World Cup báo hiệu tương lai kinh tế thế giới

World Cup lần thứ 22 đang diễn ra tại Qatar, nhưng đầu thế kỷ này ai có thể nghĩ rằng giải bóng đá lớn nhất hành tinh lại được tổ chức tại quốc gia Vùng Vịnh nhỏ bé này? Tuy nhiên, trái bóng đang lăn ở đây, và điều ngạc nhiên duy nhất là dường như không có gì ngạc nhiên lắm.

Trong phần lớn sự nghiệp, Jim O'Neill, cựu Chủ tịch công ty quản lý tài sản của Goldman Sachs, cựu Bộ trưởng Tài chính Anh, đã tìm hiểu mối liên hệ giữa trò chơi đẹp mắt và nền kinh tế toàn cầu. 

Tại Goldman Sachs và trước đó là tại Tập đoàn Ngân hàng Thụy Sĩ, ông đã thỏa mãn nỗi ám ảnh kép của mình bằng cách chủ biên các ấn phẩm đặc biệt phát hành một lần cho mỗi kỳ World Cup từ năm 1994 đến năm 2010. 

Ông đã nhận được tin nhắn cá nhân từ các giám đốc ngân hàng trung ương hàng đầu trên khắp thế giới, trong đó một số người nhận xét rằng đó là ấn phẩm hay nhất về các sự kiện kinh tế và thị trường, vừa thú vị vừa đáng suy ngẫm. 

Thậm chí các nhà lãnh đạo quốc gia và những gương mặt nổi tiếng trong làng bóng đá thế giới cũng viết bài cho ấn phẩm đặc biệt này. Có một lần, Alex Ferguson, huấn luyện viên huyền thoại của Manchester United, đã chọn ra đội hình xuất sắc nhất thế giới mọi thời đại.

Cho đến nay, O'Neill, cha đẻ của thuật ngữ BRIC (nhóm các nền kinh tế đang nổi gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) đã tham dự 6 kỳ World Cup tổ chức tại Mỹ, Pháp, Hàn Quốc-Nhật Bản, Đức, Nam Phi và Brazil. 

World Cup báo hiệu tương lai kinh tế thế giới - Ảnh 1.

Từ những trải nghiệm này, cựu chuyên gia kinh tế hàng đầu của Goldman Sachs nhận thấy mối liên hệ giữa bóng đá và tình trạng của nền kinh tế thế giới thể hiện rõ ràng trong việc chọn nước chủ nhà của giải đấu. 

Có một thực tế không thể phủ nhận là việc Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) chọn Nam Phi đăng cai World Cup năm 2010, Brazil năm 2014, Nga năm 2018 và giờ đây là Qatar đều dựa trên sự phát triển ổn định của cái gọi là các nền kinh tế mới nổi trong hai thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI. 

Từ lâu, O'Neill đã nghĩ rằng hai quốc gia khác thuộc khối BRICS rất có thể sẽ gia nhập câu lạc bộ (nhỏ) gồm các nước chủ nhà World Cup trong tương lai.

Nhưng với việc nhiều nước lớn chuyển hướng tập trung vào các vấn đề đối nội nhiều hơn trong những năm gần đây, liệu trong tương lai gần có ai muốn đăng cai tổ chức sự kiện này không? Liệu các nền kinh tế mới nổi đầy tham vọng có thấy ngày càng khó khăn trong việc tổ chức giải đấu được theo dõi nhiều nhất thế giới? 

Hoặc ngược lại, liệu thế giới có thể sớm quay trở lại một trật tự quốc tế bình đẳng hơn, toàn cầu hóa hơn và bao trùm hơn? Người ta thậm chí có thể đặt một câu hỏi sâu sắc hơn: FIFA là người lãnh đạo tinh thần hay chỉ số tụt hậu về nền kinh tế thế giới và mức độ toàn cầu hóa?

