Ashmita Kumar, cô nữ sinh với startup đột phá nhận diện đột quỵ sớm qua điện thoại

Bằng cách tích hợp công nghệ giám sát vào các thiết bị thông minh quen thuộc hàng ngày, startup của Kumar mở ra bước đột phá trong điều trị đột quỵ.

Ashmita Kumar, một nữ sinh năm ba đầy nhiệt huyết ngành Kỹ thuật Điện và Khoa học Máy tính tại Đại học California, Berkeley, đang đi tiên phong trong việc phát triển một giải pháp công nghệ có tiềm năng cứu sống hàng ngàn người mỗi năm.

Startup "Code Blue" của cô, với sự kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo (AI) và các thiết bị quen thuộc như điện thoại thông minh, máy tính, hứa hẹn sẽ trở thành "người canh gác" thầm lặng, phát hiện sớm những dấu hiệu của đột quỵ, ngay cả trước khi bệnh nhân nhận ra.

Ashmita Kumar
Ashmita Kumar

Sự ra đời của “Code Blue” bắt nguồn từ những trải nghiệm ám ảnh của chính bản thân Kumar. Năm lên 8 tuổi, cô đã chứng kiến ông nội mình đột ngột mất đi khả năng đi lại và giao tiếp sau một cơn đột quỵ. Ông đã không nhận ra các dấu hiệu cảnh báo sớm như mặt bị xệ hay nói ngọng, dẫn đến việc chậm trễ tìm kiếm sự trợ giúp y tế và để lại hậu quả nặng nề. Nỗi lo lắng đó lại trỗi dậy vào năm 2021 khi cha cô, người có tiền sử gia đình về nguy cơ đột quỵ, cũng bất ngờ có triệu chứng tương tự.

"Một nửa khuôn mặt của cha tôi bắt đầu chảy xệ," Kumar nhớ lại. "Cả hai chúng tôi đều nhận ra dấu hiệu, nhưng cha tôi lại ít ý thức hơn về tầm quan trọng của việc phải đi cấp cứu ngay lập tức". May mắn thay, đó không phải là một cơn đột quỵ, nhưng sự việc đã khắc sâu trong tâm trí Kumar câu hỏi: "Liệu có cách nào dùng chính những thiết bị chúng ta sở hữu để phát hiện sớm đột quỵ và tìm kiếm sự giúp đỡ không?".

Câu hỏi đó đã trở thành kim chỉ nam cho sự ra đời của Code Blue, một startup ứng dụng trí tuệ nhân tạo, sử dụng camera và micro trên điện thoại di động, máy tính và các thiết bị thông minh, để nhận diện các dấu hiệu sớm của đột quỵ ngay cả khi người đó chưa nhận ra. Code Blue cũng có thể cảnh báo người dùng, gọi cấp cứu ngay khi phát hiện bất thường giúp giảm thiểu những ảnh hưởng tàn khốc do chậm trễ điều trị.

“Mọi người hiện nay đều có điện thoại thông minh hay máy tính, đặc biệt là sau Covid-19. Vậy tại sao chúng ta không tận dụng những thiết bị hiện có như một cách đảm bảo rằng chúng ta có thể nhận được sự điều trị kịp thời khi cần?”, Kumar cho biết.

Ý tưởng của Kumar nhanh chóng thu hút sự quan tâm của cộng đồng công nghệ và y tế. Khi trình bày tại hội nghị đổi mới năm 2023, cô và nhóm Code Blue nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ các nhà đầu tư và chuyên gia, những người đã chia sẻ rằng công nghệ này có thể đã cứu sống người thân của họ nếu được phát triển sớm hơn.

"Sau khi nghe tất cả những điều đó, chúng tôi biết mình nợ mọi người việc phải cố gắng hết sức và xây dựng nó", Kumar chia sẻ.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), cứ 3 phút lại có một người tử vong do đột quỵ, và hơn 795.000 người Mỹ mắc căn bệnh này mỗi năm. Tuy nhiên, những bệnh nhân được cấp cứu trong vòng 3 giờ đầu kể từ khi có triệu chứng đầu tiên có tỷ lệ hồi phục tốt hơn đáng kể. Dù AI đã được sử dụng trong các bệnh viện để phân tích hình ảnh chụp não, nhưng vấn đề cốt lõi vẫn chưa được giải quyết: làm thế nào để bệnh nhân và người thân nhận ra dấu hiệu đột quỵ từ sớm?

