![]() |
Ảnh minh họa: ITN |
Trong xã hội hiện đại, nhiều bậc phụ huynh từng trải qua tuổi thơ gian khó, thiếu thốn vật chất và cơ hội phát triển, nên khi có điều kiện, họ luôn mong muốn bù đắp cho con cái. Câu nói quen thuộc: "Ngày xưa mình khổ rồi, giờ con phải được hưởng những điều tốt nhất!" xuất phát từ tình yêu thương vô bờ bến và khát khao mang lại cuộc sống đầy đủ, an toàn cho thế hệ kế tiếp.
Tuy nhiên, ranh giới giữa tình yêu thương và sự bao bọc thái quá là rất mong manh. Và đáng tiếc, không ít phụ huynh đã bước qua ranh giới đó mà không nhận ra. Họ trao cho con cái mọi thứ: từ đồ chơi, quần áo, thiết bị điện tử đến việc dọn dẹp, học tập, giải quyết xung đột… Cha mẹ can thiệp vào mọi tình huống, che chắn mọi nguy cơ, và dần biến con trẻ thành những “búp bê thủy tinh” đẹp đẽ nhưng mong manh, không thể tự đứng vững giữa đời.
Lớn lên trong vòng tay quá ấm áp, nhiều đứa trẻ không có cơ hội đối diện với khó khăn, điều kiện cần thiết để hình thành bản lĩnh sống. Khi mọi nhu cầu đều được đáp ứng tức thì, trẻ dễ hình thành tâm lý ỷ lại, trở nên thụ động và thiếu động lực nội tại để vươn lên.
Khi bước chân vào đời, môi trường không khoan nhượng và đầy thử thách, những “đứa trẻ vàng” ngày nào lại trở nên lạc lõng. Họ thiếu kỹ năng cơ bản để tự chăm sóc bản thân, không biết cách giải quyết vấn đề, dễ bị tổn thương trước những va vấp đầu đời. Kết quả, thay vì trở thành những người tự chủ, họ tiếp tục quay về phụ thuộc vào cha mẹ với những lời kêu cứu quen thuộc: "Bố mẹ ơi, con không biết phải làm gì!", "Cho con tiền!", "Giúp con với!".
Thực tế cho thấy, một số cha mẹ từng không tiếc công sức, tiền của để mang đến cho con mọi điều tốt đẹp, nhưng cuối đời lại đối diện nghịch cảnh: sức khỏe suy giảm, thu nhập không còn, mà con cái thì vẫn chưa thể tự lo cho bản thân, thậm chí trở thành gánh nặng cả về vật chất lẫn tinh thần.
Trong tình huống ấy, nhiều người mới nhận ra rằng, điều tốt nhất từng nghĩ cho con (sự đủ đầy, bao bọc tuyệt đối) lại chính là điều tệ nhất cho hành trình trưởng thành của con mình. Họ thấm thía rằng, khả năng tự lập, kỹ năng sống, bản lĩnh đối mặt với nghịch cảnh mới là của hồi môn quý giá nhất mà cha mẹ có thể trao tặng.
Trái ngược với hình mẫu “gà mẹ che chở”, nhiều phụ huynh lựa chọn cách giáo dục thực tế và bền vững hơn: để con va chạm, thất bại, học hỏi qua trải nghiệm. Họ không sợ con phải “khổ” một chút, “thiếu” một chút, vì chính trong sự chưa hoàn hảo đó, con mới học được cách cố gắng và trưởng thành.
Những đứa trẻ được khuyến khích tự lập từ sớm, làm việc nhà, tự quyết định trong phạm vi phù hợp với lứa tuổi, được cha mẹ đồng hành thay vì làm thay, thường phát triển khả năng thích ứng tốt hơn, có nội lực mạnh hơn và tự tin hơn khi bước vào đời. Khi đó, dù môi trường sống có thay đổi, con vẫn có thể đứng vững và chủ động định hướng tương lai của mình.
Làm cha mẹ, ai cũng muốn dành cho con những gì tốt đẹp nhất. Nhưng có lẽ, định nghĩa “tốt nhất” không nên là sự cung cấp vật chất vô điều kiện, hay giải quyết thay con mọi vấn đề. Thay vào đó, hãy nghĩ đến những giá trị lâu dài khả năng tự lập, kỹ năng sống, sự đồng cảm, tinh thần vượt khó. Đó mới là món quà bền vững, giúp con vững vàng trước mọi sóng gió cuộc đời.
Năm kiểu nuôi dạy con độc hại và hệ lụy
Nuôi dạy con là một hành trình đầy thử thách. Tuy nhiên, một số phương pháp sai lầm có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý và tương lai của trẻ.