phải là đất ở. Theo chuyên gia SSI, điều này có thể hạn chế các dự án bất động sản nhà ở tiềm năng trong tương lai.

Thông tin tại cuộc họp báo do Bộ Xây dựng tổ chức ngày 21/1, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, sau vụ đấu giá đất Thủ Thiêm, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho nhiều bộ ngành liên quan, trong đó có Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá cụ thể tác động của vụ đấu giá đất cao bất thường đến thị trường.

Theo đó, Bộ Xây dựng đã làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường và có văn bản gửi các địa phương đề nghị đánh giá cụ thể giá đất thay đổi thế nào sau hàng loạt vụ đấu giá đất tại các địa phương, trong đó có vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm gây xôn xao dư luận vừa qua. " Đến nay, có hơn 20 tỉnh, thành phố đã gửi báo cáo về Bộ Xây dựng, các tỉnh còn lại đang tiếp tục gửi báo cáo. Từ báo cáo của địa phương gửi về, Bộ Xây dựng đang tập hợp để báo cáo Thủ tướng", ông Khởi cho biết.

Tổng Hợp