Và Code Blue chính là lời giải. Khi được cài đặt trên điện thoại, máy tính hoặc TV, cứ mỗi 30 giây, ứng dụng sẽ quét khuôn mặt và phân tích giọng nói người dùng để phát hiện bất thường như nói ngọng hoặc biểu cảm không cân xứng.

"Ý tưởng là bạn cài đặt nó và hãy quên nó đi", Kumar giải thích. Nếu phát hiện dấu hiệu đáng ngờ, chương trình sẽ ngay lập tức cảnh báo người dùng. Quan trọng hơn, nó còn có khả năng tự động thông báo cho dịch vụ cấp cứu, cung cấp thông tin ban đầu rằng bệnh nhân có thể đang bị đột quỵ, giúp đội ngũ y tế đưa ra quyết định nhanh chóng và chuyển bệnh nhân đến cơ sở điều trị phù hợp.

Vấn đề bảo mật dữ liệu cũng được đặt lên hàng đầu. Kumar khẳng định: "Không có hình ảnh hay dữ liệu giọng nói nào được lưu trữ. Hệ thống chỉ phân tích các mẫu hình (patterns) và xóa dữ liệu gốc ngay lập tức để bảo vệ quyền riêng tư".

Ashmita Kumar giành giải thưởng với Code Blue trong Cuộc thi Ý tưởng lớn của Trung tâm Blum.
Ashmita Kumar giành giải thưởng với Code Blue trong Cuộc thi Ý tưởng lớn của Trung tâm Blum.

Hiện tại, Kumar đang hợp tác cùng nhóm bác sĩ tại UC San Francisco (UCSF) để thử nghiệm chương trình trên bệnh nhân thực tế với kế hoạch mở rộng lên 100 người tham gia. Đồng thời, nhóm của cô cũng đang xin phê duyệt từ FDA để đưa Code Blue vào sử dụng rộng rãi, tương tự như cách Apple Watch theo dõi nhịp tim.

Hành trình khởi nghiệp của Kumar nhận được nhiều sự hỗ trợ từ hệ sinh thái khởi nghiệp của trường. Kể từ lần trình bày ý tưởng ban đầu vào năm 2023, Kumar đã khai thác một số chương trình của UC Berkeley để giúp các sinh viên có tinh thần kinh doanh ra mắt công ty và tạo ra sản phẩm thực tế từ ý tưởng của họ.

Cô đã tham gia các cuộc thi tại Trung tâm Khởi nghiệp và Công nghệ Sutardja của trường và là người chiến thắng giải thưởng lớn năm ngoái trong Cuộc thi Ý tưởng lớn của Trung tâm Blum. Cô cũng đã tham dự nhiều chương trình ươm mầm khởi nghiệp như UC Launchathon và SkyDeck Pad-13, cũng như trải qua trại huấn luyện I-Corps của Quỹ Khoa học Quốc gia (NSF), nơi giúp các nhà khoa học và kỹ sư học cách thương mại hóa.

Mới đây, ngày 2 tháng 4, Ashmita Kumar đã tiếp tục mang Code Blue tranh tài tại Giải thưởng Sáng tạo Atlantic Coast Conference (ACC InVenture Prize), cạnh tranh với các nhà khởi nghiệp trẻ tài năng khác trên toàn quốc.

Nhìn lại chặng đường đã qua, Kumar khẳng định: “Nếu tôi không học tại Berkeley, có lẽ mọi thứ đã không thể xảy ra”. Với sự quyết tâm và tài năng của mình, Ashmita Kumar không chỉ tạo ra một công nghệ đột phá mà còn mang đến hy vọng cho hàng triệu bệnh nhân đột quỵ trên toàn thế giới.

Minh Nguyễn (theo UCBerkeley News)

Nghiên cứu đột phá mở ra hy vọng hồi phục cho bệnh nhân đột quỵ

Nghiên cứu đột phá mở ra hy vọng hồi phục cho bệnh nhân đột quỵ

Các nhà khoa học đã tìm ra loại thuốc giúp bệnh nhân đột quỵ khôi phục lại khả năng vận động mà không cần vật lý trị liệu.