Nửa đầu năm nay, lượt tìm kiếm về Việt Nam trên công cụ theo dõi xu hướng du lịch của Google liên tục tăng, đưa Việt Nam lọt top 6 những địa điểm du lịch được tìm kiếm nhiều nhất trên thế giới. Tổng cục Du lịch nhận định đây chính là cơ hội tốt để thu hút khách quốc tế, phục hồi mạnh mẽ lĩnh vực công nghiệp không khói của Việt Nam.
Cụ thể, với lượng tìm kiếm tăng trưởng 10 - 25%, Việt Nam xếp thứ 6 trên thế giới, là điểm đến duy nhất ở khu vực Đông Nam Á nằm trong nhóm này.
Ấn Độ và Australia là hai thị trường mới đầy tiềm năng tăng trưởng của du lịch Việt Nam do các hãng hàng không đã phục hồi và mở rộng đường bay kết nối các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Nha Trang...
Với đà tăng trưởng tốt trong thời gian tới, ngành du lịch nhiều khả năng sẽ vượt mục tiêu về khách quốc tế trong năm nay.
Nhờ việc vươn lên top đầu trong tìm kiếm địa điểm du lịch của thế giới mà theo dữ liệu từ Tổng cục Du lịch, tổng doanh thu ngành công nghiệp không khói trong 6 tháng đầu năm đạt gần 343 nghìn tỷ đồng, tăng 1,45% so cùng kỳ 2019, trước khi COVID-19 bùng phát. Trong đó, có 5,6 triệu lượt khách quốc tế và gần 64 triệu lượt nội địa.
Tổng thu du lịch tăng nguyên nhân là do lượng khách quốc tế đã quay trở lại Việt Nam sau khoảng thời gian dịch COVID-19. Mặc dù lượng khách quốc tế mới chỉ bằng gần 70% thời điểm trước dịch, nhưng theo các doanh nghiệp lữ hành thời gian lưu trú lại dài hơn khiến mức chi tăng lên.
Riêng trong tháng 6, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 975.000 lượt khách, tăng hơn 6% so với tháng trước. Hàn Quốc là thị trường khách quốc tế lớn nhất với 1,6 triệu lượt khách trong nửa đầu năm.
Ông Sunny Ghaiee - Phó Tổng Quản lý, Khách sạn Hà Nội Daewoo cho biết: "Lượng khách nổi bật khách sạn trong nửa đầu năm nay chủ yếu đến từ các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản. Sau đó là Trung Quốc và Ấn Độ. Việc Việt Nam mở thêm đường bay thẳng đến Ấn Độ cũng khiến lượng khách đến từ quốc gia này tăng đáng kể".
Tuy nhiên, khảo sát từ Tổng cục Du lịch chỉ ra mức chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam chủ yếu ở việc thuê phòng, ăn uống khi chiếm 60%. Mua hàng hóa hay sử dụng các loại hình dịch vụ chỉ chiếm 20%, còn lại là chi phí khác. Để tăng mức chi tiêu của khách quốc tế, nhiều thành phố cũng thiết kế thêm các tour du lịch văn hoá dựa trên lợi thế có sẵn.
(Tổng hợp)