Đã gần 1 năm phát hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên tại Vũ Hán, Trung Quốc. Đến nay, đại dịch này đã khiến cho ít nhất 64 triệu người phải nhập viện và hơn 1,4 triệu người đã tử vong. Các nền kinh tế, dù lớn hay nhỏ, đều bị tàn phá bởi các đợt phong tỏa và đóng cửa biên giới.
Ngày 22/11, giới chức Anh đã thông báo về việc cấp phép khẩn cấp sử dụng vắc xin Covid-19. Việc tiêm chủng hàng loạt sẽ bắt đầu gần như ngay lập tức, với khoảng 800.000 liều vắc-xin đầu tiên của Pfizer và BioNTech. Đây là một trong những kỳ tích trong nỗ lực ngăn chặn đại dịch.
Ugur Sahin, Giám đốc điều hành của BioNTech, tự hào cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CNN hôm 2/12: “Chúng tôi tin rằng, đây thực sự là thời điểm khởi đầu cho sự kết thúc của dịch Covid-19, nếu chúng tôi có thể đảm bảo việc triển khai vắc-xin một cách chắc chắn. Dù cần có thêm nhiều quốc gia phê duyệt loại vắc-xin này, nhưng đây là một khởi đầu tốt”.
Washington Post nhận định, cách nói của ông Sahin hoàn toàn đúng, tuy nhiên thời điểm chính xác để đại dịch biến mất phải phụ thuộc vào xuất phát điểm của từng nước.
Tại Anh, chính phủ tỏ ra khá lúng túng trong việc xử lý dịch bệnh, nhưng chủ động trong việc sản xuất vắc xin. Họ đã đảm bảo được thỏa thuận với nhiều nhà sản xuất khác nhau, để mỗi người dân nước này được tiêm trung bình 5 liều vắc-xin.
Dù vậy, áp lực của việc sản xuất cũng như phê chuẩn ngày càng tăng. Đặc biệt là có loại vắc xin còn chưa hoàn tất các giai đoạn thử nghiệm.
Với các nước nghèo, họ khó lòng cạnh tranh với các nước giàu trong việc sản xuất hay mua vắc xin. Theo Trung tâm Đổi mới y tế toàn cầu Duke ở Durham (Mỹ), người dân một số nước thu nhập thấp có thể phải đến 2024 mới được tiêm chủng. Một nửa nguồn cung vắc-xin đã được EU và 5 nước lớn khác đặt hàng cho 2021, theo số liệu từ tạp chí Nature.
Để giải quyết vấn đề này, Tổ chức Y tế Thế giới và các tổ chức toàn cầu khác đã thành lập Cơ sở tiếp cận toàn cầu đối với vắc-xin Covid-19, được gọi tắt là Covax với sự tham gia của hơn 150 quốc gia.
Về vấn đề hậu cần, vắc xin của Pfizer chỉ có thể được bảo quản ở nhiệt độ -75 độ C, nằm ngoài khả năng của nhiều nước hiện nay, đặc biệt là ở quy mô có thể đáp ứng các chương trình tiêm chủng mang tính đại trà. Các nhà sản xuất ước tính, chỉ riêng tại Mỹ sẽ cần ít nhất 50.000 tủ đông lạnh để phục vụ quá trình tiêm chủng trên cả nước.
Có một điều đáng lo ngại là vắc xin giải quyết được vấn đề phòng dịch ở các nước giàu nhưng dịch bệnh vẫn tồn tại ở các nướ cnghèo và có thể tiếp tục lây lan sang những nơi khác.
Theo Katherine O’Brien, Giám đốc phòng quản lý tiêm chủng của WHO, việc tìm ra một loại vắc-xin hiệu quả giống như “xây dựng một khu lán trại trên núi Everest”, còn việc cung cấp vắc-xin giống như “trèo được tới đỉnh Everest”.
Một số chuyên gia lo ngại rằng, việc triển khai vắc xin quá nhanh chóng có thể làm xói mòn niềm tin vào các loại chủng ngừa. Hai tác giả Josh Michaud và Jen Kates đã cảnh báo “sự vỡ mộng về vắc-xin”, nếu các liều lượng không thể đạt hiệu quả nhanh chóng.
BioNTech, công ty của hai vợ chồng người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ, đã hợp tác sản xuất vắc-xin với công ty Pfizer Mỹ nhưng lại được Chính phủ Anh cấp phép. Washington Post cho rằng, bản chất quốc tế của sự kết hợp này là điều đáng ghi nhận, trong thời kỳ “chủ nghĩa quốc gia về vắc-xin” đang trỗi dậy. Sự chấm dứt của dịch Covid-19 có thể là vấn đề ở trong tầm mắt, nhưng sẽ cần nỗ lực mang tính toàn cầu để đạt được điều đó.
Hà Nội yêu cầu xử lý 3 tiếp viên hàng không vi phạm quy định về cách ly COVID-19
Mới đây, quận Long Biên đã yêu cầu Tổng Công ty hàng không xử lý 3 tiếp viên hàng không không thực hiện đúng quy định cách ly.