Một nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học quốc tế, với sự tham gia của Cơ quan Khoa học và Công nghệ Biển-Trái Đất Nhật Bản (JAMSTEC), đã cho thấy một thực trạng đáng lo ngại khi các hạt vi nhựa không chỉ trôi nổi trên bề mặt mà còn hiện diện ở mọi độ sâu của đại dương, từ vùng nước nông ven bờ cho đến những vực sâu nhất.
![]() |
Nghiên cứu đột phá này đã dựa trên dữ liệu đồ sộ được thu thập từ khoảng 1.900 điểm lấy mẫu trên khắp thế giới trong suốt một thập kỷ (giai đoạn 2014-2024). Các điểm khảo sát trải rộng trên các vùng biển quan trọng như Bắc Đại Tây Dương, Bắc Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, mang đến bức tranh toàn cảnh về sự phân bố của vi nhựa trong môi trường biển.
Kết quả phân tích cho thấy sự khác biệt rõ rệt về nồng độ vi nhựa giữa các khu vực. Tại vùng cửa sông và ven biển, lượng vi nhựa cao vượt trội so với vùng xa bờ, với nồng độ trung bình cao hơn tới 30 lần. Các nhà khoa học nhận định, một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các sinh vật biển nhỏ như thực vật phù du có xu hướng bám vào các hạt vi nhựa, khiến chúng nặng hơn và nhanh chóng chìm xuống, lưu lại ở các khu vực gần bờ.
Đáng chú ý, nhóm nghiên cứu còn phát hiện mối tương quan giữa kích thước của hạt vi nhựa và độ sâu phân bố của chúng. Những hạt có kích thước siêu nhỏ, chỉ từ 1 đến 100 micromet (1−100μm), cho thấy khả năng trôi nổi lâu hơn và được tìm thấy phân bố rộng khắp trong cột nước, từ mặt biển cho đến độ sâu khoảng 5.000 mét. Trong khi đó, các hạt lớn hơn, dao động từ 100 micromet (100μm) đến 5 milimet (5mm), chủ yếu tập trung gần mặt biển hoặc đã chìm hẳn xuống đáy đại dương.
Ông Xie Zhao, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tác động môi trường sinh vật biển của JAMSTEC, nhận định đại dương đang dần trở thành một kho chứa vi nhựa khổng lồ.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng thừa nhận những thách thức trong việc đánh giá chính xác toàn cảnh vấn đề do sự khác biệt về phương pháp phân tích vi nhựa giữa các phòng thí nghiệm trên thế giới. Vì vậy, mục tiêu trong thời gian tới của họ là xây dựng một phương pháp khảo sát và phân tích chuẩn hóa nhằm nâng cao độ chính xác của dữ liệu và đưa ra những đánh giá đáng tin cậy hơn.
Việc vi nhựa hiện diện phổ biến ở mọi tầng nước biển và nguy cơ bị sinh vật biển hấp thụ trực tiếp đang gióng lên hồi chuông báo động, tiềm ẩn những hậu quả nghiêm trọng đối với sự cân bằng và sức khỏe của hệ sinh thái biển toàn cầu.
Vi nhựa đang làm giảm khả năng quang hợp của thực vật
Tình trạng này không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế mà còn là mối lo ngại cho an ninh lương thực toàn cầu.