Việt Nam có 64 ca dương tính COVID-19, TP.HCM không ghi nhận ca nhiễm mới

Bản tin sáng 9/6 của Bộ Y tế cho biết, Việt Nam có thêm 64 ca dương tính COVID-19, bao gồm 23 ca nhập cảnh cách ly ngay và 41 ca trong nước.

Cụ thể: Bắc Giang là 24 ca, Bắc Ninh là 17 ca, tất cả đều được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.

Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có tổng cộng 7.614 ca ghi nhận trong nước và 1.608 ca nhập cảnh. Trong đó, số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 6.044 ca, số ca tử vong 55, số ca chữa khỏi 3.549 ca.

Có 16 tỉnh (Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk, Nam Định, Hòa Bình, Tuyên Quang, Phú Thọ, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa) đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới.

Số lượng xét nghiệm từ 29/4/2021 đến nay đã thực hiện 1.784.306 mẫu cho 3.763.592 lượt người.

Tính đến 16h ngày 7/6/2021, tổng cộng đã thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt 1 và 2 tại các tỉnh/TP với 1.354.856 liều. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 là 42.115 người.

xetnb.jpg

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 9/6 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 174.709.452 ca nhiễm COVID-19 gây bệnh COVID-19, trong đó có 3.761.073 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 336.651 và 8.887 ca tử vong mới.

Trong 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với COVID-19 nhiều nhất thế giới gồm: Ấn Độ (91.227 ca), Brazil (51.317 ca) và Argentina (31.137 ca); Ấn Độ cũng dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 2.213 ca), tiếp theo là Brazil (2.178 ca) và Argentina (721 ca).

Tại Đông Nam Á, trong ngày ghi nhận 19.988 ca, trong đó: Indonesia tăng 6.294 ca, Malaysia tăng 5.566 ca, Philippines tăng 4.777 ca, Thái Lan tăng 2.662 ca, Campuchia tăng 678 ca, Singapore tăng 9 ca, Lào tăng 2 ca.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo về việc các nước mua vaccine ngừa COVID-19 với mức giá đắt do qua trung gian, đồng thời khuyến cáo rằng các nước chỉ nên mua các loại vaccine được WHO chứng thực và có nguồn gốc rõ ràng. 

WHO cho rằng các nước nên mua trực tiếp từ nhà sản xuất hoặc liên hệ với nhà sản xuất để đảm bảo bên trung gian là hợp pháp, trong bối cảnh có nhiều sản phẩm ngừa COVID-19 giả hoặc không đạt chuẩn đang được chào bán.

WHO khuyến nghị các nước sử dụng những vaccine ngừa COVID-19 đã được tổ chức này phê duyệt sử dụng khẩn cấp. Đến nay, những loại vaccine đã được WHO đưa vào danh sách này gồm vaccine do các hãng Sinopharm và Sinovac, AstraZeneca/Oxford, Pfizer/BioNTech,  Moderna, Johnson & Johnson sản xuất.

HẢI MY