Vì sao người dân TP.HCM chậm nhận kết quả xét nghiệm COVID-19?

TP.HCM đang lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng để truy vết các F0 trong cộng đồng, nhưng kết quả xét nghiệm còn chậm. Vì sao lại như vậy?

Thứ tự trả kết quả dựa trên việc đánh giá nguy cơ

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), trái với lo lắng của người dân, thực tế, việc trả kết quả xét nghiệm tại TP.HCM đang được thực hiện khá nhanh.

“Phương pháp TP.HCM đang áp dụng hiện nay là ưu tiên lấy mẫu, xét nghiệm và trả kết quả dựa trên các mức độ nguy cơ. Với mỗi nhóm nguy cơ khác nhau, họ sẽ quyết định làm test nhanh hay lấy mẫu gộp. Ngoài ra, trong các nhóm lấy mẫu gộp, tùy mức độ nguy cơ, mẫu đó sẽ được ưu tiên chạy trước”, vị chuyên gia này giải thích.

z2593727922214_dbfc60b4a4eeef635294965e8b6b9fb9.jpg
Ảnh minh họa.

Cụ thể, theo mức độ nguy cơ giảm dần, thành phố sẽ chia thành 3 nhóm để thực hiện gồm test nhanh, xét nghiệm rRT-PCR nhanh và xét nghiệm rRT-PCR sau. Đây là lý do những người nằm trong khu vực nguy cơ không cao phải chờ lâu hơn các nhóm còn lại.

Bác sĩ Khanh nói: “Việc mọi người đều phải được trả kết quả trong thời gian như nhau sẽ gây khó khăn rất lớn cho đội ngũ xét nghiệm, đồng thời không mang lại tính hiệu quả tối đa. Do đó, tôi nghĩ TP.HCM đang đi đúng hướng”.

Tuy nhiên, theo bác sĩ này, những người ở nhóm 3 và đang chờ kết quả xét nghiệm phải bình tĩnh, tuyệt đối không được nghĩ mình âm tính. Họ nên hạn chế di chuyển, tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn 5K của Bộ Y tế, thậm chí tuân thủ nghiêm chỉnh hơn.

Nguyên nhân là dù nguy cơ không lớn bằng 2 nhóm còn lại, họ vẫn có khả năng lây lan virus do đã nằm trong diện lấy mẫu xét nghiệm.

Chuyên gia này khẳng định việc trả kết quả xét nghiệm muộn nếu rơi vào trường hợp nhiễm virus là rất nguy hiểm. Trong quá trình đó, họ có thể đã di chuyển tới nhiều nơi và gây lây lan mầm bệnh trong cộng đồng, qua đó tăng số lượng F0.

Người dân tự lấy mẫu là biện pháp lý tưởng trong tương lai

Thực tế cho thấy việc tổ chức tại các điểm lấy mẫu trên địa bàn TP.HCM còn gặp nhiều bất cập. Số lượng người tới lấy mẫu đông dẫn đến nguy cơ lây nhiễm virus cao. Bản thân người dân cũng có tâm lý lo lắng và ngại đi lấy mẫu, từ đó giảm hiệu quả sàng lọc, theo Zing.

Do đó, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng thành phố có thể cân nhắc thêm phương án hướng dẫn và khuyến khích người dân có điều kiện, kỹ năng chuyên môn tự lấy mẫu xét nghiệm cho bản thân và gia đình.

“Một nhân viên y tế nằm trong nhóm đối tượng nguy cơ hoàn toàn có thể tự mua test nhanh và làm xét nghiệm tại nhà. Miễn sao họ đủ trình độ, điều kiện kinh tế và có thể đảm bảo đúng tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Sau khi có kết quả, những người này có thể chụp ảnh lại và báo cho nhân viên y tế địa phương quản lý”, bác sĩ Khanh lấy ví dụ.

z2593726756939_aee73942442037e2c3b14bcb963877f8(1).jpg
Ảnh minh họa.

Theo vị chuyên gia này, việc làm trên có thể tiết kiệm rất nhiều nguồn lực về mặt kinh tế và nhân sự, giảm khối lượng công việc cho nhân viên y tế, đồng thời đảm bảo an toàn cho chính người dân.

Ca nhiễm tăng đột biến, TP.HCM lập Trung tâm xét nghiệm COVID-19

Trong cuộc họp sáng 4/7 do Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu chủ trì, Sở Y tế TP.HCM đề xuất thành lập Trung tâm điều hành xét nghiệm COVID-19.

Theo đó, một Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đóng vai trò chỉ đạo chung. Phó Giám đốc Sở Y tế đóng vai trò quản lý chung. Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) chịu trách nhiệm cung ứng môi trường lấy mẫu, PPE (trang thiết bị bảo hộ cá nhân), vật tư tiêu hao, điều phối mẫu xét nghiệm về cơ sở xét nghiệm.

Các đơn vị hỗ trợ bao gồm các bệnh viện trên địa bàn có nhiệm vụ lấy mẫu cộng đồng. Các Trung tâm y tế quận, huyện, TP Thủ Đức có nhiệm vụ tổ chức lấy mẫu cộng đồng; lấy mẫu truy vết, tầm soát cộng đồng, mẫu khu cách ly; vận chuyển mẫu về cơ sở xét nghiệm, trong đó mẫu F1 trong vòng 2 giờ từ khi lấy mẫu, mẫu khác trong vòng 24 giờ từ khi lấy mẫu, theo TPO.

Các cơ sở xét nghiệm khẳng định COVID-19 có nhiệm vụ xét nghiệm cho các quận huyện được phân công phụ trách và theo điều phối của HCDC, trả kết quả. Trong đó, mẫu tầm soát cộng đồng trả kết quả trong 24 giờ từ khi lấy mẫu. Mẫu F1 trả kết quả trong 6-10 giờ từ khi nhận mẫu. Mẫu nghi nhiễm F1 trả kết quả trong 6-10 giờ kể từ khi nhận mẫu. Mẫu F2, người cách ly trả kết quả trong 24 giờ kể từ khi lấy mẫu.

(Tổng hợp)

AN LY