"WHO đã đánh giá hiệu quả, tính an toàn và chất lượng của vắc xin Sinopharm"

WHO khuyến nghị sử dụng vắc xin Sinopharm dựa trên lộ trình ưu tiên của WHO, với tất cả các biến thể đang có ở Việt Nam hiện nay.

Trao đổi với Vietnamnet, TS Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, hiện nay, có ít nhất 17 vắc xin đã được triển khai, 7 trong số đó đã được WHO phê duyệt vào danh sách sử dụng khẩn cấp, bao gồm: Pfizer/BionNTech, AstraZeneca của Oxford, AstraZeneca của Viện Huyết Thanh Ấn Độ, Janssen, Moderna, Sinopharm/BBIP và Sinovac. WHO đang giám sát chặt chẽ hiệu quả của các vắc xin này trong thực tế, bao gồm ảnh hưởng của các biến thể đáng lo ngại trong đó có Delta lên hiệu quả của vắc xin.

Vắc xin vẫn có hiệu quả tốt trong việc ngăn ngừa mắc bệnh nặng Covid-19 bởi biến thể Delta, mặc dù có giảm hiệu quả trong việc ngăn ngừa mắc bệnh có triệu chứng.

  TS Kidon Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam

TS Kidon Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam

Ông nói: "Thông điệp từ WHO rất rõ ràng, đó là hãy tiêm bất kỳ loại vắc xin có sẵn khi đến lượt bạn. Vắc xin giúp bảo vệ bạn và cả những người xung quanh. Vắc xin cũng sẽ làm giảm nguy cơ biến thể Delta lan truyền trong cộng đồng và gây ra các biến thể mới". 

Thử nghiệm giai đoạn 3 tại nhiều quốc gia cho thấy 2 liều vắc xin Sinopharm tiêm cách nhau 21 ngày có hiệu quả là 79% chống lại SARS-CoV-2 không triệu chứng, được tính 14 ngày trở đi sau liều thứ hai. WHO kết luận rằng lợi ích mà vắc xin Sinopharm đem lại lớn hơn những nguy cơ đã được biết hoặc có thể xảy ra.

"Tất cả các vắc xin đã được WHO phê duyệt vào danh sách sử dụng Khẩn cấp đều đã đạt yêu cầu về hiệu quả, an toàn và chất lượng do WHO đặt ra thông qua tham vấn chặt chẽ với các chuyên gia quốc tế. Các vắc xin đều có hiệu quả rất cao trong việc ngăn ngừa mắc bệnh nặng cần nhập viện do Covid-19 gây ra. WHO cũng đang theo dõi chặt chẽ hiệu quả của các vắc xin Sinopharm trong thực tế sử dụng, bao gồm ảnh hưởng của các biến thể đáng lo ngại lên hiệu quả của vắc xin. Chúng tôi cũng sẽ cập nhật các khuyến cáo mới nhất liên quan nếu cần thiết".

Ông nhấn mạnh: "Tôi muốn nhắc các bạn rằng vắc xin an toàn và hiệu quả là chìa khóa để kết thúc đại dịch Covid-19, nhưng nó không phải “viên đạn bạc” (hay “chìa khóa vạn năng”).

Chỉ mình vắc xin không thể chấm dứt lây truyền trong cộng đồng. Chúng ta cần phải tiếp tục thực hiện các biện pháp 5K – đeo khẩu trang, ở nơi thông thoáng khí, vệ sinh tay thường xuyên, vệ sinh hô hấp và quy tắc che miệng khi ho, tránh nơi đông người và khai báo y tế đầy đủ. Những biện pháp này là rất quan trọng, kể cả khi bạn đã được tiêm phòng, nhất là ở các địa phương đang có các ca lây nhiễm cộng đồng".

Về chiến lược tiêm chủng tại Việt Nam hiện nay, ông Kidong Park cho rằng hiện tại đang có thêm vắc xin được chuyển đến Việt Nam, và đó là một tin vui. Tuy nhiên Việt Nam cần đẩy mạnh hoạt động tiêm chủng ở tất cả các tỉnh/thành phố, huyện, và xã để đạt được mục tiêu đề ra.

WHO đánh giá cao từng nhân viên, cán bộ đã làm việc hết mình cho chiến dịch tiêm chủng chưa từng có này. WHO khuyến cáo ưu tiên tiêm chủng cho nhân viên y tế, nhân viên tuyến đầu chống dịch và những người có nguy cơ cao mắc bệnh nặng và tử vong, ví dụ như người cao tuổi và những người có bệnh nền. Các vắc xin đều có hiệu quả rất cao trong việc ngăn ngừa mắc bệnh nặng cần nhập viện do Covid-19 gây ra.

Thanh Mai

Dự báo thời tiết đêm nay và ngày mai (6-7/8): Tây Nguyên, Nam Bộ chiều tối mưa dông rải rác

Dự báo thời tiết đêm nay và ngày mai (6-7/8): Tây Nguyên, Nam Bộ chiều tối mưa dông rải rác

Tây Nguyên và Nam Bộ mưa rào và dông vài nơi; riêng chiều tối mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Bắc Bộ và Trung Bộ tiếp tục nắng nóng đặc biệt gay gắt, nhiệt độ cao nhất có nơi trên 39 độ.