Ngày 28 và 29/11, tại Hải Phòng, Cục Dân số (Bộ Y tế) và Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) tổ chức tập huấn cập nhật thông tin cho báo chí trong cách thức truyền thông về lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới.
Bà Hoàng Thị Thơm, phó cục trưởng Cục Dân số, Bộ Y tế cho biết theo dự báo của Tổng cục Thống kê nếu mức độ mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn cao như hiện nay thì Việt Nam sẽ dư thừa 1,5 triệu nam giới vào năm 2034 và tăng lên 2,5 triệu vào năm 2059.
Hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh bắt đầu xuất hiện từ năm 2006 với tỷ số giới tính khi sinh đạt 109,8 bé trai/100 bé gái và liên tục gia tăng. Đến nay, tỷ lệ vẫn duy trì ở mức trên 112. Mức này cao hơn mức sinh học tự nhiên (103-106 bé trai/100 bé gái). Đặc biệt, tại các tỉnh Đồng bằng sông Hồng như Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, con số này còn lên đến 120 bé trai/100 bé gái.
Bà Hoàng Thị Thơm, phó cục trưởng Cục Dân số, Bộ Y tế chia sẻ tại chương trình tập huấn - Ảnh: D.L. |
Những hệ lụy khi tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam tiếp tục gia tăng và không được kiểm soát có thể là sự ảnh hưởng về xã hội, kinh tế, thậm chí cả an ninh chính trị. Vị thế và vai trò của người phụ nữ ngày càng bị hạ thấp, phụ nữ còn trở thành hàng hóa của nạn buôn bán người và mại dâm.
Theo bà Hoàng Thị Thơm tình trạng này phản ánh sâu sắc định kiến giới tồn tại lâu đời trong xã hội. Văn hóa "trọng nam khinh nữ," cùng quan niệm nam giới là người nối dõi tông đường, đã tạo ra áp lực lớn đối với các gia đình.
Để giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, Việt Nam cần áp dụng các biện pháp can thiệp như hỗ trợ nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, thực hiện chính sách về bình đẳng giới, không lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức.
Phó Cục trưởng Cục Dân số Hoàng Thị Thơm nhấn mạnh: “Cần có sự phối hợp đồng bộ giữa chính sách, truyền thông và sự chung tay của xã hội để thay đổi chuẩn mực văn hóa, đồng thời hỗ trợ nâng cao vị thế phụ nữ. Chỉ khi mỗi cá nhân và cộng đồng nhận thức được giá trị bình đẳng của trẻ em gái và trẻ em trai, vấn nạn mất cân bằng giới tính khi sinh mới có thể được kiểm soát".
Bà Hà Thị Quỳnh Anh - chuyên gia cao cấp về giới và nhân quyền UNFPA nhận định, việc mất cân bằng giới tính gây ra tình trạng "thừa nam thiếu nữ", từ đó làm gia tăng áp lực hôn nhân, nạn buôn bán phụ nữ, mại dâm và bạo lực tình dục. Đồng thời, nó làm suy giảm vai trò, vị thế của phụ nữ trong xã hội, đẩy họ vào tình thế dễ bị tổn thương hơn, làm biến đổi cấu trúc nhân khẩu học, tạo thách thức lớn trong việc đảm bảo lực lượng lao động, phát triển hệ thống an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe.
Bất bình đẳng giới trong luyện tập: Phụ nữ chỉ dành thời gian cho bản thân khi không còn ai cần chăm sóc nữa?
Các chuyên gia cho rằng phần lớn phụ nữ có xu hướng ưu tiên sức khỏe của người khác hơn của mình.