Việt Nam chưa cần phải quá lo lắng về an ninh lương thực

Việt Nam có nên dừng xuất khẩu gạo trong giai đoạn này hay không? Đây là chủ đề được bàn luận rất nhiều trong 2 ngày vừa qua.

Theo các phương tiện truyền thông đã đưa tin, ngày 24/3, Tổng cục Hải quan ra thông báo việc dừng thông quan các lô hàng gạo nhằm đảm bảo an ninh lương thực khi COVID-19 diễn biến phức tạp.

Trong văn bản gửi cuối ngày 24/3, Bộ Công Thương đề nghị Thủ tướng cho hoãn việc áp dụng dừng xuất khẩu gạo từ 0h ngày 24/3. Đề nghị này của Bộ Công Thương đưa ra trên cơ sở phản ánh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, chỉ trong vòng chưa đầy 24 giờ, Bộ Công Thương lại có công văn hỏa tốc gửi Thủ tướng đề nghị cho hoãn quyết định.

Hải quan cho biết từ 24/3 dừng thông quan các lô hàng gạo nhằm đảm bảo an ninh lương thực khi Covid-19 diễn biến phức tạp - Ảnh: Báo Dân trí.
Hải quan cho biết từ 24/3 dừng thông quan các lô hàng gạo nhằm đảm bảo an ninh lương thực khi Covid-19 diễn biến phức tạp - Ảnh: Báo Dân trí.

Hai đề nghị “tiền hậu bất nhất” trong cùng một khoảng thời gian ngắn như vậy, đã dấy lên những ý kiến trái chiều về việc Việt Nam có nên dừng xuất khẩu gạo trong giai đoạn này hay không.

Chưa cần quá lo ngại?

Trao đổi với Dân trí, chuyên gia nông sản Nguyễn Đình Bích cho rằng với sản lượng xuất khẩu hiện nay tuy có tăng nhưng chưa thể gọi là “đột biến”.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt 900.000 tấn, với kim ngạch 410 triệu USD, tăng 27% về lượng và 32% về giá trị so với cùng kỳ. Chỉ có riêng tại thị trường Trung Quốc, xuất khẩu gạo sang thị trường này 2 tháng đầu năm 2020 đột nhiên tăng tới 595% về lượng và 724% về kim ngạch.

Vị chuyên gia có cái nhìn lạc quan. Ông cho rằng, dù bị ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn nhưng tính đến thời điểm này sản lượng vẫn đảm bảo. Chưa cần phải quá lo lắng về an ninh lương thực.

Nếu giá tốt có thể tận dụng để đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp, nông dân bởi sau một vụ mùa là có thể bổ sung được lại lượng gạo nên chưa cần phải lo lắng về thiếu hụt lương thực ở Việt Nam thời gian này.

Thay vì cấm, nên chủ động đón "sóng" tăng giá

Nêu quan điểm về việc dừng xuất khẩu gạo, TS. Nguyễn Đức Thành, thành viên Liên Minh Chính sách Nông nghiệp Việt Nam cho rằng có phần “vội vã". Theo ông, Việt Nam nên bình tĩnh, chủ động với đợt sóng tăng giá, tăng lượng mua và xuất khẩu gạo theo làn sóng đó để thu lợi nhuận thay vì ra quyết định cấm.

Khủng hoảng gạo năm 2008 để lại bài học cay đắng - Ảnh: Báo Tiền Phong.
Khủng hoảng gạo năm 2008 để lại bài học cay đắng - Ảnh: Báo Tiền Phong.

Ông Nguyễn Đức Thành kể lại năm 2008, giá gạo thế giới tăng cao từ đầu năm, và đến khoảng tháng 4-5 thì giá tăng dữ dội (theo thống kê của GSO, chỉ trong 1 tháng (từ tháng 4 sang tháng 5), giá gạo trong nước đã tăng thêm 36%). 

Giá gạo thế giới cũng tăng chóng mặt và nguy cơ thiếu hụt gạo hiện hữu toàn cầu. Việt Nam đã vội vã đóng cửa thị trường xuất khẩu gạo để bảo vệ thị trường trong nước. Sau đó, cơn sốt gạo qua đi, mọi việc trở lại bình thường, thậm chí giá gạo lại xuống thấp theo các chu kỳ lên xuống của ngành hàng nông nghiệp.

“Giới kinh doanh đánh giá Việt Nam đã đánh mất một cơ hội xuất khẩu gạo với khối lượng lớn và giá rất tốt. Sau này, nhiều chuyên gia cũng đánh giá là ở Việt Nam, gạo là mặt hàng mà nguồn cung có thể được bổ sung sau 3-4 tháng, nên việc lo sợ quá mức về thiếu hụt nguồn cung đã dẫn tới việc đánh mất cơ hội cho cả người sản xuất lúa gạo (nông dân) lẫn các nhà xuất khẩu”, ông Thành nhận xét.

Ông Thành nhấn mạnh, gạo là một mặt hàng Việt nam có thể chủ động nguồn cung trong những chu trình 3-4 tháng, nên việc cầu lúa gạo thế giới đột ngột tăng cao, Việt Nam nên tranh thủ đón ít nhất là sóng đầu tiên.

Tức là theo ông Thành, Việt Nam nên bình tĩnh, chủ động với đợt sóng tăng giá, tăng lượng mua này và xuất khẩu gạo theo làn sóng đó để thu lợi nhuận. Giá cả và nhu cầu có thể tăng dần, thậm chí tăng mạnh, trong các tháng 4-5, chúng ta vẫn nên chủ động đi theo con sóng đó.

Không cần và không nên dừng xuất khẩu gạo

Xuất khẩu gạo đi Trung Quốc 2 tháng đầu năm 2020 - Ảnh: Thống kê Hải quan.
Xuất khẩu gạo đi Trung Quốc 2 tháng đầu năm 2020 - Ảnh: Thống kê Hải quan.

Bà Vũ Kim Hạnh, chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cũng đã có những chia sẻ đăng trên trang cá nhân của bà về việc xuất khẩu gạo.

Theo bà, con số Trung Quốc tăng nhập khẩu gạo tới 600% không có ý nghĩa. Mức tăng quá khủng nhưng nếu xem lại, năm 2019 họ giảm mức nhập gạo Việt Nam chỉ còn 8% tổng lượng nhập, đến tháng 1/2020, chỉ còn 5,4% thì đâu có gì phải lo: tăng nhập 600% cũng chỉ có 66.000 tấn, trị giá chừng 37 triệu USD.

Sản lượng gạo nước ta năm nào cũng dư 6-7 triệu tấn để xuất khẩu. Năm nay cũng vậy. Hạn, mặn làm giảm sản lượng lúa đông xuân nhưng ĐBSCL vào vụ Đông Xuân từ trước Tết nên tháng 2, 3 là đoạn cuối. Nhìn chung, vụ Đông Xuân 2019-2020 tuy thiệt hại nhưng tổng thể vẫn thu được nhiều lúa.

Lúa trong kho còn. Doanh nghiệp cần đảo kho, nông dân cần trả nợ ngân hàng, chuẩn bị vụ mới; lúa được giá, không thiếu gạo, và vụ hè thu chỉ 100 ngày nữa đã có lúa mới, sao đột nhiên dừng xuất khẩu gạo?

Có thông tin cấm xuất khẩu gạo là giá lúa rớt ngay lập tức và nước mắt nông dân rớt theo vì họ biết, rồi đây vụ Hè-Thu, giá lúa càng được đà rớt tiếp. Xem lượng gạo xuất đầu năm 2020, thấy thấp hơn những năm trước, và người làm lúa biết rằng, không xuất được mới đáng lo.

Ông Phạm Thái Bình, giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), tỏ ra bức xúc trước việc đột ngột "cấm" xuất khẩu gạo.

"Thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp khi không kịp trở tay. Hàng hóa đã đóng bao, in nhãn mác, đóng container đưa ra cảng chuẩn bị xuất khẩu rồi nằm đó thiệt hại ai chịu trách nhiệm. Hợp đồng đã ký với đối tác giờ không thể giao được phải đền bù, ảnh hưởng đến uy tín ai chịu trách nhiệm. Giá lúa ngay lập tức đã giảm xuống sau lệnh cấm xuất khẩu gạo, thiệt hại chính là người nông dân. Việt Nam không thiếu gạo xuất khẩu, lẽ ra nhân cơ hội thế giới đang cần thì phải khuyến khích xuất khẩu với giá cao", ông Bình cho biết.

