Xử lý doanh nghiệp bỏ thầu nhưng lại mở tờ khai xuất khẩu trăm nghìn tấn gạo

Đại diện Tổng cục Dự trữ Nhà nước nhấn mạnh, việc các doanh nghiệp bỏ thầu lần này có thể ảnh hưởng lớn đến an ninh lương thực quốc gia hiện nay.

Từ 17/4, Tổng cục Dự trữ Nhà nước phát hồ sơ trên hệ thống để ngày 12/5 tổ chức đấu thầu lại 182.300 tấn gạo đưa vào dự trữ quốc gia. Trong số này có hơn 178.000 tấn gạo đã đấu thầu tháng trước với 28 doanh nghiệp trúng thầu nhưng phần lớn đã "xù", không ký hợp đồng để bàn giao gạo.

Nông dân xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ thu hoạch lúa vụ Đông Xuân đầu tháng 3. Ảnh: VnExpress.
Nông dân xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ thu hoạch lúa vụ Đông Xuân đầu tháng 3. Ảnh: VnExpress.

Tổng cục Dự trữ Nhà nước cho biết mới chỉ ký hợp đồng được 7.700 tấn (đã nhập kho 3.280 tấn). Trong đó, 2 doanh nghiệp ký đủ số lượng gạo đã trúng thầu, 2 doanh nghiệp ký một phần số đã trúng thầu, còn lại 24 doanh nghiệp đã từ chối ký hợp đồng. 

Theo Tổng cục Hải quan, có 4 đơn vị đã trúng thầu dự trữ quốc gia gạo với Tổng cục Dự trữ Nhà nước nhưng lại từ chối ký hợp đồng để giao gạo. Đến khi Thủ tướng cho nối lại xuất khẩu gạo, hải quan cho mở tờ khai xuất khẩu theo hạn ngạch 400.000 tấn, 4 đơn vị này lại đăng ký xuất khẩu đến hàng nghìn tấn.

Doanh nghiệp bỏ thầu nhưng lại mở tờ khai xuất khẩu gần trăm nghìn tấn gạo

Ngày 15/4, xác nhận trên Tiền Phong, lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho biết, qua rà soát trên hệ thống công nghệ thông tin, phát hiện nhiều doanh nghiệp quốc gia, bất ngờ mở được tờ khai xuất khẩu hàng chục nghìn tấn gạo.

Tuy nhiên, do công văn trước đó của Bộ Công Thương không yêu cầu cấm xuất khẩu đối với các doanh nghiệp thuộc diện này nên theo lãnh đạo Tổng cục Hải quan, họ vẫn có thể xuất khẩu gạo bình thường.

“Những tờ khai đã được mở thành công có hiệu lực trong vòng 15 ngày, tức từ nay đến 26/4. Họ phải đi gom đủ gạo và hoàn thiện các thủ tục còn lại để xuất”, vị lãnh đạo cho hay.

Cập nhật của Tổng cục Hải quan tới trưa 15/4, chưa có tấn gạo nào được xuất khẩu.
Cập nhật của Tổng cục Hải quan tới trưa 15/4, chưa có tấn gạo nào được xuất khẩu.

Theo Tiền Phong đưa tin, đến trưa nay 15/4, cập nhật của Tổng cục Hải quan trên cổng thông tin, lượng gạo đăng ký đang ở mức 399.999,73 tấn, còn thiếu 27 tạ gạo. Lượng thực xuất theo trạng thái kiểm tra vẫn là con số 0.

Trước đó, ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, trung bình một tờ khai Hải quan xuất khẩu gạo từ khi đăng ký đến khi nhận lại kết quả chỉ trong vòng vài giây.

Tuy nhiên, qua rà soát, Tổng cục Hải quan nhận thấy: “Thống kê có 4 doanh nghiệp nằm trong danh sách nhà thầu trúng thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia năm 2020. Ví dụ như Tổng Cty lương thực miền Bắc trúng thầu 4.500 tấn, đến thời điểm hiện nay chưa ký hợp đồng, tuy nhiên doanh nghiệp này lại đăng ký xuất khẩu 8 tờ khai với số lượng 7.200 tấn. Hay Cty TNHH Phát Tài trúng thầu 17.940 tấn, doanh nghiệp này cũng đăng ký 5 tờ khai xuất khẩu, tổng khối lượng hơn 13.000 tấn”, ông Tuấn cho biết.

Ngoài ra, theo Cục trưởng Cục Giám sát quản lý Hải quan, có hai doanh nghiệp khác gồm Cty CP Vĩnh Tường và Cty CP XNK Thuận Ninh cũng nằm trong danh sách trúng thầu nhưng chưa ký hợp đồng với Cục Dự trữ Quốc gia khu vực. Tuy nhiên hai doanh nghiệp này cũng đăng ký tờ khai xuất khẩu trên 10.000 tấn. Như vậy các doanh nghiệp này chưa thực hiện quy định cung cấp gạo cho dự trữ quốc gia. Việc này, theo ông Tuấn làm phát sinh nguy cơ không đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, dự trữ quốc gia.

