"Xiên bẩn", kẹo "mắt" cổng trường: Mối lo ngộ độc thực phẩm rình rập học sinh

"Xiên bẩn" không rõ nguồn gốc, kẹo "mắt" tiềm ẩn hóa chất độc hại đang bủa vây cổng trường, trở thành nỗi ám ảnh thường trực của phụ huynh và nhà trường. Nguy cơ ngộ độc thực phẩm rình rập từng bữa ăn vặt của học sinh, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng và cộng đồng.
Xiên bẩn bày bán công khai trước cổng trường học
Xiên bẩn bày bán công khai trước cổng trường học

Trước cổng các trường học, đặc biệt là tiểu học và THCS, không khó để bắt gặp cảnh từng tốp học sinh chen chúc quanh những chiếc xe đẩy, quầy hàng rong bán đủ loại đồ ăn vặt. Từ những xiên thịt nướng, xúc xích rán, nem chua đến các loại đồ ăn đóng gói đủ màu sắc xanh, đỏ, vàng... tất cả đều được bày bán công khai với mức giá rẻ giật mình. Tuy nhiên, đằng sau những món quà vặt hấp dẫn ấy lại là nỗi lo lớn về an toàn thực phẩm thậm chí là hiểm họa đến tính mạng.

Món ngon tiềm ẩn hiểm họa

Chả cá, chả mực xiên que, xúc xích rán, bánh tráng trộn... là những món quà vặt được học sinh ưa chuộng bởi hương vị thơm ngon, bắt mắt và giá cả "hạt dẻ". Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế, không ít trong số đó được bày bán trong điều kiện mất vệ sinh, thực phẩm không nhãn mác, được chứa trong các túi nilon không đảm bảo, dầu ăn chiên đi chiên lại nhiều lần trong cùng một can lớn, bốc mùi nồng nặc.

Không ít trường hợp, các loại xiên nướng được tẩm ướp phụ gia, phẩm màu, gia vị công nghiệp nhằm át mùi ôi thiu hoặc đánh lừa vị giác. Những chiếc xe lưu động này không chỉ thiếu giấy phép kinh doanh mà còn tiềm ẩn nguy cơ phát tán vi khuẩn, hóa chất độc hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ em.

Chả cá, chả mực xiên que, xúc xích rán... là những món quà vặt được học sinh ưa chuộng nguy cơ phát tán vi khuẩn, hóa chất độc hại
Chả cá, chả mực xiên que, xúc xích rán... là những món quà vặt được học sinh ưa chuộng nguy cơ phát tán vi khuẩn, hóa chất độc hại

Không dừng lại ở khu vực cổng trường, "xiên bẩn" còn len lỏi khắp các công viên nơi các gia đình đưa con em đi chơi mỗi chiều tối hoặc cuối tuần. Những xe đẩy chở đầy xiên que, viên thả lẩu mini, chả cá viên, xúc xích... với hình thức bắt mắt, được chiên trực tiếp tại chỗ, tỏa mùi thơm nức cũng thu hút đông đảo trẻ nhỏ. Nhưng cũng chính tại các địa điểm công cộng này, việc kiểm tra, giám sát gần như bỏ ngỏ, khiến nguy cơ mất an toàn thực phẩm càng trở nên đáng lo ngại.

Hệ lụy đau long, một bé trai tử vong vì viên kẹo "con mắt"

Một trong những hệ quả thương tâm của việc tiêu thụ thực phẩm không an toàn vừa xảy ra gần đây tại Thừa Thiên Huế. Chiều ngày 5/4 vừa qua, lãnh đạo UBND xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, xác nhận một bé trai 3 tuổi trên địa bàn đã tử vong sau khi bị hóc kẹo.

Kẹo mắt thủ phậm gây tử vong bé trai tại Huế
Kẹo mắt thủ phậm gây tử vong bé trai tại Huế

Trước đó, vào lúc 7h10 ngày 4/4, bé D. (3 tuổi), sống cùng ông bà ngoại tại xã Lộc Thủy, bị hóc khi ăn viên kẹo hình con mắt, một loại kẹo lạ mắt do người thân mua từ hàng rong. Người nhà cố gắng sơ cứu nhưng không thành công và đưa cháu đến Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc, cơ sở Chân Mây. Dù các bác sĩ đã lấy dị vật khỏi cổ họng, cháu bé không qua khỏi do ngạt thở quá nặng.

Sự việc gây xót xa, đồng thời gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ nhưng vẫn được mua bán tràn lan ngoài môi trường học đường và không gian công cộng.

70% thức ăn đường phố nhiễm khuẩn

Theo thống kê từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), có tới 70% - 80% thức ăn đường phố, bao gồm cả quà vặt trước cổng trường và tại công viên, bị nhiễm khuẩn. Những thực phẩm này nếu không gây ngộ độc cấp tính thì cũng tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng lâu dài tới gan, thận, hệ tiêu hóa và phát triển của trẻ em.

Không chỉ các món ăn nóng, nhiều loại nước giải khát, thạch dừa, que cay, kẹo dẻo... cũng tràn lan với giá chỉ từ 2.000 đến 10.000 đồng. Phần lớn trong số này không có nhãn mác hoặc có nhãn hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài, gây khó khăn trong việc kiểm tra thành phần, hạn sử dụng.

Cần giải pháp quản lý đồng bộ và bền vững

Thực trạng trên đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc siết chặt công tác quản lý các mặt hàng thực phẩm bày bán gần trường học, công viên và những nơi có nhiều trẻ em lui tới.

Theo đại diện Cục An toàn thực phẩm, cần tăng cường các đợt kiểm tra đột xuất, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, các địa phương cần rà soát, quy hoạch lại các điểm bán hàng rong gần trường học, công viên nhằm kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm.

Song song đó, cần đẩy mạnh truyền thông, giáo dục ý thức cho phụ huynh, học sinh và cộng đồng về tác hại của thực phẩm không rõ nguồn gốc.

Nhà trường có thể tích cực phối hợp tổ chức các buổi học ngoại khóa, truyền thông dinh dưỡng để học sinh biết cách lựa chọn món ăn an toàn và nói không với thực phẩm độc hại.

Những chiếc xiên nướng thơm phức, những viên kẹo đủ màu sắc có thể là phần thưởng sau giờ học hoặc phút giải trí tại công viên, nhưng nếu không được kiểm soát chặt chẽ, chúng có thể trở thành "sát thủ thầm lặng". Một môi trường an toàn cho trẻ không chỉ đến từ sách vở mà còn bắt đầu từ những món ăn hàng ngày cần sự vào cuộc quyết liệt từ gia đình, nhà trường và toàn xã hội.

Hoàng Toàn

4 món ăn Việt tạo vị thế riêng biệt trên bản đồ ẩm thực thế giới

4 món ăn Việt tạo vị thế riêng biệt trên bản đồ ẩm thực thế giới

Những món ăn Việt đã được vinh danh trên các bảng xếp hạng quốc tế, chinh phục khẩu vị thực khách toàn cầu

Đọc nhiều nhất