Nói lời sau cùng, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc SCB) khẳng định "tâm phục khẩu phục" sự điều hành phiên tòa của HĐXX, đã tạo điều kiện cho tất cả những người tham gia phiên tòa được trình bày để làm rõ sự thật của vụ án.
Theo bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn, trong suốt vụ án này, bị cáo cảm thấy day dứt nhất là bị cáo và SCB đã làm liên lụy tới các thành viên của Đoàn thanh tra. Cuộc thanh tra SCB kéo dài, các thành viên trong đoàn rất vất vả nên bị cáo và SCB đã tặng tiền, quà cho họ, không ngờ điều này đã làm hại họ.
Trước khi xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho mình, bị cáo Văn xin HĐXX khoan dung với bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng, Trưởng đoàn thanh tra SCB) và bị cáo Trương Mỹ Lan. Bị cáo Văn nói luôn tôn trọng bà Nhàn và con trai của bà ấy. Còn với bà Lan, bị cáo Văn mong HĐXX cho bà ấy sớm trở về để có cơ hội làm lại từ sai lầm, đóng góp cho xã hội. Nếu quá trình xử lý hậu quả vụ án, bị cáo có thể giúp được gì thì bị cáo xin sẵn sàng.
Cuối cùng, bị cáo Văn xúc động nói: “Bài học lớn nhất đối với bị cáo là sự tuân thủ pháp luật, khi làm trái thì phải trả giá đắt, với bị cáo, cái giá là sự tự do của mình. Bị cáo có vợ và 6 con, con nhỏ nhất của bị cáo mới 15 tháng tuổi và bị cáo chưa từng được gặp mặt. Với tất cả các bị cáo, các gia đình trong vụ án, không có sự ăn năn nào lớn hơn khi nghe câu nói “sao lâu quá ba mẹ không về với con”…”
Cũng xin HĐXX khoan hồng với Trương Mỹ Lan, bị cáo Trương Huệ Vân nói, có thể cô bị cáo (bị cáo Trương Mỹ Lan – PV) có những phương thức kinh doanh cá biệt, không phù hợp nhưng cô là người nhân từ, là người dạy cho bị cáo biết nhiều điều trong cuộc sống. Bị cáo Vân xin HĐXX xem xét lại án tử hình với bà Trương Mỹ Lan để bà có cơ hội “tập trung trí lực”, góp phần giải quyết hậu quả vụ án.
Bị cáo Chu Lập Cơ (chồng bà Lan) xin HĐXX “giữ lại mạng sống cho vợ tôi” khi nói lời sau cùng. Trình bày về hoàn cảnh phạm tội, ông Cơ mong HĐXX xem xét khoan hồng vì bản thân đã lớn tuổi, xin có cơ hội trở về để nỗ lực cùng vợ và các con giải quyết hậu quả vụ án, theo SGGP.
Được nói lời sau cùng, bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó Tổng Giám đốc SCB) cho biết, bản thân xem SCB như ngôi nhà thứ hai với hy vọng SCB luôn tồn tại và phát triển.
"Đến thời điểm này, các vấn đề đã được làm rõ, sau phiên tòa, bị cáo nếu được gặp nhân sự SCB xin gửi lời xin lỗi. Hơn 300 nhân viên SCB theo sự chỉ đạo của cấp trên thực hiện các thủ tục vô tình dẫn đến sai phạm pháp luật không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đây là đặc ân rất lớn của pháp luật. Điều này khiến bị cáo vô cùng biết ơn", bị cáo Trần Thị Mỹ Dung nói.
Bị cáo Dung cho biết, mình làm việc không hưởng lợi và khi nhận ra sai lầm, bị cáo đã nghỉ việc. Từ khi sự việc xảy ra, bị cáo luôn ân hận vì nhận thức được sự nông nổi của mình, xin Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét và giảm nhẹ mức án cho các bị cáo cùng các bị cáo thuộc SCB, công ty thẩm định giá và đoàn thanh tra.