O'Neill thắc mắc giải đấu sẽ diễn ra như thế nào trong 4 tuần tới và quan trọng hơn là có bao nhiêu người theo dõi các trận đấu, có thể là dấu hiệu ban đầu rõ ràng nhất về tầm quan trọng của World Cup năm nay. Giải đấu này mang lại doanh thu lớn nhất cho FIFA. 

Đã có cuộc thảo luận - có lẽ được thúc đẩy bởi mong muốn tăng doanh thu từ các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp - về việc liệu có nên biến World Cup thành sự kiện tổ chức 2 năm một lần hoặc vẫn giữ nguyên thể thức 4 năm một lần như hiện nay nhưng bổ sung xen kẽ một giải World Cup của các câu lạc bộ cũng theo thể thức 4 năm một lần.

World Cup báo hiệu tương lai kinh tế thế giới - Ảnh 2.

Nếu tương lai của nền kinh tế toàn cầu rất khác so với 20-30 năm trước, điều này sẽ được phản ánh trong quá trình ra quyết định của FIFA. Thật khó để tưởng tượng FIFA sẽ hào hứng với việc tổ chức các giải vô địch bóng đá thế giới trong tương lai tại các quốc gia có thị trường mới nổi nếu các quốc gia đó đóng góp vào tăng trưởng kinh tế thế giới ít hơn so với các quốc gia đăng cai các kỳ World Cup kể từ năm 2010.

Trong những thập kỷ 80, 90 của thế kỷ XX và hai thập kỷ đầu tiên của thế kỷ này, tăng trưởng GDP thực tế toàn cầu trung bình lần lượt đạt 3,3%, 3,3%, 3,9% và 3,7%. Sự tăng tốc trong hai thập kỷ gần đây rõ ràng là nhờ sự phát triển mạnh hơn ở các quốc gia mới nổi, và nó trùng với giai đoạn FIFA bắt đầu lựa chọn nước chủ nhà World Cup từ bên ngoài các thành trì bóng đá truyền thống. Hiện tại có vẻ như xu hướng này có thể bị đảo ngược trong thập kỷ này dù vẫn còn 8 năm nữa.

Và những người chiến thắng tại World Cup lần thứ 22 này thì sao? Từ những kinh nghiệm trong quá khứ, O'Neill không đi xa hơn việc dự đoán 4 đội vào bán kết. Một mặt, chủ nghĩa hiện thực mà người ta tiếp cận để dự báo nền kinh tế thế giới cũng được áp dụng cho dự báo World Cup; mặt khác, các nhà lãnh đạo của các quốc gia không được dự báo có khả năng đoạt cúp hoặc lọt sâu vào vòng trong thường không chấp nhận điều này tốt lắm. 

Nhìn lại lịch sử World Cup, chỉ có 8 quốc gia đã giành cúp vàng. Brazil, quốc gia đã 5 lần vô địch World Cup, luôn là một trong những ứng cử viên được yêu thích và đội hình năm nay có vẻ là một trong những đội mạnh nhất của giải đấu. 

Argentina, Uruguay, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha và Anh cũng đã ít nhất một lần giành ngôi vô địch. Italy không thể vượt qua vòng loại lần này, nhưng nếu có thì người chiến thắng có thể sẽ là quốc gia khác.

Năm nay dự đoán "bóng đá sẽ trở về nhà" (chiến thắng cho nước Anh), nhưng cũng có thể cúp vàng sẽ được trao cho một trong những đội tuyển quốc gia khác đã từng lên ngôi vô địch. 

Trong số các nước còn lại, Đan Mạch, Hà Lan và Bồ Đào Nha, thường được đánh giá cao hơn tại mỗi kỳ World Cup so với sức mạnh về kinh tế và nhân khẩu học của họ. Bất kỳ đội tuyển nước nào giành chức vô địch ở Qatar cũng sẽ ít nhiều báo hiệu tương lai của nền kinh tế toàn cầu.

(Nguồn: TTXVN)

CHẤN HƯNG