Nữ thiếu tá với giọng đọc “chạm đến trái tim” tại Lễ diễu binh lịch sử

Là một trong 4 người đọc thuyết minh tại Lễ diễu binh, chị cho biết bản thân tự hào khi được góp tiếng nói của mình vào khoảnh khắc lịch sử của dân tộc.

Giữa không khí trang nghiêm và hùng tráng của Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, một giọng đọc ấm áp, truyền cảm đã vang vọng, neo giữ cảm xúc của hàng triệu người theo dõi. Đó là giọng của Thiếu tá Trần Thị Ngọc Vũ, một trong bốn người làm nhiệm vụ thuyết minh tại sự kiện trọng đại này.

Thiếu tá Trần Thị Ngọc Vũ
Thiếu tá Trần Thị Ngọc Vũ

Giữa âm thanh rộn rã của tiếng trống và bước chân rầm rập của các khối quân, dân tiến qua lễ đài, giọng đọc của Thiếu tá Trần Thị Ngọc Vũ sinh năm 1992 cất lên trầm ấm, khi vang vọng, khi đầy cảm xúc, dẫn dắt người xem qua từng đội hình, từng câu chuyện lịch sử. Giọng nói ấy thực sự là một trong những "sợi dây" kết nối và dẫn dắt cảm xúc người xem trong suốt sự kiện kéo dài hàng giờ đồng hồ.

Sau buổi lễ, nữ thiếu tá cho biết bản thân đã "dành hết những gì tốt nhất cho buổi sáng" và dù giọng nói tạm bị ảnh hưởng, niềm vui và cảm xúc "khó tả" khi hoàn thành nhiệm vụ vẫn đong đầy. "Tôi chỉ là một cá nhân nhỏ bé trong tập thể lớn, góp một phần nhỏ công sức vào đại lễ quan trọng của đất nước," nữ thiếu tá tâm sự, "Tôi đã cố gắng hết khả năng của một người lính thế hệ trẻ".

Suýt được đi diễu binh, duyên với bục thuyết minh

Thiếu tá Quân nhân chuyên nghiệp Trần Thị Ngọc Vũ hiện đang công tác tại Nhà văn hóa, Phòng Tuyên huấn Quân khu 7. Chị là gương mặt quen thuộc trong vai trò MC, người đọc thuyết minh tại nhiều sự kiện của đơn vị và đã giành được không ít giải thưởng trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, ở tuổi 33, đây là lần đầu tiên chị đảm nhận vai trò thuyết minh cho một sự kiện cấp quốc gia quy mô lớn như Lễ kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam.

Ít ai biết rằng, với chiều cao 1m70 nổi bật, Thiếu tá Ngọc Vũ từng là một trong những ứng viên sáng giá được lựa chọn tham gia khối diễu binh. Chị đã miệt mài tập luyện suốt 2 tháng trong đội hình nữ Chiến sĩ Biệt động, được giao vị trí quan trọng là bảo vệ quân kỳ. Thế nhưng, một chấn thương rách sụn đầu gối bất ngờ đã buộc chị phải dừng bước trên thao trường diễu binh.

Cũng chính từ sự thay đổi tưởng như không mong muốn này, đơn vị đã cử chị ra Hà Nội tham gia vòng sơ tuyển giọng đọc. Quy trình tuyển chọn giọng thuyết minh cho đại lễ vô cùng khắt khe. Sau vòng sơ tuyển ban đầu, chỉ 8 người xuất sắc nhất được giữ lại (mỗi miền Bắc - Nam có 2 giọng nam, 2 giọng nữ) để bước vào giai đoạn luyện tập chuyên sâu.

Nữ thiếu tá với giọng đọc “chạm đến trái tim” tại Lễ diễu binh lịch sử

Từ ngày 3/3, họ tập trung tại Hà Nội, dành 7 tiếng mỗi ngày để rèn luyện. “Mỗi ngày như thế, chúng tôi luyện thanh, tập cho cột hơi thật khỏe, đọc tròn vành rõ chữ và đảm bảo không ai chênh phô, đọc với tông giọng quá cao hay quá thấp”, chị Vũ kể lại về những ngày tháng miệt mài trên sàn tập.

Để giữ gìn "vốn quý" là giọng nói trong suốt hơn 2 tháng luyện tập căng thẳng, cả tổ thuyết minh tuân thủ kỷ luật nghiêm ngặt: tuyệt đối không dùng nước đá hay đồ lạnh, thường xuyên súc miệng bằng nước muối ấm và ngậm kẹo giữ ấm cổ. "Cả nhóm xác định rõ chỉ có một cơ hội để cất giọng trong sự kiện đặc biệt này nên ai cũng cố gắng hết mình”, Thiếu tá Vũ chia sẻ. Chị cũng cho biết cả nhóm "ngủ sớm, hạn chế tối đa những yếu tố có thể ảnh hưởng đến giọng nói".

Nghẹn ngào khi giới thiệu khối nữ Biệt động

Khoảnh khắc ngồi trước micro vào sáng 30/4 là sự pha trộn của "hồi hộp, xúc động và vinh dự sâu sắc". Giữa biển người và không khí trang nghiêm, hùng tráng của đại lễ, Thiếu tá Ngọc Vũ dồn hết tâm huyết vào từng câu chữ, từng nhịp đọc.

Khoảnh khắc khiến chị xúc động nhất, không kìm được sự nghẹn ngào, là khi giới thiệu về khối nữ Chiến sĩ Biệt động, chính là đội hình mà chị từng miệt mài luyện tập và suýt được đứng trong hàng ngũ. "Khi đó, tôi như sống lại khoảnh khắc bước đi cùng đồng đội, cảm xúc dâng lên nghẹn ngào", chị bộc bạch.

Chia sẻ về những người truyền cảm hứng cho mình, Thiếu tá Vũ bày tỏ sự ngưỡng mộ sâu sắc với các giọng đọc huyền thoại như NSƯT Kim Tiến, người gắn liền với câu nói kinh điển "Đây là Đài Tiếng nói Việt Nam...". Chị tâm sự: “Trước đây, các cô đọc với tinh thần truyền tải hết những cảm xúc, hân hoan chiến thắng của dân tộc thì giờ đây, tôi học hỏi các cô để truyền tải tình cảm, tự hào dân tộc để làm phần thuyết minh sáng 30/4 tốt hơn”.

Gửi gắm lời khuyên đến những người trẻ, đặc biệt là các bạn nữ đang theo đuổi con đường binh nghiệp hoặc công việc liên quan đến truyền thông, Thiếu tá Trần Thị Ngọc Vũ nhắn nhủ: "Ai cũng có ước mơ, hoài bão và con đường riêng để đi. Dù chọn nghề gì, làm ở đâu, hãy luôn giữ tinh thần yêu nước, sống hết mình với những điều mình yêu thích".

Chị cũng khích lệ các bạn trẻ "Hãy đi đến những nơi mình muốn đến, làm điều mình tin là đúng, nhưng đừng quên mang theo bản sắc Việt Nam. Đó là cách để bạn bè quốc tế thấy được người Việt rất tình cảm, hiếu khách và chân thành".

TM (T/H)

Cận cảnh các khối nữ diễu binh, diễu hành chào mừng Đại lễ 30/4

Cận cảnh các khối nữ diễu binh, diễu hành chào mừng Đại lễ 30/4

Sau nhiều tháng tập luyện gian khổ ngoài thao trường, những "bông hồng thép" trong khối diễu binh, diễu hành đã có những bước chân uy lực, đều tăm tắp trên đường phố TP.HCM sáng ngày 30/4.