Theo Ngân hàng Thế giới (WB), đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 đã làm số ca nhiễm bệnh tăng mạnh nhất kể từ khi đại dịch bùng phát ở Việt Nam từ đầu năm 2020, theo TTXVN.
Điều này khiến Chính phủ Việt Nam phải thực hiện biện pháp hạn chế di chuyển, nhất là ở các trung tâm đô thị lớn và một số khu công nghiệp.
Cập nhật tình hình kinh tế trong giai đoạn vừa qua, báo cáo của WB nêu rõ hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng 5/2021 đã cho thấy khả năng chống chịu cao với tốc độ tăng trưởng 1,6% so với tháng 4 trước đó. Tuy nhiên, doanh số bán lẻ giảm 3,1% do tác động của giãn cách xã hội và việc đóng cửa của các cửa hàng, cửa tiệm.
Cũng trong tháng 5/2021, vị thế kinh tế đối ngoại của Việt Nam giảm nhẹ do kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và cam kết vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm lần lượt 6,7% và 20% so với tháng 4/2021.
Giá cả trong nước tăng 0,3% so với tháng 4 do giá hàng hóa toàn cầu tăng trong khi tín dụng tăng trưởng với tốc độ chậm hơn do hoạt động kinh tế suy yếu và lãi suất liên ngân hàng tăng nhẹ.
Ngân sách Nhà nước thặng dư khoảng 86.000 tỷ đồng (tương đương 3,7 tỷ USD), trong 5 tháng đầu năm 2021. Tổng thu ngân sách tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2020, cho phép Chính phủ đạt 49,7% mục tiêu của năm chỉ trong vòng 5 tháng.
Tổng chi ngân sách giảm 3,7% so với cùng kỳ năm 2020 xuống còn 581,6 nghìn tỷ đồng, chủ yếu do tiến độ đầu tư công chậm lại (giảm 16,5% so với cùng kỳ năm 2020).
Tỷ lệ giải ngân giảm có thể thấy ở cả cấp Trung ương và địa phương; đồng thời, đối với các dự án sử dụng vốn trong nước cũng như dự án sử dụng vốn ODA.
Tình trạng thiếu nguyên liệu đầu vào khiến giá cả tăng cao là một trong những nguyên nhân góp phần làm chậm tiến độ triển khai các dự án đầu tư công...
Theo các chuyên gia WB, trong thời gian tới, cần đặc biệt quan tâm đến sự phát triển của sản xuất công nghiệp và bán lẻ vì cả hai ngành này đều có thể tiếp tục bị ảnh hưởng bởi đợt bùng phát dịch COVID-19. Xuất khẩu cũng có thể bị tác động do thu hẹp sản xuất ở một số khu công nghiệp.
Nếu đợt bùng phát này không được nhanh chóng ngăn chặn, Chính phủ Việt Nam có thể cần xem xét việc áp dụng chính sách tài khóa phù hợp hơn để hỗ trợ các cá nhân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cũng như để kích thích nhu cầu trong nước.