Trái phiếu doanh nghiệp không có lỗi khi có một số doanh nghiệp có hành vi vi phạm. Doanh nghiệp nào vi phạm, sẽ phải bị xử lý nghiêm minh, có thể tăng nặng mức xử phạt, nhưng không thể vì thế mà làm khó kênh phát hành trái phiếu của doanh nghiệp. Vụ việc Tân Hoàng Minh sẽ làm nhiều chủ thể thị trường phải nhìn lại mình và hệ thống pháp luật để bảo đảm tính tuân thủ.
TS. Lê Xuân Nghĩa thừa nhận, có thể những tác động tới thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu, tới hoạt động của doanh nghiệp đang tiêu cực hơn nhiều so với suy nghĩ của nhiều cơ quan quản lý nhà nước, nếu việc xử lý các sai phạm của doanh nghiệp không được cân nhắc theo nguyên tắc ổn định hệ thống ngân hàng, bảo đảm hoạt động bình thường của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp quy mô lớn.
Trách nhiệm của các đối tượng liên quan đến các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng khá rõ. Đại diện trái chủ phải giám sát việc thực hiện các cam kết của doanh nghiệp phát hành theo thỏa thuận (nếu có). Công ty phát hành sẽ quản lý, sử dụng vốn đúng phương án phát hành. Sở Giao dịch chứng khoán giám sát việc giao dịch tại Sở và việc thực hiện chế độ công bố thông tin, báo cáo đối với doanh nghiệp phát hành. Chủ sở hữu doanh nghiệp giám sát việc huy động, sử dụng vốn phát hành trái phiếu, thanh toán lãi, gốc trái phiếu.
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế chia sẻ quan điểm, giai đoạn đầu của thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể sẽ có những “hỗn loạn” nhất định, cũng như sự xuất hiện ào ạt của các F0 (nhà đầu tư chứng khoán mới trên thị trường) thường mang lại cảm giác đáng lo ngại, nhưng chính họ tạo nên xung lực cho thị trường.
“Vấn đề là sự bình tĩnh để ứng phó, không thể vì một vài sự cố mà cho rằng thị trường này có vấn đề pháp lý. Điều quan trọng là cần xác định rõ, thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu phải là kênh huy động chính của doanh nghiệp”, TS. Nghĩa nói.
Thực tế, doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang “sống” nhờ vốn vay ngân hàng, với tỷ lệ khoảng 80%, bất kể đó là vốn lưu động hay vốn dài hạn. TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, đây là biểu hiện của một thị trường tài chính kém phát triển.
Ở các nền kinh tế phát triển, như châu Âu, vốn cho doanh nghiệp vay chỉ chiếm khoảng 20% tổng vốn tín dụng của ngân hàng. 71% tín dụng ngân hàng đổ vào nhóm bất động sản nhà ở, phương tiện, xe cộ (cả cá nhân và thương mại). Đây là con số tính đến năm 2017 mà TS. Lê Xuân Nghĩa tổng hợp. Tỷ lệ này ở Mỹ cũng tương tự, dù thấp hơn một chút.
Trong quá trình phát triển, cho dù Việt Nam đi sau, phải chấp nhận doanh nghiệp còn phải dựa nhiều vào vốn vay ngân hàng, nhưng không chỉ là vốn, mà là năng lực quản trị dòng tiền, xây dựng thói quen quản trị nợ. Nhưng về lâu dài, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải tuân theo xu thế phát triển chung, đó là chỉ sử dụng tín dụng ngân hàng với vốn ngắn hạn, vốn lưu động, còn vốn dài hạn là được huy động từ vốn cổ phiếu, trái phiếu và quan trọng là tăng năng lực tích lũy vốn.
“Nhưng câu hỏi là doanh nghiệp sẽ ‘cai’ tín dụng ngân hàng như thế nào nếu thông điệp chính sách từ thị trường trái phiếu không rõ ràng, căn ke mục đích sử dụng vốn từ nguồn trái phiếu như với nguồn tín dụng ngân hàng rồi loay hoay tìm cơ chế kiểm tra, giám sát. Tình thế này còn khiến nhiều doanh nghiệp dừng lại kế hoạch phát hành trái phiếu”, TS. Lê Xuân Nghĩa đặt vấn đề.
Theo ông Nghĩa, bất cứ hành động nào của ‘khuôn viên’ ngành tài chính cũng phải cẩn trọng. Chúng ta cần tuân thủ nguyên tắc: xử lý con người, nhưng phải giữ được tài sản, không thể vì ‘đánh chuột’ mà ‘vỡ bình’. Chính giai đoạn này cho thấy, việc hoàn thiện hệ thống giám sát doanh nghiệp, giám sát và cảnh báo thị trường là cần thiết. Môi trường kinh doanh có thể bị hủy hoại không phải vì hành vi sai phạm của doanh nghiệp, mà là cách ứng xử của cơ quan quản lý nhà nước với các hành vi đó.
“Chìa khóa nằm ở tính minh bạch. Nếu minh bạch ngay được từ báo cáo tài chính của doanh nghiệp; minh bạch trong cơ chế giám sát độc lập, minh bạch trong xử lý các hành vi vi phạm, thì niềm tin của thị trường sẽ được tạo lập”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Đặc biệt, ông Nghĩa tiếp tục khuyến nghị đưa Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trở thành cơ quan độc lập trực thuộc Chính phủ, thay vì thuộc Bộ Tài chính như hiện tại. Cùng với đó là đề xuất đẩy nhanh việc cho phép các công ty xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp của Việt Nam được liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài…
Các nội dung trên được quy định rõ tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Tổng Hợp