Việc đóng cửa các nhà máy ở Việt Nam khiến thị trường may mặc Hoa Kỳ rối loạn

Ngành may mặc Hoa Kỳ phải chịu tác động lớn do gián đoạn chuỗi cung ứng ở Việt Nam, nhất là khi các nhà bán lẻ không thể dự trữ hàng cho mùa lễ sắp tới.

Một loạt các công ty may mặc, bao gồm Nike, Gap, Urban Outfitters, Steve Madden và PVH, công ty mẹ của Calvin Klevin và Tommy Hilfiger, đã chứng kiến cổ phiếu của mình giảm trung bình khoảng 8% kể từ ngày 9/7, khi TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội vì số ca nhiễm COVID-19 tăng vọt. 

Tại các khu vực bị ảnh hưởng dịch bệnh ở Việt Nam, hầu hết các nhà máy vẫn đang ngừng hoạt động. Theo một phát ngôn viên của Hiệp hội Giày dép và Quần áo Hoa Kỳ, dự kiến cần ít nhất 1-2 tuần nữa các nhà máy mới có thể hoạt động trở lại.

Thoạt nhìn, sự điều chỉnh gần đây về giá cổ phiếu của các công ty may mặc có vẻ là một phản ứng thái quá của thị trường. Tuy nhiên, các nhà đầu tư có lý do chính đáng cho sự thận trọng này.

Việt Nam là dấu mốc quan trọng trong ngành công nghiệp may mặc Hoa Kỳ

Các thương hiệu may mặc chủ yếu dựa vào Việt Nam để sản xuất. Và Việt Nam cũng coi trọng các công ty Mỹ khi họ chuyển nguồn cung cứng ra khỏi Trung Quốc, để tránh tăng chi phí sản xuất và thuế quan.

Theo Hiệp hội Quần áo & Giày dép Hoa Kỳ, Việt Nam chiếm gần 1/3 sản xuất giày dép và 1/5 sản xuất hàng may mặc của Hoa Kỳ, tính theo giá trị USD. 

Cụ thể, hơn một nửa sản lượng giày dép của Nike được sản xuất tại Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam cũng chiếm khoảng 1/3 sản xuất của Gap và Lululemon.

nike.jpg
Thị phần giày dép mang nhãn hiệu Nike sản xuất tại Việt Nam.

Trước đó vào giữa tháng 8, một nhóm hơn 80 công ty giày và may mặc, bao gồm Nike và Gap, đã gửi thư cho Tổng thống Biden để thúc giục ông tăng tốc tài trợ vaccine COVID-19 cho Việt Nam. 

Sức khỏe của ngành công nghiệp may mặc Hoa Kỳ “phụ thuộc trực tiếp vào sức khỏe của ngành công nghiệp Việt Nam”, đại diện nhóm này cho biết trong bức thư.

Theo Janine Stichter, một nhà phân tích của Jefferies, các nhà máy ngừng hoạt động đúng vào thời điểm những người bán hàng may mặc thường bắt đầu dự trữ hàng cho mùa lễ hội trong năm. 

Bà Stichter cho biết, các vấn đề về chuỗi cung ứng đã được xây dựng trong suốt cả năm và sự bế tắc ở Việt Nam là điều tồi tệ nhất mà ngành công nghiệp may mặc gặp phải cho đến nay. 

Gián đoạn chuỗi cung ứng ở Việt Nam kéo theo sự rối loạn trong ngành may mặc

Theo báo cáo từ Cowen, ngay cả khi các nhà máy ở Việt Nam hoạt động trở lại, các đơn đặt hàng bị trì hoãn vẫn có khả năng phải “chất đống” và gây rối loạn cho các chuỗi cung ứng cũng như vận tải quốc tế”.

Do đó, việc bán hàng trong dịp lễ năm nay có thể xem là một "canh bạc" cho các nhà bán lẻ quần áo. Vì họ thường mua dự trữ trước một nửa số hàng trong kho và sau đó "đuổi theo" doanh số bán hàng, tùy thuộc vào mặt hàng nào bán chạy hơn.

Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 8, Victoria's Secret cho biết sẽ "khó hơn một chút" so với bình thường và họ sẽ giao khoảng 50-55% hàng hóa có xu hướng đặt trước khi bắt đầu mùa lễ.

det-may2.jpg
Ngành công nghiệp may mặc của Hoa Kỳ đã trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào các nhà máy của Việt Nam vì sản xuất ở Trung Quốc ngày càng đắt đỏ. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, Urban Outfitters cho biết họ sẽ giao hàng dự trữ sớm hơn bình thường, đồng thời cho biết thêm rằng họ đang cố gắng vận chuyển hầu hết các sản phẩm may mặc bằng đường hàng không để bù đắp tình trạng tắc nghẽn tại cảng. 

Những thương hiệu không nắm bắt được xu hướng này có thể bỏ lỡ mùa lễ năm nay.

Mặt khác, sự thiếu hụt hàng dự trữ cho các thương hiệu có trụ sở tại Hoa Kỳ có thể tạo điều kiện cho những thương hiệu ít phụ hơn vào châu Á về nguồn cung.

Nhà bán lẻ thời trang nhanh châu Âu Inditex, sở hữu Zara, có nguồn hàng chủ yếu từ Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Thổ Nhĩ Kỳ và Ma-rốc. Còn Canada Goose, thương hiệu quần áo mùa đông giá rẻ, sản xuất các sản phẩm của mình ở Canada. 

Những thương hiệu bán đồ cũ (secondhand) như thredUP và RealReal thì chỉ cần giải quyết việc vận chuyển trong nước. Các thương hiệu này cũng có thể hưởng lợi từ sự thiếu hụt trên toàn ngành, nếu khách hàng không thể tìm thấy thứ họ muốn ở các cửa hàng thông thường.

Làm thế nào để vượt qua thách thức trong chuỗi cung ứng?

Không giống như quần áo, các công ty giày dép dường như "dễ thở" hơn khi nói đến mùa lễ này.

Theo bà Stichter, các nhà bán lẻ giày dép có xu hướng đặt hàng trước 6 tháng so với thời gian 3 tháng mà những người bán quần áo thường làm.

Đây cũng là lý do giá cổ phiếu của cả Nike và Crocs đều tăng kể từ đầu tháng 7, mặc dù cả hai công ty này đều sản xuất nhiều ở Việt Nam.

Richard Johnson, CEO của Foot Locker, cho biết trong một cuộc họp báo vào tháng trước rằng, hầu hết các sản phẩm của họ dành cho mùa tựu trường, hơn nữa "đã về nước và sẽ có mặt trên thị trường" khi bắt đầu kỳ nghỉ lễ. 

mua-sam-cuoi-nam-mua-dich-covid-19.jpg
Người dân chọn mua hàng sale trong ngày Black Friday tại cửa hàng của hãng Macy ở New York, Mỹ ngày 27/11/2020. Ảnh: TTX

Crocs cho biết trong cuộc gọi thu thập thông tin vào tháng 7 rằng, công ty cảm thấy "thực sự thoải mái" về hàng dự trữ ngay cả khi có những bất ổn do đóng cửa nhà máy.

Một yếu tố khác giúp các công ty lớn vượt qua thách thức trong chuỗi cung ứng là quy mô của họ. Các công ty lớn với quy mô đặt hàng lớn hơn sẽ có khả năng được ưu tiên hơn các nhà cung cấp có năng lực hạn chế. 

Gap, công ty bán hàng may mặc trị giá khoảng 15 tỷ USD mỗi năm, đã nâng triển vọng cả năm của mình trong cuộc gọi thu nhập vào cuối tháng 8, bất chấp các vấn đề về chuỗi cung ứng. 

CEO của Gap, Sonia Syngal, cho biết “mối quan hệ lớn, hàng tỷ USD” của công ty với các nhà sản xuất giúp công ty có khả năng điều hướng sự gián đoạn nguồn cung tại Việt Nam.

Hiện tại, các nhà bán lẻ đã đưa ra mức giá đầy đủ cho các sản phẩm do lượng hàng dự trữ vẫn ở mức thấp. Trong những quý gần đây nhất, cả Abercrombie & Fitch và Gap đều ghi nhận ​​tỷ suất lợi nhuận gộp tốt nhất trong ít nhất một thập kỷ qua. 

Tuy nhiên, một số khoản tăng lợi nhuận có thể sẽ không còn trong những ngày lễ. Vì vận tải hàng không, cách vận chuyển mà các công ty sẽ dựa vào nhiều hơn để vượt qua sự chậm trễ của chuỗi cung ứng, đắt gấp khoảng 12 lần so với vận chuyển đường biển. Trước đây, sự chênh lệch này chỉ ở mức khoảng 5 lần.

AN DI