Trong khi đó, bị cáo Trương Khánh Hoàng (nguyên Quyền Tổng Giám đốc SCB) ân hận về các hành vi phạm tội mình đã làm. Hoàng cho biết: "Bị cáo biết mình mắc lầm lỗi, để lại hậu quả lớn. Bị cáo tự vấn tại sao mình sai như vậy. Bị cáo nhận ra, tuổi trẻ bồng bột lao vào mưu sinh để đánh mất mình, mất cuộc đời. Bị cáo cảm ơn HĐXX đã cho bị cáo cơ hội thức tỉnh và sống nửa cuộc đời còn lại theo đúng pháp luật. Nếu có cơ hội trở về, bị cáo muốn là người bình thường để sống với gia đình. Xin lỗi anh chị em ở SCB đã đặt niềm tin vào tôi để phải vướng lao lý ngồi ở đây", theo Dân Việt.
Hoàng nói thêm, là người làm công ăn lương không vì mục đích vụ lợi, khi nhận thức sai lầm, bị cáo đã nghỉ việc. Bị cáo luôn thành khẩn để mong sự khoan hồng của HĐXX, có cơ hội về chăm sóc cha mẹ và con nhỏ.
Lời nói sau cùng, bị cáo Dương Tấn Trước (cựu Tổng Giám đốc Công ty Tường Việt) nhận thức được hành vi sai phạm của mình, phối hợp với cơ quan điều tra trong quá trình giải quyết vụ án, nỗ lực cùng gia đình khắc phục hậu quả. Trong vụ án này, thiệt hại là rất lớn, bị cáo hoàn toàn không cố ý. Mong HĐXX xem xét chính sách khoan hồng đặc biệt để bị cáo sớm trở về cùng gia đình. Đặc biệt, bị cáo Trước xin cho anh Cao Việt Dũng hưởng mức án nhẹ về điều hành Công ty Đường Việt, đứa con tinh thần của bị cáo.
Trước đó, ở phiên chiều 3/4, bị cáo Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT SCB) là người thứ 2 sau bị cáo Trương Mỹ Lan lên nói lời sau cùng trước tòa.
Bị cáo Dũng cho biết: "Từ khi bị tạm giam đến nay đã 17 tháng, bị cáo rất ân hận, ăn năn hối cải với những việc mình đã làm trong thời gian vừa qua. Trong trại tạm giam, bị cáo nhận ra được hành vi và trách nhiệm của mình nên đã phối hợp với gia đình để có trách nhiệm trong việc khắc phục hậu quả, đến nay đã nộp được hết số tiền".
Bùi Anh Dũng bị truy tố về các tội "Tham ô tài sản", "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng". Bị Viện kiểm sát (VKS) đề nghị mức án tù chung thân, bị cáo Bùi Văn Dũng mong HĐXX và VKS xem xét để bị cáo có cơ hội trở về với đời sống xã hội và gia đình.
"Năm nay, bị cáo đã 63 tuổi, có mẹ già hơn 80 tuổi. Với mức án của VKS thì bị cáo sẽ không còn cơ hội để gặp mẹ già. Bị cáo xin HĐXX và VKS xem xét để bị cáo có cơ hội trở về với đời sống xã hội và gia đình. Bị cáo có tâm nguyện khi trở về làm tư vấn viên về pháp luật. Bị cáo thấy rằng, khi ở ngoài xã hội thì không biết, nhưng trong tại tạm giam thì mới thấy việc tự do và ở bên gia đình là 2 điều quý giá nhất", ông Bùi Văn Dũng nói trong nước mắt, theo Dân Việt.
Kết thúc phần trình bày, bị cáo Dũng xin được HĐXX xem xét mức hình phạt nhẹ nhất cho bị cáo Trương Mỹ Lan, các đồng nghiệp của bị cáo tại SCB cũng như những người đang bị truy tố tại tòa để tất cả đều được sớm trở về đoàn tụ với gia đình.