Nông dân đang thu hoạch trong cảnh mất mùa, cấm xuất khẩu thì người bị thiệt hại trước mắt là nông dân - Ảnh: Vietnamnet.vn
Nông dân đang thu hoạch trong cảnh mất mùa, cấm xuất khẩu thì người bị thiệt hại trước mắt là nông dân - Ảnh: Vietnamnet.vn

Cũng theo ông Bình, quyết định tạm ngưng xuất khẩu gạo là chưa khảo sát tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp.

"Bài học cấm xuất khẩu gạo năm 2008 vẫn còn đó, chúng ta lỡ cơ hội xuất khẩu giá cao mà còn bị ảnh hưởng uy tín trong xuất khẩu các năm tiếp theo", ông Bình nói.

Theo ông Vũ Duy Hải - tổng giám đốc Công ty Vinacam, quyết định ngưng xuất khẩu gạo là quá đột ngột và không dựa vào những thông tin về mùa vụ và đánh giá cơ hội xuất khẩu của gạo Việt Nam khiến doanh nghiệp không thể trở tay kịp với "lệnh cấm" này khi hợp đồng đã ký và nguy cơ đền hợp đồng là rất lớn.

Ông Hải phân tích trong thời gian qua có hiện tượng gạo trong nước hút hàng bởi tâm lý lo lắng của người dân vì dịch bệnh. Theo đó, nhiều người tăng mua gạo để dự trữ trong nhà dẫn đến siêu thị hết hàng và đẩy mạnh mua từ các nhà cung cấp gạo.

"Nhưng dân mua nhiều thì gạo chỉ chuyển từ kho nhà máy vào nhà dân chứ gạo không mất đi. Người dân cũng không thể tăng tiêu thụ gạo lên gấp đôi ngày thường được do đó trong 5-6 tháng tới gạo sẽ giảm giá", ông Hải nói.

Đối với xuất khẩu, ông Hải cho rằng Bộ NN&PTNT cho biết Việt Nam có thể xuất khẩu 6,5 triệu tấn gạo trong năm nay. ĐBSCL đang thu hoạch rộ lúa đông xuân là nguồn cung quan trọng nhất của cả năm.

Theo ông Vũ Duy Hải - tổng giám đốc Công ty Vinacam, trong bối cảnh hiện tại thì phải khuyến khích xuất khẩu để tăng giá mua lúa cho nông dân - Ảnh minh họa.
Theo ông Vũ Duy Hải - tổng giám đốc Công ty Vinacam, trong bối cảnh hiện tại thì phải khuyến khích xuất khẩu để tăng giá mua lúa cho nông dân - Ảnh minh họa.

Người dân thời gian qua bị thiệt hại nặng nề do giá cả nông sản giảm sút, tình hình hạn mặn nghiêm trọng lẽ ra được bán lúa giá cao thì nay lại khó tiêu thụ nếu như doanh nghiệp ngưng mua vì không thể xuất khẩu.

"Lẽ ra trong bối cảnh hiện tại thì phải khuyến khích xuất khẩu để tăng giá mua lúa cho nông dân. Trong khi đó cần định hướng xuất khẩu gạo giá cao để tận dụng cơ hội thay vì ngưng xuất khẩu", ông Hải chia sẻ quan điểm.

Bài học về xuất nhập khẩu gạo vào năm 2008 vẫn còn nguyên đó. Trong khi Thái Lan mở kho xuất đi ào ào thì dân mình cay đắng chở gạo đi bán lẻ trước cổng các khu công nghiệp. Từ năm 2008 đến nay gạo VN luôn trong tình trạng thừa để xuất khẩu và xuất với giá cực rẻ.

Cấm xuất khẩu ngay bây giờ, khi mà nông dân đang thu hoạch trong cảnh mất mùa, thì người bị thiệt hại trước mắt là nông dân. Họ, đa số phải bán lúa tại ruộng để trả nợ đại lý vật tư nông nghiệp, trả nợ ngân hàng. Có người còn "bán lúa non", ăn trước trả sau.

AN LY (t/h)

Thủ tướng Chính Phủ: Yêu cầu tạm dừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo mới

Thủ tướng Chính Phủ: Yêu cầu tạm dừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo mới

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương rút kinh nghiệm trong việc tham mưu xuất khẩu gạo, chịu trách nhiệm đảm bảo cung ứng gạo cho nhân dân trong nước.