Dù Việt Nam chưa ghi nhận ca nhiễm đậu mùa khỉ nhưng các chuyên gia y tế cảnh báo, nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập vào nước ta rất lớn. Trong khi đó, các dịch bệnh như Covid-19, sốt xuất huyết, cúm A, tay chân miệng cũng đang gia tăng tại một số vùng, miền.
GS-TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết cùng với việc tăng cường giám sát tại các cửa khẩu, Bộ Y tế cũng đề nghị các cơ sở y tế chú ý các dấu hiệu lâm sàng để phát hiện và cách ly kịp thời ca bệnh. Theo ông Lân, Bộ Y tế đang xây dựng các kịch bản để khi có ca bệnh thì không bị động, đồng thời Việt Nam đã kích hoạt Trung tâm Đáp ứng dịch khẩn cấp và hằng tuần sẽ họp để thu thập thông tin nhằm thảo luận, đánh giá các nguy cơ và có biện pháp ứng phó.
Những ngày qua, dịch Covid-19 liên tục gia tăng, trung bình tăng từ 100- 300 ca/ngày. Trong tháng 7/2022, có nhiều ngày liên tiếp, số ca mắc mới trên cả nước ghi nhận hơn 1.000 ca/ngày, thậm chí ngày 29/7 cả nước ghi nhận 1.803 ca.
Bác sĩ Nguyễn Thu Hường, Bệnh viện Thanh Nhàn (TP Hà Nội), cho biết vấn đề đáng lo ngại nhất ở thời điểm này là đã có hiện tượng "dịch chồng dịch" bởi tại đây đã tiếp nhận bệnh nhân rất nguy kịch khi mắc đồng thời cả Covid-19 và sốt xuất huyết (SXH).
Theo Bộ Y tế, các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng tiếp tục xuất hiện hoặc tiến hóa, đồng thời sẽ làm giảm miễn dịch theo thời gian và có thể khiến dịch bệnh bùng phát trở lại.
Cũng trong thời gian này, dịch bệnh sốt xuất huyết đang ghi nhận số ca mắc tăng cao, nhất là tại khu vực miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên.
Ngày 10-7, Bộ Y tế có văn bản hỏa tốc về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành. Theo Bộ y tế, dịch bệnh sốt xuất huyết đang gia tăng mạnh ở nhiều tỉnh, thành phố và sớm hơn năm 2021 do điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển.
Có một số vấn đề tồn tại như: tại các hộ gia đình, nhiều ổ lăng quăng (bọ gậy) không được xử lý; chỉ số mật độ muỗi và bọ gậy vượt ngưỡng, công tác truyền thông chưa được đẩy mạnh; thiếu hóa chất, trang thiết bị, dịch truyền cao phân tử phục vụ công tác phòng, chống sốt xuất huyết.
Trong hơn hai năm tập trung nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19, đội ngũ cán bộ y tế dự phòng và cán bộ điều trị chưa được tập huấn, tập huấn lại, đặc biệt tại các cơ sở y tế tư nhân về bệnh dịch sốt xuất huyết.
Dự báo số mắc COVID-19 và sốt xuất huyết thời gian tới có thể tiếp tục tăng và bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 124.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết và hàng chục ca tử vong, số ca mắc tăng gần 150% so với cùng kỳ năm 2021. Tính đến ngày 27/7, riêng TPHCM đã ghi nhận 16 ca tử vong vì sốt xuất huyết trong tổng số hơn 32.000 ca mắc.
Ở phía Bắc, các ca bệnh sốt xuất huyết chủ yếu ghi nhận tại các tỉnh, thành đồng bằng như Hà Nội, Nam Định, Hải Dương…
Ngoài ra, dịch bệnh tay chân miệng cũng ghi nhận nhiều ca nhiễm. Khu vực phía bắc nước ta đang ghi nhận nhiều ca mắc cúm. Trong đó, Quảng Ninh ghi nhận khoảng 1.200 ca cúm, Hà Nội ghi nhận khoảng 2.600 cúm.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ, ông Nguyễn Lương Tâm Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho rằng, nguy cơ dịch chồng dịch sẽ phụ thuộc vào "phương án tác chiến" của Ban chỉ đạo phòng chống dịch của từng địa phương.
Các chuyên gia y tế nhận định thời gian tới, cùng với số ca mắc Covid-19, sốt xuất huyết thì bệnh cúm có xu hướng gia tăng. Với từng dịch, Bộ Y tế đã đề ra cách phòng tránh cụ thể và truyền thông để người dân bảo vệ mình, không chủ quan với bất cứ bệnh nào.
Bộ Y tế tiếp tục nhấn mạnh vai trò của tiêm vaccine là vô cùng quan trọng. Trong đó, các nghiên cứu mới nhất trên thế giới cho thấy, hiệu quả của vaccine COVID-19 sẽ giảm dần theo thời gian, khoảng 6 tháng sau khi tiêm. Vì vậy, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ đã khuyến cáo tiêm mũi 3, 4 để phòng chống dịch bệnh, nhất là trong bối cảnh nhiều quốc gia đã ghi nhận các biến thể phụ của chủng Omicron.
Với bệnh cúm mùa, ngành y tế khuyến cáo người dân bảo đảm vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, giữ ấm cơ thể, hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Bệnh cúm cũng có thể chủ động phòng bệnh khi tiêm vaccine hàng năm.
Đối với bệnh sốt xuất huyết, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố lập các tổ phòng chống dịch cộng đồng để tuyên truyền, giám sát, hướng dẫn việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch; chủ động dự phòng, bố trí đủ phương tiện, vật tư, kinh phí cho công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là sốt xuất huyết; xử phạt các tổ chức, cá nhân không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định…
Các chuyên gia y tế cũng nhận định, để phòng chống các bệnh truyền nhiễm, ngành y tế và các địa phương cần tiếp tục truyền thông về lợi ích, hiệu quả của việc tiêm vaccine; thực hiện các biện pháp phòng chống dịch thông qua kết hợp các phương pháp như: "2K" (khẩu trang, khử khuẩn) + vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân...
Chuyên gia giải mã những cơn ác mộng khủng khiếp nhất khiến chúng ta giật mình
Chuyên gia hàng đầu về giấc mơ, Theresa Cheung đã tiết lộ bốn trong số những cơn ác mộng phổ biến nhất con người hay gặp phải, nhưng nhấn mạnh nó không phải lý do bạn lo lắng hoặc sợ hãi.