"Xét nghiệm trên diện rộng là giải pháp tốt nhất và duy nhất TP Hà Nội có thể thực hiện lúc này"

Kéo dài thời gian xét nghiệm đồng nghĩa với kéo dài giãn cách, khi đó không chỉ kinh tế đình trệ mà cuộc sống, tinh thần người dân cũng bị ảnh hưởng.

Đêm 10/8, UBND Hà Nội công bố văn bản do Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh ký, phê duyệt kế hoạch xét nghiệm sàng lọc diện rộng tại toàn bộ 30 quận, huyện với số lượng ước tính khoảng 3,3 triệu mẫu, trong đó có 1,3 triệu mẫu RT-PCR. Mục tiêu của chiến dịch xét nghiệm này nhằm nhanh chóng phát hiện hết F0 còn lại trong cộng đồng cũng như sớm ổn định tình hình dịch bệnh.

Bác sĩ Thu Anh Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam cho rằng, Hà Nội cần rút ra 2 bài học chống dịch đắt giá từ TP.HCM:

Thứ nhất, Hà Nội cần tổ chức điểm xét nghiệm thật khoa học, không để xảy ra tình trạng người dân chen chúc, ùn ùn kéo vào điểm xét nghiệm làm tăng nguy cơ lây nhiễm nơi đông người. 

Thứ hai, với việc trong hơn một tuần, các đơn vị phải lấy, vận chuyển, xử lý, xét nghiệm 1,3 triệu mẫu PCR là khối lượng công việc rất nặng nhọc, rất dễ xảy ra sai sót khi trả kết quả và nguy hiểm nhất là nhầm mẫu, hoặc cho âm tính giả.

"Hà Nội cần có kế hoạch tổng thể, từ chuẩn bị, xác định đối tượng, tổ chức điểm xét nghiệm, thiết bị, nhân lực vận hành máy móc, sinh phẩm cho đến trả kết quả. Và thành phố cũng cần định hình sẵn tình huống khi trong 3 triệu mẫu có 1.000, 10.000 thậm chí hơn 100.000 người dương tính sẽ ra sao", bác sĩ Thu Anh nói.

Cơ quan chuyên môn của TP cần hướng dẫn, quán triệt quy trình lấy mẫu một cách chi tiết, chặt chẽ. Đối với 2 triệu xét nghiệm sử dụng test nhanh, bác sĩ này cho rằng TP cần hết sức thận trọng và phải chọn lựa loại kit có độ nhạy cao.

GS.TS Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội khóa XV, nêu ý kiến TP cần có phương án lưu trữ mẫu bệnh phẩm số lượng lớn trong khi chờ xét nghiệm, rồi bố trí nhân lực ra sao để vừa đảm bảo tiến độ, vẫn giữ sức khỏe cho nhân lực vận hành máy. Đây là thời cơ quý giá Hà Nội chặn đứng nguy cơ lây lan trước khi dịch bệnh lan rộng đến mức mất khả năng kiểm soát như ở TP.HCM.

Bác sĩ Thu Anh nói TP cần tính toán tốc độ lấy mẫu phù hợp với năng lực lưu trữ, xử lý. TP.HCM cũng từng vấp phải một sai lầm đó là khi xét nghiệm ồ ạt, kết quả trả về với số lượng ca dương tính cao vượt. 

"Nếu số F0 tăng vọt sau khi sàng lọc 3 triệu người, Hà Nội cần có sự chuẩn bị chỗ cách ly, điều trị theo từng tầng, lường trước gánh nặng đối với hệ thống y tế để chủ động san sẻ sang tuyến quận, huyện. Đây là sai lầm rất dễ mắc phải và Hà Nội có thể nhìn vào TP.HCM để thấy điều này nguy hiểm thế nào", bà Thu Anh nói.

Với hơn 3 triệu xét nghiệm trong 1 tuần, bác sĩ Thu Anh thừa nhận đây là khối lượng công việc rất nặng nhọc, có thể dẫn đến nhiều nguy cơ nhưng vẫn là giải pháp tốt nhất lúc này. Nếu sau một tuần, số ca nhiễm ở mức an toàn, TP có thể xem xét dừng hoặc hạ mức độ các quy định.

Thanh Mai

Giá rau xanh vẫn ở mức cao, người tiêu dùng giảm sức mua

Giá rau xanh vẫn ở mức cao, người tiêu dùng giảm sức mua

Thị trường thực phẩm hôm nay ghi nhận sức mua giảm do lệnh giãn cách xã hội; thêm vào đó giá rau xanh và các loại thực phẩm khác cũng ở mức cao khiến người tiêu dùng khó tiếp cận.