Việt Nam có thể tận dụng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung để vươn lên thành một nước kinh tế phát triển

Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc kéo dài suốt 8 tháng qua, đang đem đến nhiều cơ hội cho Việt Nam vươn lên thành một nền kinh tế phát triển, theo TTXVN.

Đây cũng là nội dung bài viết của Bennett Murray trên trang Foreign Policy mới đây.

Tác giả Murray đã trích dẫn lại báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam mới đây cho thấy khoản vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2019 đã tăng đột biến (gần 70%) so với cùng thời điểm năm 2018 và là mức tăng cao nhất kể từ năm 2015.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, mức tăng này có được phần lớn là do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung khiến nhiều công ty của Mỹ và nhiều quốc gia quan ngại về việc đầu tư vào Trung Quốc. Trong khi đó, Việt Nam nổi lên mạnh mẽ trong những năm gần đây, khiến nhiều nhà đầu tư quốc tế tính toán tới việc di chuyển xuống phía Nam khi những bất đồng giữa Bắc Kinh và Washington trong vấn đề thương mại vẫn chưa được tháo gỡ. 

Bài viết đề cập đến những dự báo về triển vọng phát triển tích cực của kinh tế Việt Nam, theo đó, kinh tế Việt Nam sẽ có thể tiếp tục đà phát triển mạnh mẽ, đặc biệt sau khi Foxconn, gã khổng lồ trong sản xuất công nghệ của Đài Loan (Trung Quốc) cân nhắc chuyển một phần lớn lượng sản xuất công nghệ cao sang các nhà máy tại Việt Nam. 

Bài viết cũng đề cập đến những thách thức của Việt Nam trong bối cảnh đó, như hệ thống thuế đòi hỏi cần cải thiện, trong khi cơ sở hạ tầng tại Việt Nam vẫn còn những hạn chế nhất định. Bài viết nhận định nhu cầu về nhân công tay nghề cao sẽ là vấn đề đặt ra với Việt Nam nếu như tốc độ tăng trưởng quá nhanh này tiếp tục diễn ra và không có biện pháp đào tạo kịp thời, hợp lý.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khẳng định những vấn đề trên sẽ không cản trở được đà tăng trưởng của Việt Nam, một trong những quốc gia đang phát triển có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Hệ thống cơ sở hạ tầng và chất lượng lao động tại Việt Nam sẽ có thể sớm bắt kịp yêu cầu cao trong tình hình mới.

Ngay chính Việt Nam cũng rất muốn thu hút những ngành công nghiệp công nghệ cao trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới. 

Bài viết cũng đã liệt kê một loạt lợi thế của Việt Nam như chi phí nhân công thấp, hay Việt Nam có kênh thương mại tự do thông qua các Hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng 10 quốc gia khác trong đó có Nhật Bản, Canada và Australia (những quốc gia có nền kinh tế phát triển rất mạnh mẽ). 

Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam có thể duy trì và tiếp tục quỹ đạo đi lên như hiện nay để vươn lên thành một nước kinh tế phát triển...Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài nên tăng cường nghiên cứu về tiềm năng của quốc gia Đông Nam Á này.

CHẤN HƯNG (t/h)

theo Tin 24h