Doanh nghiệp bỏ thầu vì COVID-19?

Chia sẻ với VnExpress, đại diện Tổng cục Dự trữ Nhà nước cho biết, những năm trước cũng có một số nhà thầu từ chối ký hợp đồng sau khi trúng nhưng số lượng rất ít, không quá ảnh hưởng. Tuy nhiên, năm nay, vì COVID-19, nhu cầu dự trữ và mua tạm trữ của người dân, doanh nghiệp và cả xuất khẩu lên cao mới có tình trạng hàng loạt doanh nghiệp từ chối ký hợp đồng.  

Thu mua lúa trên kênh xáng Xà No ở Hậu Giang trước ngày 24/3. Ảnh: VnExpress.
Thu mua lúa trên kênh xáng Xà No ở Hậu Giang trước ngày 24/3. Ảnh: VnExpress.

Đồng thời, những tháng đầu năm nay, xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước đi các thị trường như Trung Quốc, Philippines, Malaysia,... tăng mạnh, nhất là với loại gạo tẻ đủ tiêu chuẩn nhập kho dự trữ quốc gia. So với khi mở thầu hôm 12/3, giá gạo đã liên tục tăng 1.200 - 2.000 đồng/kg. Do vậy, doanh nghiệp trúng không cung cấp gạo và từ chối ký hợp đồng. 

Đại diện Tổng cục Dự trữ Nhà nước cũng nhấn mạnh, việc các doanh nghiệp bỏ thầu lần này ảnh hưởng rất lớn đến khả năng thu mua dự trữ gạo quốc gia hiện nay.

Chế tài nào cho doanh nghiệp bỏ thầu?

Theo ông Tuấn - Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), quy định tại Nghị định 107 liên quan đến xuất khẩu gạo thì các doanh nghiệp phải có trách nhiệm dự trữ lưu thông tối thiểu 5% tổng lượng xuất khẩu của doanh nghiệp trong 6 tháng trước đây. Như vậy việc các này doanh nghiệp này không đảm bảo, phát sinh lo ngại ảnh hưởng an ninh lương thực trong dự trữ lưu thông cũng như dự trữ quốc gia.

Một bất cập lớn được ông Tuấn chỉ ra là hiện nay chưa có chế tài buộc doanh nghiệp phải ký hợp đồng đối với lượng gạo đã trúng thầu khi đấu thầu lượng gạo dự trữ quốc gia mới được xuất khẩu.

Theo Luật Đấu thầu , 24 doanh nghiệp từ chối ký hợp đồng sẽ bị thu số tiền bảo đảm dự thầu, khoảng 1 - 3% theo quy mô, giá trị gói thầu, để nộp ngân sách nhà nước. Hiện tại, Luật Đấu thấu và các văn bản hướng dẫn thi hành không có chế tài nào xử lý khác nên các doanh nghiệp này vẫn có thể tham gia đợt đấu thầu mới vào tháng 5.

Xử lý doanh nghiệp bỏ thầu nhưng lại mở tờ khai xuất khẩu trăm nghìn tấn gạo

Theo các quy định hiện hành, chỉ khi doanh nghiệp đã ký hợp đồng nhưng không thực hiện mới không được tham gia đấu thầu trong 3 đến 5 năm sau đó và bị thu 2 - 10% giá trị khoản tiền bảo đảm hợp đồng.

Do vậy, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu sửa đổi Luật Đấu thầu để quy định mức đảm bảo dự thầu cao hơn hoặc thêm chế tài xử lý khác. "Mức thu số tiền đảm bảo dự thầu bằng 1 - 3% giá trị gói thầu chưa đủ ràng buộc trách nhiệm của nhà thầu khi thị trường có biến động tăng giá cao", cơ quan này lý giải trên VnExpress.

“Thực tế thống kê của Hải quan cho thấy có doanh nghiệp trong thời gian rất ngắn đăng ký hơn 100 tờ khai với số lượng gần 100.000 tấn (như Công ty CP tập đoàn Intimex đăng ký 102 tờ khai với khối lượng 96.234 tấn). Những doanh nghiệp còn lại sẽ không còn hạn ngạch để đăng ký tờ khai. Đây là bất cập, không mang lại hiệu quả quản lý, gây ra sự hỗn loạn trong hoạt động xuất nhập khẩu chỉ trong mấy ngày, gây phản ứng của doanh nghiệp xuất khẩu, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi những hợp đồng đã ký trước đây nhưng không đăng ký được tờ khai xuất khẩu gạo” vị cục trưởng dẫn chứng với Tiền Phong.

Khẳng định với Tiền phongBộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, đã chỉ đạo Tổng cục Dự trữ xử lý các doanh nghiệp trúng thầu nhưng hủy kết quả theo quy định của Luật Đấu thầu.

THUẬN TIỆN (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương